MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân châu Á chi bao nhiêu tiền “ăn Tết Mậu Tuất”?

17-02-2018 - 16:59 PM | Tài chính quốc tế

Không chỉ Trung Quốc đón Tết Âm lịch với đợt nghỉ lễ dài, nhiều nước khác như Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Việt Nam cũng đón Tết Âm lịch.

Dịp Tết Âm lịch của một số nước châu Á, bắt đầu từ ngày 16/2/2018, có thể coi như một trong những đợt nghỉ lễ quan trọng nhất của khu vực Đông Á.

Dịp Tết Âm lịch này có thể coi như ngày Lễ Tạ ơn, Giáng Sinh và Năm mới của người phương Tây gộp lại. Dịp Tết Âm lịch đánh giá sự khởi đầu của mùa xuân và là dịp quan trọng để các gia đình sum họp.

Và chắc chắn, đợt nghỉ lễ dài này ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, hoạt động sản xuất của các nhà máy và hoạt động kinh tế nói chung.

Cũng chính đợt nghỉ này, theo phân tích của nhiều chuyên gia thị trường, đã khiến cho giá bitcoin sụt giảm sâu trong tháng 1/2018 bởi nhiều nhà đầu tư châu Á bán ra để lấy tiền ăn Tết, mua sắm cho bản thân và gia đình.

Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) của Singapore đã tiến hành khảo sát ý kiến của người dân tại ba nước Đông Nam Á để biết họ chi bao nhiêu tiền cho dịp Tết Âm lịch. Tại Singapore, số tiền chi tiêu trung bình của mỗi người chỉ riêng trong dịp Tết Âm lịch ước tính 1.890USD (tương đương khoảng 2.500 đôla Singapore).

Cuộc khảo sát tương tự được thực hiện ở Indonesia và Malaysia. Người dân có kế hoạch đón Tết Âm lịch tại hai nước này chi tiêu lần lượt trung bình khoảng 800USD và 1.000USD.

Tại cả ba nước trên, người dân chủ yếu chi tiêu tiền vào thực phẩm, du lịch và quà tặng.

UOB không thực hiện khảo sát tương tự với Trung Quốc, tuy nhiên tiêu dùng của người dân Trung Quốc đang tăng nhanh.

Trong năm ngoái, ước tính người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu khoảng 840 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng hơn 140 tỷ USD vào lĩnh vực bán lẻ và các loại dịch vụ trong kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần này, mức chi tiêu như vậy tăng 11,4% so với năm 2016.

Tại Trung Quốc, phong tục mừng tuổi bằng những phong bao lì xì màu đỏ đã trở thành truyền thống từ nhiều thế kỷ nay. Phong bao mừng tuổi chính là những phong bì màu đỏ mà người ta tặng nhau để chúc nhau may mắn.

Ở Trung Quốc, phong tục lì xi đã giúp cho thanh toán trên điện thoại di động phát triển, đặc biệt trên nền WeChat của Tencent.

Tập đoàn công nghệ Tencent mới giới thiệu phong bao lì xì ảo trên mạng từ năm 2014, tuy nhiên độ phổ biến của nó nhanh chóng lan rộng. Dịp Tết Âm lịch năm 2014, hơn 16 triệu phong bao lì xì ảo được truyền tay nhau thì đến dịp Tết Âm lịch năm 2017, con số này đã là 14,2 tỷ (chỉ tính riêng hệ thống của Tencent).

Hiện tượng này chưa thực sự phổ biến ở Đông Nam Á, nhưng người tiêu dùng cũng đang bắt đầu quen dần với nó.

Còn theo ngân hàng DBS Singapore, trong năm ngoái, giá trị mỗi phong bao lì xì ảo mà người dân Singapore tặng cho nhau trung bình ở mức khoảng 19,60USD, cao hơn nhiều lần so với giá trị của phong bao lì xì thường với số tiền dao động từ 4,5USD đến 7,60USD.

Tại Trung Quốc, cũng trong dịp Tết Âm lịch, người ta được chứng kiến một trong những cuộc di cư lớn nhất thế giới. Trong khoảng 40 ngày xung quanh dịp nghỉ Tết (từ ½ đến hết ngày 12/3), Bộ Giao thông Trung Quốc công bố người Trung Quốc đã thực hiện gần 3 tỷ chuyến đi sử dụng phương tiện công cộng.

Nhiều người đang làm việc tại các thành phố trở về quê hương, thế nhưng cũng có nhiều người khác tranh thủ khoảng thời gian này để đi du lịch, điểm đến mà họ ưa thích chính là Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu.

Chi tiêu du lịch nội địa Trung Quốc trong năm 2017 tăng 15,9% so với năm 2016; 344 triệu khách du lịch tiêu khoảng 423,3 tỷ nhân dân tệ tương đương 61,5 tỷ USD, theo số liệu của Cơ quan quản lý du lịch Trung Quốc.

Nhiều người giàu Trung Quốc cũng đi du lịch nước ngoài nhiều hơn. Trong tuần trước, một báo cáo chính thức cho thấy khoảng 6,5 triệu người Trung Quốc sẽ đi du lịch nước ngoài trong dịp Tết Âm lịch này.

Nhóm khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài này được ước tính sẽ chi tiêu trung bình mỗi người khoảng 9.500 nhân dân tệ tức khoảng 1.500USD cho nhiều điểm đến du lịch phổ biến với khách Trung Quốc bao gồm Thái Lan, Singapore và Việt Nam.

Theo tính toán của ngân hàng CIMB, dịp Tết Âm lịch thường mang đến “cú huých” chi tiêu cho cộng đồng Trung Quốc trên khắp thế giới, từ Bắc Kinh, Jakarta, London, Los Angeles cho đến Singapore.

Theo Trung Mến

Bizlive

Trở lên trên