MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đang nghiên cứu dự án điện linh hoạt đầu tiên tại Việt Nam

Tập đoàn Wartsila đang cùng với đối tác Việt Nam nghiên cứu triển khai dự án điện linh hoạt đầu tiên tại Việt Nam, sử dụng LNG và tương lai chuyển đổi sang Hydro.

Ngày 12/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Keijo Norvanto và ông Hakan Agnevall, Chủ tịch Tập đoàn Wartsila (Phần Lan) hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, hàng hải.

Phó Thủ tướng đánh giá cao những kết quả hợp tác giữa Việt Nam, Phần Lan trong các lĩnh vực phát triển bền vững như kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường, năng lượng sạch.

Ông Trần Hồng Hà cũng thông tin, Việt Nam hiện là đối tác của EU, các nước G7 trong thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero), Thỏa thuận Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Đang nghiên cứu dự án điện linh hoạt đầu tiên tại Việt Nam- Ảnh 1.

Lãnh đạo Tập đoàn Wartsila báo cáo về dự án điện linh hoạt đang được nghiên cứu, triển khai tại Việt Nam.

Theo Đại sứ Keijo Norvanto, thời gian qua, Việt Nam và Phần Lan đã có nhiều dự án, hoạt động hợp tác hiệu quả trong phát triển bền vững như cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, đổi mới sáng tạo, trồng rừng…

Hiện nay, hai nước đã bước sang giai đoạn trao đổi công nghệ, kiến thức để cùng phát triển trong những lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao mà hai bên cùng quan tâm.

Tại cuộc tiếp, ông Hakan Agnevall đã báo cáo Phó Thủ tướng về công nghệ điện linh hoạt, kết hợp điện khí và nguồn điện tái tạo, để bảo đảm cho sự ổn định, cân bằng cho hệ thống điện khi gia tăng tỉ lệ điện gió, điện mặt trời.

Tập đoàn hiện đang cùng với đối tác Việt Nam nghiên cứu triển khai dự án điện linh hoạt đầu tiên tại Việt Nam, sử dụng LNG và tương lai chuyển đổi sang Hydro, hỗ trợ tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện.

Phó Thủ tướng cho biết, trong tiến trình thực hiện JETP, Net Zero, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ về công nghệ, nguồn lực, quản trị. Quá trình chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than sang điện khí, kết hợp nguồn điện từ năng lượng tái tạo phù hợp với tiến trình này.

Về dự án điện linh hoạt của Tập đoàn Wartsila, Phó Thủ tướng đề nghị cần tính toán đầy đủ về chi phí đầu tư hạ tầng, phương án mua khí, phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo đi kèm, hệ thống truyền tải, giá thành sản xuất… phù hợp với thị trường, người tiêu dùng Việt Nam.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng thông tin về những chính sách khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài phát triển điện gió ngoài khơi để sản xuất nhiên liệu xanh như hydro xanh, amoniac xanh hoặc xuất khẩu trực tiếp; cơ chế mua bán điện trực tiếp khi nhà đầu tư tự bảo đảm được sự ổn định, cân bằng lưới điện; tham gia chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo; đầu tư vào điện rác…

Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí trong nước và khí hóa lỏng (LNG) sẽ đạt hơn 37.000 MW, tương ứng gần 25% tổng công suất nguồn điện. Trong đó, điện khí hóa lỏng (LNG) khoảng 24.000 MW, chiếm khoảng 15%.

Theo Luân Dũng

Tiền Phong

Trở lên trên