Đàn ông Hàn Quốc bị 'cấm cửa' tại phòng gym: Thất bại trong việc cung cấp môi trường an toàn cho nữ giới?
Một nữ nhân viên văn phòng 31 tuổi sống ở Seoul, Hàn Quốc, đã thẳng thắn nhận xét: “Giờ đây, tôi có thể tự tin mặc những trang phục bó sát như quần legging, quần đạp xe và áo ba lỗ mà không cảm thấy lo lắng về việc bị đàn ông nhìn chằm chằm.”
- 21-09-2022Đại học Harvard đứng đầu thế giới về danh sách cựu sinh viên siêu giàu
- 21-09-2022Cuộc hôn nhân gần 1 thập kỷ của thủ lĩnh nhóm Maroon 5 và vợ “thiên thần Victoria's Secret”
- 21-09-2022"Một ngày hoàn hảo" ở Hà Nội: Hãy bắt đầu bằng câu xin chào và một nụ cười thật tươi
Nhiều nơi tại Hàn Quốc “cấm cửa” đàn ông
Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều không gian dành riêng cho nữ giới đang nổi lên ở Hàn Quốc. Phòng tập thể dục không phải là cơ sở duy nhất giới hạn dịch vụ của họ chỉ dành cho phụ nữ. Từ quán cà phê học tập, các khu cho thuê căn hộ kiểu ký túc xá, nhà khách và văn phòng, thậm chí bao gồm cả các địa điểm cắm trại đều dần xuất hiện khía cạnh này.
Một trang web chuyên cung cấp dịch vụ cắm trại được thành lập vào tháng 5 ở Cheonan, tỉnh Nam Chungcheong, chỉ mở cửa cho những phụ nữ muốn tận hưởng trải nghiệm yên tĩnh và thanh bình khi không có đàn ông. Theo một cộng đồng trực tuyến của những người cắm trại, nơi đây nhanh chóng trở nên nổi tiếng.
Jeong Ye-ji là nữ nhân viên văn phòng tại Seoul, Hàn Quốc, yêu thích sự thay đổi này. Cô đã nhanh chóng chuyển sang một trung tâm thể dục dành cho phụ nữ từ cách đây hai tháng và cảm thấy rất hài lòng về điều đó. "Tại đây có nhiều loại tạ nhẹ hơn, các thiết bị hỗ trợ tập luyện cũng có nhiều mức, dễ điều chỉnh hơn so với phòng tập trước đây của tôi. Xung quanh đều là phụ nữ nên tôi không cảm thấy ngại khi tập với các loại máy mình chưa quen", cô giải thích.
Dịch vụ đi xe chung taxi mới hoạt động trở lại trong thời gian gần đây tại Hàn Quốc cũng đưa ra điều kiện giới hạn, trong đó bao gồm chỉ dành cho những người cùng giới tính. Nghĩa là, khi gọi dịch vụ này, phụ nữ sẽ chỉ đi chung taxi với phụ nữ, và đàn ông sẽ chỉ đi chung với đàn ông. Quy định này được đưa ra nhằm giảm bớt sự lo lắng của người dân khi đi chung xe với người lạ, cũng như lo ngại về các nguy cơ tội phạm tiềm ẩn.
Một số phương tiện giao thông ở Hàn Quốc treo biển "Women only" chỉ dành riêng cho phụ nữ trong một số khung giờ nhất định. Ảnh: 10mag.
Các chuyên gia cho rằng lý do chính khiến ngày càng có nhiều phụ nữ lựa chọn không gian chỉ phục vụ nữ giới là do lo sợ trở thành nạn nhân của tội phạm tình dục gia tăng trong những năm gần đây như rình rập, quay lén, cưỡng hiếp.
Một cách để phái nữ tự bảo vệ mình?
