Đằng sau công việc "ngày làm 4 tiếng, lương tháng 70 triệu VNĐ" đang chớm nở tại Trung Quốc: Thị trường giáo dục tiềm năng với quy mô "khủng" dành cho con nhà giàu
Để nâng cao điểm số cho con cái, nhiều phụ huynh đã không ngần ngại thuê các gia sư cao cấp với giá cao hơn giá thị trường.
- 15-06-2021Mặc lùm xùm tình ái, Bill Gates vẫn duy trì thói quen tiết lộ 5 cuốn sách đáng đọc nhất mùa hè 2021: Hình tượng có thể bỏ chứ riêng đọc sách thì không
- 13-06-2021Phương châm để giữ gìn gia sản cho thế hệ sau của gia tộc 7 đời làm tỷ phú: “Điểm xuất phát không quyết định điểm kết thúc, chỉ có bỏ cuộc mới là thất bại”
- 10-06-2021Nhà Mark Zuckerberg dạy con: Cho nghe sách vật lý lượng tử lúc 2 tháng tuổi, học lập trình khi mới lên 3 nhưng vẫn quản nghiêm việc này
Giờ đây tại Trung Quốc, thay vì đưa con đến các lớp học thêm, nhiều gia đình lại chọn phương án sử dụng "gia sư riêng". Công việc không chiếm nhiều thời gian, khá nhàn hạ và được trả lương cao này đang trở thành nghề nghiệp "trong mơ" một bộ phận người trẻ có học thức cao.
Trở thành gia sư cao cấp, họ có thể len lỏi vào giới thượng lưu, tiếp xúc với nhiều doanh nhân tài giỏi, được đưa đón thường xuyên bằng xe sang. Thế nhưng, công việc này cũng đem lại cho họ không ít tai tiếng, hiểu lầm.
Làm việc 4-5 tiếng/ngày, lương tháng hơn 70 triệu VNĐ
Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Sư phạm tiếng Anh ở Anh, Dương Tinh Nguyệt (24 tuổi) trở về Trung Quốc và trở thành gia sư cao cấp cho một gia đình giàu có. Cô làm việc 4-5 giờ/ngày, 5 ngày/tuần với mức lương 20.000 NDT/tháng (74 triệu VNĐ).
Công việc cụ thể của Tinh Nguyệt bao gồm: đưa đón học sinh bằng xe chuyên dụng, kèm học sinh làm bài tập về nhà, chọn lớp học thêm ngoài giờ cho học sinh, giám sát việc học tập, lập kế hoạch phát triển phù hợp với đặc điểm riêng của học sinh, lập kế hoạch đi chơi cùng gia đình cho học sinh, đưa học sinh ra ngoài định kỳ để tích lũy trải nghiệm, mở rộng tầm mắt.
Mỗi ngày, Tinh Nguyệt kèm học sinh từ 15h30 đến 20h30. Cô được nghỉ 2 ngày/tuần, thường là vào giữa tuần. Hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm đều phải báo cáo tỉ mỉ và đều đặn cho ông chủ.
"Hai ngày cuối tuần sẽ rất vất vả, phải dành toàn bộ thời gian cho lũ trẻ. Nếu bạn không thực sự thích trẻ con hoặc không đủ kiên nhẫn thì công việc này không dành cho bạn", cô cảnh báo. "Nếu con bạn không nghe lời, bạn có thể quát mắng chúng; nhưng đây là con của ông chủ, bạn không thể nổi giận với chúng."
Dương Tinh Nguyệt
Theo nữ thạc sĩ trẻ tuổi, gia sư cao cấp vẫn là một nghề khá mới lạ ở Trung Quốc. Công việc này cũng có những đặc điểm nhất định.
"Thứ nhất, đối tượng khách hàng là các gia đình giàu có, chủ yếu là giới thượng lưu, CEO của các công ty niêm yết và chủ doanh nghiệp. Thứ hai, mức lương của gia sư cao cấp thường cao hơn giáo viên phổ thông, nằm trong khoảng 15.000-30.000 NDT (53-107 triệu VNĐ), tùy từng khu vực", cô tiết lộ.
