MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Đánh tụt" xuất khẩu dầu Iran về 0: Nước cờ bất khả thi và thảm họa của tổng thống Trump?

28-04-2019 - 09:38 AM | Tài chính quốc tế

Về lâu dài, các biện pháp trừng phạt Iran của ông Trump sẽ làm tổn hại đến lợi ích của chính nước Mỹ.

Ngày 22/4/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định không gia hạn miễn trừ các lệnh trừng phạt dầu mỏ Iran đối với tám quốc gia gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia, Hy Lạp và Đài Loan. Quyết định này bắt đầu có hiệu lực từ 2/5/2019.

Việc không gia hạn này có nghĩa là Washington cũng sẽ trừng phạt bất kỳ quốc gia nào mua dầu của Iran mà không có ngoại lệ. Quyết định này là nhằm mục đích đưa xuất khẩu dầu của Iran về số 0. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói, lệnh trừng phạt này sẽ được duy trì chừng nào Tehran không chịu ngồi vào bàn đàm phán.

Mục đích của Mỹ trừng phạt Iran

Chính quyền của Tổng thống Trump tuyên bố công khai việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Iran là nhằm gây sức ép tối đa buộc Tehran ngừng phát triển tên lửa đạn đạo, hủy bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, chấm dứt ủng hộ chế độ của Tổng thống Bashar Al-Assad ở Syria, Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen, Hamas ở Palestine và các lực lượng khác chống lại các đồng minh của Mỹ ở khu vực Trung Đông, trước hết là Israel và Ả Rập Saudi. Mục tiêu cuối cùng của Washington là thay đổi chế độ Hồi giáo ở Iran.

Mặt khác, Tổng thống Trump đang tìm mọi cách phá hoại nền kinh tế Iran, cô lập và ngăn cản không cho nước này xây dựng mối quan hệ kinh tế tốt đẹp với Liên minh châu Âu (EU), buộc Iran phải ngồi vào bàn đàm phán lại với Mỹ ở thế yếu về Thỏa thuận hạt nhân (JCPOA), chương trình tên lửa đạn đạo và chính sách khu vực.

Đồng thời, thông qua các biện pháp trừng phạt Iran, Washington muốn tập hợp lực lượng, tranh thủ sự ủng hộ của các nước Ả Rập trong cuộc đối đầu với Tehran.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ gây hại gì cho Iran?

Iran là nước đứng thứ ba thế giới về trữ lượng dầu mỏ với 150.31 tỷ thùng, sau Ả Rập Saudi (264 tỷ thùng) và Venezuela (211.1 tỷ thùng). Nền kinh tế Iran phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ. Theo ước tính của Cục nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS), thu nhập dầu mỏ đóng góp từ một phần ba đến một nửa ngân sách quốc gia của Iran. Điếu đó giải thích tại sao Washington lại chĩa mũi nhọn các biện pháp trừng phạt vào xuất khẩu dầu của Iran.

Trong những năm bị Liên hợp quốc cấm vận trước đây, Iran vẫn được phép xuất khẩu dầu. Nay thông qua lệnh trừng phạt mới, Mỹ tìm cách đưa xuất khẩu dầu của Iran về 0.

Thỏa thuận hạt nhân JCPOA ký tháng 7/2015 đã dỡ bỏ các hạn chế đối với việc xuất khẩu dầu của Iran, nhưng hàng chục năm bị cấm vận, không được đầu tư đúng mức, kỹ thuật lạc hậu đã hạn chế khả năng khai thác các mỏ dầu của nước này.

Tuy nhiên, Iran đã nhanh chóng khôi phục xuất khẩu dầu và khí đốt hóa lỏng. Đến tháng 5/2018, sau ba năm bỏ cấm vận, sản lượng dầu của Iran đã đạt mức kỷ lục 2.7 triệu thùng/ngày. Và chính vào lúc này ông Trump đã tuyên bố rút khỏi JCPOA và tái áp đặt lệnh trừng phạt Iran. Xuất khẩu dầu của Iran ngay lập tức sụt giảm 25%, kéo theo đồng nội tệ Rial mất giá 70%, tỷ lệ lạm phát tăng 47.4%, giá lương thực, thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác tăng vọt. Nền kinh tế vừa bước ra khỏi trì trệ lại rơi vào suy thoái.

