Đánh giá lại thị trường du lịch nội địa
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, những người làm quản lý và các doanh nghiệp du lịch cần nhìn nhận, đánh giá lại thị trường nội địa mà lâu nay chưa thực sự được quan tâm.
- 15-04-2021Doanh nghiệp du lịch vui trở lại
- 10-04-2021Du lịch Hạ Long 'tập tễnh' đứng dậy sau đại dịch COVID-19
- 06-04-2021Du lịch tìm cách phục hồi
Ngày 15-4, Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Diễn đàn Du lịch nội địa toàn quốc 2021 với chủ đề "Du lịch nội địa - Động lực khôi phục du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới", với sự tham gia của hơn 600 đại diện doanh nghiệp (DN).
Tái cấu trúc trong tình hình mới
Diễn đàn nêu trên là một trong những sự kiện quan trọng chào mừng Năm Du lịch quốc gia 2021 - Hoa Lư, Ninh Bình; góp phần thúc đẩy sự phục hồi, phát triển của ngành du lịch trong trạng thái bình thường mới do tác động của đại dịch Covid-19.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam - cho rằng du lịch nội địa chưa thực sự được quan tâm. Nhu cầu, sở thích của khách du lịch nội địa, sản phẩm ưa thích của người Việt, dịch vụ phục vụ nhu cầu người Việt... đều chưa định hình một cách rõ ràng. Vì vậy, diễn đàn là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, các DN du lịch, lữ hành thảo luận những giải pháp phục hồi, phát triển du lịch nội địa.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, du lịch nội địa - một thị trường mà lâu nay chúng ra đã bỏ quên - là đòn bẩy để phục hồi và phát triển du lịch. Các DN lữ hành cần tái cấu trúc; muốn làm được điều đó phải hiểu thị trường một cách căn cơ và nhất là phải hiểu được khách hàng cần gì, muốn gì.
Bên cạnh đó, các công ty du lịch, lữ hành phải tìm hiểu về kích cầu, kích hoạt lại thị trường du lịch nội địa, tính toán kỹ lưỡng theo từng phân khúc khách hàng, với từng loại hình riêng để đưa ra sản phẩm phù hợp. Đồng thời, các DN lữ hành cùng các đơn vị liên kết cần tạo được sản phẩm hấp dẫn và kết nối tiêu thụ sản phẩm để gửi đến khách hàng những sản phẩm chất lượng. Ngoài ra, ngành du lịch cần ứng dụng số hóa để tạo ra các liên kết, các dịch vụ phù hợp với xu hướng phát triển hiện đại của thời đại công nghệ.
Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh do Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cung cấp)
Đa dạng loại hình du lịch
Tại diễn đàn, các cơ quan quản lý, các công ty lữ hành... đã đưa ra nhiều giải pháp, định hướng phát triển du lịch nội địa trong thời gian tới.
Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, cho rằng để du lịch nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì mắt xích đột phá là khâu phát triển sản phẩm du lịch và tổ chức xúc tiến quảng bá sản phẩm. Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đưa ra nhiều giải pháp mà địa phương này đang thực hiện, giúp du lịch phát triển vượt bậc. Trong đó, cần điều tra, khảo sát, đánh giá đúng mức tài nguyên du lịch nhằm xây dựng quy hoạch du lịch, đặc biệt là định hướng phát triển sản phẩm du lịch của địa phương.
"Cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đâu là sản phẩm đặc trưng, đâu là sản phẩm du lịch liên kết cụm, vùng... Từ đó, chúng ta sẽ đưa ra những chiến lược phát triển du lịch bền vững, mang lại hiệu quả cao" - ông Mạnh chia sẻ.
Cũng bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng trong quý I/2021, du lịch Hà Giang được vào top 10 điểm đến của Việt Nam có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, giàu truyền thống văn hóa, an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 do hãng CNN bình chọn.
Để làm được điều đó, Hà Giang đã có các kế hoạch cụ thể, linh hoạt. Tỉnh này đã khắc phục được điểm yếu là tính mùa vụ bằng cách điều tra, nghiên cứu thị trường đối với khách nội địa; xác định được nhu cầu, thị hiếu của khách, thị trường mục tiêu của du lịch Hà Giang. Từ đó, Hà Giang đã xây dựng được du lịch trải đều cả 4 mùa trong năm để phục vụ mọi thị hiếu của du khách.
"Mùa xuân, Hà Giang rực rỡ với sắc hoa đào, lê, mận. Hè về trải nghiệm ruộng bậc thang sóng sánh mùa nước đổ, về thăm chiến trường xưa gắn với mặt trận Vị Xuyên. Mùa thu, đến với miền Tây của Hà Giang ngắm tầng tầng lớp lớp những thửa ruộng bậc thang chín vàng, chinh phục núi cao, săn mây trên đỉnh Chiêu Lầu Thi - Hoàng Su Phì. Đông về, Hà Giang nổi tiếng với bạt ngàn hoa tam giác mạch..." - ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Giang, dẫn chứng.
Trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh Ninh Bình với Vietnam Airlines; Vietnam Airlines với doanh nghiệp Xuân Trường; VISTA với Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình; ký kết giữa 4 hiệp hội du lịch: Ninh Bình - TP HCM - Đà Nẵng - Cần Thơ; Hiệp hội Du lịch Ninh Bình - CLB Du lịch MICE Việt Nam.
Hạn chế bê-tông hóa ở vùng du lịch nông thôn
Theo bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, ngoài thúc đẩy các vùng liên kết du lịch thì phát triển du lịch nội địa cần quan tâm đến du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Hiện nay, du lịch nông thôn đã xuất hiện nhưng chưa thực sự hiệu quả, còn manh mún. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ để xây dựng thêm các khu du lịch gần gũi thiên nhiên về thiết kế, nội thất. Cần hạn chế tối đa xây dựng hệ thống khách sạn bê-tông hóa ở những vùng xa xôi, cần giữ nét văn hóa và lấy văn hóa tạo sự khác biệt giữa các vùng để phát triển du lịch nội địa, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn bền vững.
Người lao động