Yun Ji- yeong, giáo sư triết học tại Đại học Quốc gia Changwon và là chuyên gia về các vấn đề liên quan đến giới đã chia sẻ: "Thật đáng buồn khi phụ nữ tìm kiếm những không gian như vậy và sẵn sàng chi tiền để tránh xa đàn ông. Nhưng đồng thời, điều đó cho thấy xã hội của chúng ta đã thất bại trong việc cung cấp một môi trường an toàn cho nữ giới."
"Phụ nữ rất lo ngại về việc trở thành mục tiêu của tội phạm trên cơ sở giới, loại tội phạm dường như diễn ra ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Ví dụ, việc quay phim bất hợp pháp bằng camera ẩn không chỉ xảy ra trong nhà vệ sinh công cộng mà còn xuất hiện ở những nơi như thư viện, khách sạn hoặc thậm chí ở nhà riêng", bà giải thích. Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia của xứ sở kim chi, đã có khoảng 5.000 trường hợp quay phim bất hợp pháp có sử dụng camera ẩn đã xảy ra mỗi năm kể từ năm 2017.
Shin Kyung-ah, giáo sư xã hội học tại Đại học Hallym, cũng lặp lại quan điểm này.
“Không gian chỉ dành riêng cho phụ nữ dường như cung cấp một nơi trú ẩn, giúp họ thoát khỏi những lo lắng như vậy”- bà nói- "Có thể những tiện ích chỉ dành cho phụ nữ như chỗ đậu xe là điều còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, khi nhắc đến các không gian sinh hoạt chung, chẳng hạn như quán xá, phòng gym… hay bất cứ nơi nào mà chúng ta dành phần lớn thời gian của mình, mọi người nên cảm thấy an tâm và được bảo vệ."
Các khu vực đậu xe chỉ dành cho phụ nữ ở Hàn Quốc. Ảnh: The Korea Times.
Do đó, cả hai chuyên gia đều dự đoán rằng, sự phổ biến của các địa điểm chỉ dành cho phụ nữ sẽ vẫn tồn tại, thậm chí ngày càng phát triển hơn.
“Tất nhiên, việc phân tách giới tính không phải là giải pháp cốt lõi của vấn đề. Những gì phụ nữ cần hơn là luật pháp có thể đưa ra các biện pháp mạnh mẽ để giải quyết bạo lực trên cơ sở giới cùng với sự bảo vệ đầy đủ cho họ”, bà Yun nói thêm.
Gây tranh cãi mạnh mẽ trong dư luận
Khi những biển “cấm đàn ông” xuất hiện ngày càng nhiều, làn sóng phản đối cũng gia tăng. Nhiều người cho rằng các không gian chỉ dành cho nữ là bất bình đẳng, phân biệt giới tính, đẩy xa những vấn đề về giới vốn đã rất căng thẳng tại quốc gia này.
Vào năm 2020, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc đã chỉ ra rằng một thư viện chỉ mở cửa cho phụ nữ ở Jecheon, tỉnh Bắc Chungcheong, đã phân biệt giới tính và do đó vi phạm các quyền cơ bản của con người. Cơ sở thư viện này được thành lập từ năm 1994. Quy định chỉ dành cho nữ giới là do nguyện vọng của những người đã quyên góp kinh phí để xây dựng cơ sở. Nhưng theo khuyến nghị của Ủy ban nhân quyền, nó bắt đầu cho phép các dịch vụ hạn chế cho nam giới.
Trong khi đó, bãi đậu xe chỉ dành cho phụ nữ được chính quyền thành phố Seoul khởi xướng vào năm 2009 sắp bị xóa bỏ, sau những cuộc tranh luận về tính cần thiết và hiệu quả sử dụng. Hồi tháng 8, chính quyền Seoul đã thông báo sẽ chuyển đổi các chỗ đậu xe dành riêng cho phụ nữ thành "không gian ưu tiên gia đình" và những gia đình có trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai hoặc người khuyết tật được ưu tiên sử dụng.
Phụ nữ Việt Nam