MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dán mắt vào màn hình hàng giờ đồng hồ, những gì đọng lại chỉ là con số 0: Chúng ta chơi điện thoại hay bị "điện thoại chơi"?

11-03-2020 - 23:59 PM | Sống

Đôi khi, chúng ta cần tự hỏi bản thân rằng, mình có chủ đích sử dụng điện thoại nhiều như vậy hay không? Hay bạn chỉ định kiểm tra một vài tin nhắn, nhưng bị chính điện thoại "điều khiển" trong vô thức hàng giờ đồng hồ?

Đại đa số chúng ta đều có thói quen vô thức mở điện thoại di động, mở khóa màn hình, kiểm tra xem có tin nhắn mới nào không, có cập nhật trên bất cứ ứng dụng nào không. Trong quá trình đó, chúng ta lại like ảnh của người này một cái, bình luận trên dòng trạng thái của người kia một cái, sau đó lại tiếp tục lướt màn hình, rồi lại bắt đầu like, comment, share đủ loại thông tin khác. 

Hết Lotus, Facebook, rồi chúng ta chuyển sang Messenger, rồi Zalo, rồi Instagram... và vô số các ứng dụng giải trí khác. Đôi khi, chúng ta cứ vô thức bỏ ra hàng giờ đồng hồ cho điện thoại di động, không nhận thức được bản thân “chơi điện thoại” hay "bị điện thoại chơi”.

Thói quen này tưởng chừng vô hại nhưng lại trở thành vật cản lớn nhất trên con đường phát triển bản thân.

Cuốn sách "Tâm lý cá nhân" (Tên gốc: Individual psychology) của nhà tâm thần học Alfred Adler có lập luận: Có ba sự theo đuổi hiển nhiên trong cuộc sống là: Theo đuổi tiến bộ, theo đuổi hạnh phúc và theo đuổi tự do.

Với sự phát triển nhanh chóng của xã hội ngày nay, có thể nói rằng không ai không không muốn tiến bộ, có được hạnh phúc và sự tự do về cả tâm trí lẫn tinh thần. 

Thế nhưng, khi dán mắt vào điện thoại mỗi ngày, chúng ta đã lãng phí rất nhiều thời gian mà không đạt được sự tiến bộ. Không có tiến bộ thì sẽ không có giá trị phát triển, càng không có tiền đề để theo đuổi tự do tài chính. Vừa không có tài chính, vừa bị di động “khống chế”, lấy đâu ra thời gian tự do? Đến cuối cùng, không tiền, không tiến bộ, không tự do, lấy gì để đạt được hạnh phúc? 

Có một cuộc khảo sát nhỏ tại chỗ, người ta ngẫu nhiên mời một tình nguyện viên tham gia và đưa ra 3 câu hỏi.

1) Bạn có nhớ hôm qua mình đã xem gì khi “lướt” điện thoại hay không?

Anh ta trả lời: "Tôi nhớ mang máng là mình đọc một bài viết nào đó, dài lắm, về chủ đề xã hội thì phải. Nhưng nó viết cái gì ấy nhỉ...".

2) Bạn có nhớ tuần trước mình đã xem gì khi “lướt” điện thoại hay không?

Anh ta không đưa ra được câu trả lời nào.

3) Bạn có nhớ tháng trước mình đã xem gì khi “lướt” điện thoại hay không?

Anh ta vẫn tiếp tục không đưa ra câu trả lời.

Khi kiểm tra số liệu thống kê trên chính điện thoại của mình, anh ta thấy trung bình mình đã bỏ ra từ 4-5 tiếng đồng hồ để sử dụng nó. Nhưng sau từng đó thời gian, không có bất cứ ấn tượng gì để lại cả. 

Dán mắt vào màn hình hàng giờ đồng hồ, những gì đọng lại chỉ là con số 0: Chúng ta chơi điện thoại hay bị điện thoại chơi? - Ảnh 1.

Cho dù có những sự kiện thật sự ấn tượng còn lưu giữ trong tâm trí thì liệu bạn có mong đợi, chúng sẽ đem tới tác dụng cải thiện cuộc sống hay không?

Thực chất là không. Nếu có, cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ, không đem tới tác dụng lớn lao gì. Thời gian và sự chú ý của bạn đang bị lãng phí một cách vô bổ. 

Trong cuốn sách “Con đường của cải và tự do”, tác giả Li Xiaolai đồng thời là nhà đầu tư Bitcoin nổi tiếng của Trung Quốc đã cho rằng: "Sức tập trung, lực chú ý là nguồn tài nguyên quý giá nhất của mỗi người".

