Đánh thuế căn nhà thứ 2: Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xem xét kỹ
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu kỹ đề xuất đánh thuế nhà thứ 2 trở lên với người sở hữu nhiều tài sản là bất động sản.
Theo đó, tại văn bản điểm một số tin kinh tế - xã hội ngày 10/8/2017 phản ánh nội dung: Trước đề xuất đánh thuế nhà căn thứ 2 trở lên của Bộ Tài chính, bên cạnh ý kiến ủng hộ với việc xây dựng thuế tài sản với nhà, có ý kiến cho rằng, thị trường sau nhiều năm trầm lắng đang rất cần sự hỗ trợ của chính sách nên việc áp thuế tăng thêm khi mua căn nhà thứ 2 tại thời điểm này là không phù hợp (báo điện tử Vietnamnet ngày 8/8/2017).
Về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính cần nghiên cứu kỹ việc này.
Sau gần 1 năm im ắng, mới đây thông tin về việc sẽ đánh thuế căn nhà thứ 2 lại trở thành tâm điểm trên thị trường BĐS. Cụ thể, Bộ Tài chính đã hoàn thành một báo cáo chuyên đề về chính sách thuế với bất động sản. Theo đó, Bộ Tài chính khẳng định: “Việc đánh thuế tài sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với tài sản”.
Bộ Tài chính cũng khẳng định “cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật Thuế tài sản”. Điều này nhằm thể chế hóa chủ trương về chính sách thuế đối với tài sản, xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế, góp phần bình ổn thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ và sử dụng bất động sản lãng phí.
Trước đó, trả lời báo chí về lộ trình đánh thuế căn nhà thứ hai, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết Bộ đã giao Vụ Chính sách thuế nghiên cứu dự thảo đánh thuế nhà ở, nhất là những chủ thể có từ 2 - 3 nhà trở lên. Tuy nhiên, theo ông Hải, trong năm 2017 chưa thể áp dụng sắc thuế này vì phải có thời gian xây dựng, xem xét kỹ. Còn trong tương lai chắc chắn sẽ phải thu, không chỉ vì ngân sách khó khăn mà các nước họ đã đánh thuế này từ nhiều năm nay rồi.
Cụ thể nguồn thu từ thuế tài sản chiếm khoảng 2% tại các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD, trong đó Canada là 4%, Mỹ cao nhất là 3% và thấp nhất là 1%. Còn tại các nước đang phát triển, nguồn thu này chiếm khoảng 0,6% và khoảng 0,68% tại các quốc gia đang chuyển đổi.