"Bên cạnh đó, làm nghề này sẽ được tiếp xúc nhiều với tầng lớp thượng lưu trong xã hội, từ đó có thể mở rộng mạng lưới quan hệ. Đồng thời, nếu gặp được người chủ ưu tú, bạn có thể học hỏi nhiều về tư duy kinh doanh và cách nuôi dạy con cái của họ."
Đằng sau mức lương cao ngất ngưởng là tỷ lệ cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt và những yêu cầu mà ít người có thể đáp ứng được.
Các gia sư cao cấp phải thỏa mãn một số điều kiện cơ bản. "Tốt nghiệp cử nhân trở lên, chuyên ngành liên quan đến giáo dục. Nhân cách tốt, tích cách dễ chịu, kiên nhẫn, biết yêu thương, giỏi quan sát, biết cách đối nhân xử thế", nữ thạc sĩ liệt kê.
Dương Tinh Nguyệt biết về công việc này thông qua một người bạn. Để trở thành gia sư cao cấp, cô đã trải qua 3 vòng phỏng vấn, đánh bại hàng loạt ứng viên tốt nghiệp từ các trường hàng trong nước.
Ở vòng đầu tiên, Tinh Nguyệt đã trò chuyện với nhà tuyển dụng hơn 3 tiếng về mọi vấn đề: trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, tính cách và nhân phẩm. Ở vòng thứ ba, cô được tiếp xúc và ngồi chơi cùng lũ trẻ suốt cả buổi chiều.
Khác với tầng lớp trung lưu, các gia đình thượng lưu không quan tâm học lực của con tốt như thế nào, mà chỉ để ý xem chúng có phát triển toàn diện, mở mang tầm nhìn và tận hưởng tuổi thơ hạnh phúc hay không.
Ông chủ của Tinh Nguyệt có phương pháp giáo dục khá cởi mở. Ông muốn con mình thành thạo cả tiếng Trung lẫn tiếng Anh, đồng thời gia sư phải có học vấn cao và tính cách phù hợp với ông. Một thạc sĩ vừa du học nước ngoài về như Tinh Nguyệt là lựa chọn hoàn hảo.
Dù không có kinh nghiệm với trẻ em, cô cũng từng là giáo viên thực tập dạy tiếng Anh, giáo viên đứng lớp tại Trường Trung học Hoàng gia Scotland. Nữ thạc sĩ này cũng có phương pháp giảng dạy độc đáo của riêng mình.
Nghề đòi hỏi nhiều chất xám, cơ hội đổi đời cao nhưng dễ bị gièm pha
Dương Tinh Nguyệt thừa nhận, trong mắt người thường, gia sư cao cấp không phải là một công việc tốt theo nghĩa truyền thông. Khi mới bắt đầu, nữ thạc sĩ đã trải qua một quãng thời gian dài khủng hoảng. Cô không dám chia sẻ về nghề nghiệp với bạn bè, phải nói dối rằng mình đang làm cho một công ty Internet.
Nhìn bạn bè đồng trang lứa, người làm giáo viên đại học, người dạy tiếng Anh ở trường tiểu học hoặc trường quốc tế, người ở lại Anh sau khi tốt nghiệp, Tinh Nguyệt không khỏi chạnh lòng. Tuy nhiên, cô vẫn nỗ lực hàng ngày, học hỏi thêm các kỹ năng chuyên môn và khám phá triển vọng nghề nghiệp.
Biết Tinh Nguyệt bối rối, ông chủ của cô động viên: "Nếu muốn làm gia sư, cô phải ổn định tâm lý, suy nghĩ kỹ lưỡng về ngành này. Tôi cam đoan sau này có thể giúp cô kinh phí để mở một hệ thống gia sư cao cấp".
Được sự ủng hộ của ông chủ, nữ thạc sĩ 24 tuổi đã đăng tải một số video giới thiệu nghề nghiệp của mình lên mạng xã hội.
"Mình đăng những video này để thể hiện sự tin tưởng của mình về nghề này. Mình cũng mong nghề này trở thành một công việc chính thức và trở nên quen thuộc với mọi người. Sẽ không ai còn tự ti vì những định kiến và xấu hổ khi nói về nghề nghiệp này", cô nói.
Chỉ trong vòng 48 tiếng, Tinh Nguyệt nhận về vô số bình luận ác ý. Một số cư dân mạng nghi ngờ về công việc và thu nhập của cô; có người còn cho rằng cô đang làm "bảo mẫu", "bồ nhí" trá hình.