Lãng phí nó vào việc chiếc điện thoại thông minh hàng giờ đồng hồ mỗi ngày, bạn đang bỏ qua rất nhiều cơ hội quan trọng. 

Phải biết rằng, đôi khi tiền tài không phải nhân tố quan trọng nhất, bởi vì nó có thể được tái sinh. Thời gian cũng không phải điều quan trọng nhất, vì bản chất của thời gian không thuộc về bạn. Chỉ có sự chú ý mới là nguồn lực quan trọng và quý giá nhất mà bạn thực sự sở hữu.

Nhìn từ góc độ này, vận mệnh thực sự công bằng với tất cả mọi người. Bởi vì chỉ có bạn mới làm chủ được sự chú ý của mình, tiền tài hay quyền thế đều không thể thay đổi mảy may, trừ khi chính bạn từ bỏ nó. Cuối cùng, thành quả nhận được là tốt đẹp hay tồi tệ đều đến từ sự lựa chọn của bản thân. 

Theo quan điểm này, chúng ta hiểu được nguyên do của rất nhiều thất bại đã được xếp đặt từ trước. Kể từ thời điểm mà chúng ta hình thành thói quen lãng phí sự chú ý một cách vô bổ, không biết tận dụng nguồn tài nguyên quan trọng và quý giá nhất để nâng cao giá trị bản thân, chúng ta đã để lỡ rất nhiều cơ hội thành công trên đường đời.

Cho nên, bạn phải học cách đặt tất cả sự chú ý đó vào chính mình. Sau đó, dùng chính năng lực đó để tạo ra giá trị sở hữu của bản thân. Ngược lại, nếu cứ để mặc bản thân tiếp tục lãng phí, kết cục của chúng ta sẽ chỉ tóm gọn lại bằng một tiếng: “Chẳng làm nên trò trống gì.”

Nói một cách dễ hiểu, tất cả các giá trị (bao gồm cả sự tiến bộ, trưởng thành, tự do, tài phú, v.v.) của một người đều là kết quả của quá trình phân bổ lực chú ý một cách hợp lý. Lãng phí lực chú ý đồng nghĩa với việc lãng phí cả cuộc sống và tương lai.

Dán mắt vào màn hình hàng giờ đồng hồ, những gì đọng lại chỉ là con số 0: Chúng ta chơi điện thoại hay bị điện thoại chơi? - Ảnh 2.

Muốn từ bỏ thói quen này, chúng ta bắt buộc phải nhận ra rằng: Thái độ và ý thức là những nhân tố quan trọng nhất.

Người xưa đã nói: "Vạn sự khởi đầu nan". Một khi chúng ta bắt đầu, những sự việc sau đó sẽ phát sinh theo khuynh hướng tự nhiên của nó, dần dần thoát khỏi ý định kiểm soát của bản thân.

Thời điểm chúng ta bắt đầu chơi điện thoại cũng vậy. Bạn vô tình mở màn hình khóa, nhìn thấy tin mới trong Facebook, bắt đầu kiểm tra tin nhắn, rồi trò chuyện, rồi lại vô thức lướt trang chủ trong nhiều giờ liền. Vậy là bạn rơi vào trạng thái chơi điện thoại di động một cách vô thức, mất kiểm soát.

Nhưng đồng thời, ở một khía cạnh khác, quá trình “cai nghiện” điện thoại cũng sẽ bắt đầu theo đúng cách như vậy. Hãy khởi đầu bằng việc tự trả lời ba câu hỏi đơn giản:

1) Chơi điện thoại có phải quyết định có chủ đích của mình hay không?

=> Nếu không, bạn cần dừng lại.

=> Nếu có, hãy tiếp tục hành động chủ đích của mình và trả lời câu hỏi thứ hai.

2) Quyết định này có đúng hay không? Có nên làm tiếp hay không?

=> Nếu có, hãy tiếp tục và hoàn thành.

=> Nếu không, bạn cần dừng lại và trả lời câu hỏi thứ ba. 

3) Nếu không làm tiếp, mình sẽ làm gì?

Sau đó, hãy thực hiện chính câu trả lời mà bạn đưa ra. 

Xong rồi, đơn giản vậy thôi.

Như đã nói ở trên, để thay đổi một thói quen, quan trọng nhất là thái độ và ý thức của mỗi người. Tiếp nhận vấn đề bằng thái độ tích cực và một ý thức tự giác, bạn mới có thể làm chủ bản thân, chấm dứt sự lãng phí vô bổ.

Dương Mộc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên