MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau những con số xuất siêu ấn tượng?

Từ khi các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, xuất nhập khẩu (XNK) song hành hai khối: Doanh nghiệp trong nước (DN nội) và DN FDI - hai thực thể luôn tồn tại sự khác biệt không thể khỏa lấp. Câu hỏi đặt ra liệu Việt Nam được gì sau những con số xuất siêu ấn tượng?

3 năm trở lại đây, Việt Nam luôn tự hào về kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) ấn tượng mỗi năm trên 100 tỉ USD. Lần đầu tiên sau nhiều năm nhập siêu, chúng ta đã có nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu khá và cán cân thương mại thặng dư. Năm 2014, VN xuất siêu 2,4 tỉ USD, năm 2016, xuất siêu 2,7 tỉ USD. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ, “thành tích” xuất siêu đều thuộc về khối DN FDI. DN trong nước (hay còn gọi là khối nội) liên tiếp nhập siêu với con số “khủng”, cho thấy ngày càng tụt hậu.

Đối lập về sức vóc

Từ chỗ kim ngạch XK của khối FDI chỉ vài phần trăm (%) trong tổng kim ngạch XK của Việt Nam những năm đầu tham gia thị trường, đến nay, XK của khu vực này đã tăng nhanh, chiếm tỷ trọng 58% vào năm 2006. Những năm gần đây bùng nổ làn sóng FDI, trong đó có những nhà đầu tư “khủng” đã đưa kim ngạch cùng tỷ trọng của khối FDI vụt lên: Năm 2014, chiếm tỉ trọng 67,4% với 101,2 tỉ USD kim ngạch XK, năm 2015: 70,7% với 115,1 tỉ USD; năm 2016: 71,6% với 125,9 tỉ USD trong tổng số kim ngạch XNK cả nước. Điều này cho thấy, khối DN FDI càng lớn mạnh thì khối DN nội càng chậm lớn, tỷ trọng bị lấn lướt và thu hẹp.

Xét về tốc độ, DN FDI dù khởi hành sau, nhưng lại có tốc độ bứt phá ngoạn mục. Ngược lại DN nội rùa bò và trồi sụt. XK của khối FDI luôn tăng cao hơn mức tăng của khối DN nội địa. Năm 2015, XK của khối DN nội còn bị âm 3,5%, thì XK của khu vực FDI (kể cả dầu thô) vẫn tăng ở mức 2 con số (13,8%). Tương tự, năm 2016, trong khi khối DN nội chỉ tăng trưởng XK 4,8%, thì khối FDI vẫn đạt mức tăng trưởng 10,2%, và trở thành khối DN dẫn dắt sự tăng trưởng của XK VN.

Nhờ XK vượt trội, FDI luôn tạo ra vẻ đẹp hào nhoáng bề ngoài cho cán cân thương mại của Việt Nam, rằng đang được cải thiện từ chỗ nhập siêu trầm trọng nay đã thu hẹp thâm hụt, trở nên xuất siêu. Song nếu nhìn vào thực trạng cán cân XNK cả nước 3 năm gần đây sẽ nhận thấy: Năm 2014: cả nước xuất siêu 2,4 tỉ USD thì khối nội nhập siêu lên tới 14,6 tỉ USD, trong khi khối FDI xuất siêu... 17 tỉ USD. Năm 2015: cả nước nhập siêu 3,5 tỉ USD, thì khối ngoại vẫn dẫn dắt thị trường, khối nội trong khi nhập siêu tới 20,6 tỉ USD, thì khối ngoại vẫn xuất siêu đều đặn 17,1 tỉ USD. Năm 2016, cả nước xuất siêu 2,7 tỉ USD, chủ yếu là do khối ngoại xuất siêu 23,7 tỉ USD kéo theo cán cân thương mại dương, chứ nếu chỉ trông vào DN trong nước thì nhập siêu đã lên tới... 21 tỉ USD.

Cần cách tiếp cận mới

Chỉ tính riêng Samsung, năm 2014 đóng góp tới 26,3 tỉ USD (chiếm 17,5%) tổng kim ngạch XK cả nước. Từ đó đến nay họ tiếp tục mở rộng đầu tư từ Bắc Ninh sang Thái Nguyên, đưa Bắc Ninh và Thái Nguyên trở thành những địa phương có tốc độ thu hút FDI cao nhất nước. Do sự đảo chiều về XNK giữa 2 khối nên dù mấy năm qua XK được đề cao là điểm sáng của nền kinh tế, cán cân thương mại nghiêng về xuất siêu, vẫn không giúp cho GDP tăng trưởng. Năm 2016, XK tăng cao hơn mức tăng của năm 2015, lại xuất siêu, nhưng GDP năm 2016 tăng thấp hơn mức tăng của năm 2015 (6,21%, so với 6,68%) và đằng sau đó là ngân sách thâm hụt, nợ công, nợ xấu gia tăng. Và một điều không thể phủ nhận là gia tăng sự phụ thuộc của kinh tế nước ta với bên ngoài cả trực tiếp lẫn gián tiếp.

Bên cạnh đó là sự phân biệt đối xử giữa hai khối. DN nội không đủ năng lực vay tín dụng ưu đãi, không được hưởng các chính sách hỗ trợ, nhọc nhằn tiếp cận nguồn tài nguyên, thuế má; chưa kể còn nhiều chi phí không chính thức “bủa vây”... Trong khi đó, khối FDI, ngoài ưu tiên của nhà nước, không ít địa phương vì muốn thu hút FDI đã phá lệ, cho khối này được hưởng thêm ưu đãi. Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh hưởng thuế TNDN 10%, miễn thuế TNDN trong 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Tỉnh Bắc Ninh tiếp tục giảm 50% thuế TNDN trong 3 năm sau đó (ưu đãi vượt khung), giải phóng mặt bằng và đảm bảo điện, nước. Ưu đãi trên tiếp tục được áp dụng cho dự án của Samsung tại Thái Nguyên. DN FDI được miễn thuế nhập khẩu hầu hết các máy móc thiết bị tạo tài sản cố định. Trong khi DN nội muốn hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu như Samsung thì bị bác vì không phải DN có công nghệ cao... Được “nuông chiều” nên đã có DN FDI giở hết “chiêu” này đến “trò” khác như chuyển giá, sắp hết thời hạn ưu đãi thuế nơi này thì “gồng gánh” sang nơi khác để hưởng ưu đãi từ đầu...

Khách quan nhìn nhận, việc thu hút FDI đã mang lại luồng sinh khí mới cho DN trong nước, nhưng những gì đang diễn ra khiến nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, nếu chính sách thu hút FDI không chặt chẽ, ưu đãi không đi cùng với việc giám sát hoạt động của các DN FDI thì dù FDI được xem là “một bộ phận cấu thành” của nền kinh tế VN thì nền kinh tế thực chất vẫn không tạo nên sự cộng hưởng, để cả nền kinh tế cùng tăng trưởng, lớn mạnh thực sự.

Theo Duy Nghĩa - Hồng Quân

Lao động

Trở lên trên