Nữ thạc sĩ cho rằng, xã hội chỉ nhìn thấy vẻ hào nhoáng bên ngoài mà quên đi tính chất phức tạp của công việc này. "Tôi đã phải nỗ lực rất nhiều để thích nghi với công việc", cô tâm sự.
Hàng ngày, Dương Tinh Nguyệt đều phải lên kế hoạch giáo dục chi tiết cho 2 học sinh của mình. Kế hoạch bao gồm: thói quen sống, tập thể dục, khả năng bảo vệ bản thân, kỹ năng thích ứng với xã hội, khoa học nhận thức cơ bản, ngôn ngữ và nghệ thuật vỡ lòng.
Dưới mỗi phương diện đều có các mục cụ thể hơn. Cô cần lồng ghép tất cả các nội dung này vào cuộc sống sinh hoạt và vui chơi hàng ngày của trẻ.
Dương Tinh Nguyệt chụp ảnh cùng học sinh của mình
Đồng thời, Dương Tinh Nguyệt cũng chọn lọc và cập nhật các lớp học yêu thích của trẻ. Ví dụ, nếu trẻ thể hiện năng khiếu và thích thú với màu sắc và cảm nhận thị giác, cô sẽ tăng thời lượng các khóa học vẽ tranh, giảm thời gian của các hoạt đồng khác.
Nội dung học của trẻ cũng được điều chỉnh theo nguyện vọng của phụ huynh. "Ông chủ tôi không cần con cái thành thạo mọi thứ, cũng không cần chúng đạt điểm cao. Chỉ cần lũ trẻ trau dồi kỹ năng, tìm được sở thích và xây dựng sự tự tin cho mình là được. Điều quan trọng nhất là các con phải có một tuổi thơ hạnh phúc", cô nói.
Khi dùng bữa tối cùng lũ trẻ, Tinh Nguyệt sẽ dạy chúng phép tắc trên bàn ăn. Ngoài ra, cô còn phụ trách hướng dẫn một số kỹ năng mới cho người lớn trong nhà.
Theo nữ thạc sĩ 24 tuổi, đối với gia sư cao cấp, nhận thức về nghề nghiệp là rất quan trọng.
"Đừng vì công việc vụn vặt mà xem nhẹ nghề nghiệp của mình. Nếu cứ nghĩ rằng mình là người giúp việc, hàng ngày chỉ trông trẻ thì làm sao được người khác tôn trọng? Để tồn tại với nghề, bạn không những phải ý thức được rằng 'Tôi không phải là người hầu', mà còn phải có kiến thức chuyên môn vững vàng và luôn sử dụng các tiêu chuẩn cao để điều chỉnh bản thân", cô nói.
Ngoại trừ vài tiếng đồng hồ kèm cặp học sinh ở nhà chủ, Tinh Nguyệt dành gần như toàn bộ thời gian rảnh rỗi để xem xét lại công việc, chuẩn bị bài và tìm cách nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
"Nếu bạn làm công việc này một cách nghiêm túc, một ngày bạn phải bỏ ra hơn 8 giờ để làm việc", cô tính toán. "Làm gia sư cao cấp đòi hỏi kỹ năng quản lý cảm xúc mạnh mẽ."
Do đặc thù công việc, Tinh Nguyệt không thể ăn tối hay đi chơi vào cuối tuần như nhiều nhân viên văn phòng bình thường. Dù phải hy sinh các mối quan hệ xã hội, cô vẫn hài lòng với công việc vì biết mình nhận được những cơ hội không phải ai cũng có.
"Khi tiếp xúc với những người ưu tú, bạn sẽ học hỏi được nhiều điều từ họ. Nếu có năng lực phù hợp, ông bà chủ thậm chí còn cất nhắc bạn vào công ty của họ để làm việc, hoặc giới thiệu bạn đến các nhà tuyển dụng tiềm năng", cô chia sẻ.
Thị trường gia sư cao cấp - "miếng bánh béo bở" đầy triển vọng
Sự bùng nổ của nghề gia sư cao cấp liên quan chặt chẽ đến việc ngày càng có nhiều gia đình trở nên giàu có tại Trung Quốc.
Tính đến cuối năm 2019, số gia đình có mức tài sản trên 6 triệu NDT (gần 1 triệu USD) đã vượt quá 5 triệu hộ. Tính đến năm 2021, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có số lượng tỷ phú nhiều nhất trên thế giới.
Những gia đình giàu có này thường hy vọng con cái mình được hưởng nền giáo dục cá nhân hóa chất lượng cao. Họ không ngại chi tiền để đáp ứng nhu cầu này. Dương Tinh Nguyệt cho biết, bạn bè của ông chủ thường nhờ cô giới thiệu gia sư phù hợp cho nhà họ.
Tuy nhu cầu gia sư cao cấp ngày càng tăng, thị trường dành cho ngành nghề này vẫn chưa thực sự đi vào quy củ hay được chuyên nghiệp hóa. Muốn trở thành gia sư cao cấp, bạn phải được người quen giới thiệu để bước chân vào mạng lưới xã hội của giới thượng lưu. Điều này thu hẹp khả năng phát triển của nghề.
Nhận thấy sự mất cân bằng giữa cung và cầu trong thị trường gia sư cao cấp, Tinh Nguyệt dự định sẽ xây dựng một nền tảng thông tin để mọi người có thể trao đổi rộng rãi, tạo điều kiện để ngành này chuẩn hóa dần dần.
Ngoài ra, đội ngũ gia sư cao cấp của Trung Quốc cũng cần học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp ở nước ngoài. Thần tượng của Tinh Nguyệt chính là Maria Borrallo - siêu bảo mẫu được Hoàng gia Anh thuê để chăm sóc con cái cho William và Kate.
"Cô ấy không chỉ thành thạo kỹ năng nuôi dạy trẻ, mà còn giỏi taekwondo, lái xe tốt trong mọi điều kiện thời tiết, biết tránh paparazzi, phòng ngừa bắt cóc... Đồng thời, cô ấy cũng am hiểu về xã hội học, tâm lý giáo dục, khoa học và văn học", nữ thạc sĩ 24 tuổi cho biết.
Trên thực tế, ngành gia sư cao cấp từ lâu đã phổ biến ở phương Tây, đặc biệt là các quốc gia phát triển có truyền thống lâu đời như Anh, Pháp,... Tầng lớp thượng lưu và trung lưu ở đây sẵn sàng bỏ hàng đống tiền để con cái được hưởng nền giáo dục toàn diện và chất lượng nhất.
Sự cạnh tranh khốc liệt giữa sinh viên đến từ nhiều quốc gia cũng khiến cho việc tuyển sinh càng thêm gắt gao. Muốn nâng cao khả năng đỗ đại học, các gia đình buộc phải nhờ đến gia sư cao cấp.
Theo tờ The Times, một số phụ huynh giàu có tại Anh đã chi 1.500 bảng Anh (48 triệu VNĐ) để thuê gia sư dạy kèm, giúp con không bị hổng kiến thức trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Keystone - một công ty cung cấp dịch vụ gia sư cho các gia đình tại London và cả nước ngoài - cho biết, hoạt động kinh doanh của họ đã tăng gấp 10 lần trong một năm qua, với mức học phí lên tới 135 bảng Anh (4,3 triệu VNĐ).
Dù ở phương Tây hay phương Đông, các bậc phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu trên khắp thế giới đều đang tìm mọi cách để sử dụng địa vị và tài sản của mình để bảo vệ tương lai con cái một cách tối đa.
Hiện tại, một số trường đại học ở Trung Quốc đã mở thêm một số khóa học phụ trợ để đào tạo kỹ năng cho các gia sư cao cấp. Chẳng hạn, ĐH Thượng Hải mới khai giảng khóa học kinh tế gia đình vào tháng 3/2021.
Dương Tinh Nguyên đang nung nấu một "mục tiêu lớn" trong tương lai. Cô không chỉ đem đến một nền tảng cho những người dự định trở thành gia sư cao cấp, mà còn hy vọng sẽ xây dựng và mở rộng thị trường, thành lập các lớp đào tạo nghề gia sư cao cấp, cung cấp chứng nhận năng lực gia sư và môi giới ứng viên cho các bên có nhu cầu.
(Theo Sohu)