Nhiều nhà phân tích chính trị nhận định rằng, nền kinh tế Iran sẽ gặp khó khăn trong những tháng tới. Tuy nhiên Iran sẽ tìm cách vượt qua được. Bốn mươi năm sống dưới sự cấm vận của Mỹ, Iran không những đã không sụp đổ mà còn chứng minh được khả năng tồn tại của mình. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ chỉ đẩy Iran xích lại gần Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và những nước từ chối đi theo quỹ đạo của Washington.

Phản ứng của Tehran và điều Iran có thể làm

Mỹ chưa bao giờ có thể cắt đứt được hoàn toàn xuất khẩu dầu từ Iran. Lần này sẽ còn khó khăn hơn vì có nhiều nước không tuân theo lệnh trừng phạt của Mỹ. Khác với các đợt cấm vận trước, cấm vận lần này là quyết định đơn phương của Mỹ.

So với tổng thống Obama, người trước đây cũng đã từng đưa ra các biện pháp trừng phạt Iran, lệnh cấm vận của Trump được rất ít nước ủng hộ. Ngay cả các đồng minh của Mỹ, chủ yếu ở châu Âu cũng tìm cách thực hiện nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận JCPOA, bảo vệ quan hệ kinh tế, thương mại với Iran và không muốn quay lại lệnh cấm vận dầu mỏ Iran. Hơn nữa, lần này Iran không vi phạm bất cứ điều khoản nào của JCPOA, mà ngược lại đã thực hiện nghiêm túc thỏa thuận đã ký với các nước P5+1.

Cuối cùng, nếu bị dồn vào chân tường, trong tình hình không còn gì để mất nữa, như Bộ Ngoại giao Iran đã tuyên bố, Tehran không chịu ngồi khoanh tay mà sẽ có "các biện pháp trả đũa".

Tư lệnh hải quân thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), tướng Ali Reza Tengsiri phát biểu trên đài truyền hình trung ương Iran rằng Tehran sẵn sàng đóng cửa eo biển Hormuz nếu Iran không được sử dụng nó để xuất khẩu dầu. Khoảng 20% nguồn cung dầu của thế giới đi qua eo biển này.

Không loại trừ các lực lượng thân Iran như Houthi, Hezbollah, Hashd Sha’abi, Hamas và lữ đoàn Quds sẽ tăng cường hoạt động, đánh vào các lợi ích của Mỹ ở khu vực vả trả thù những nước ủng hộ lệnh trừng phạt chống Iran của Mỹ. Trung Đông sẽ lại rơi vào hỗn loạn.

Đánh tụt xuất khẩu dầu Iran về 0: Nước cờ bất khả thi và thảm họa của tổng thống Trump? - Ảnh 1.

Việc Iran trả đũa Mỹ bằng đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz có thể khiến giá dầu biến động khó lường và ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới (Ảnh minh họa: AP)

Các biện pháp của Mỹ cấm vận dầu mỏ Iran khó thực hiện

Các biện pháp cấm vận của Mỹ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu dầu của Iran. Các nhà phân tích thị trường dầu mỏ dự đoán ​​xuất khẩu của Iran sẽ giảm xuống 0,9-1 triệu thùng vào quý 3 năm nay, nhưng giờ đây thì việc giảm dường như đang diễn ra nhanh hơn.

Tuy nhiên, việc bán dầu Iran sẽ không thể bị dừng lại hoàn toàn. Trước đây Iran đã phải chịu một tình huống tương tự cho đến tháng 1/2016. Iran đang quay trở lại dùng biện pháp "xuất khẩu dầu bí mật", cho phép nước này vượt qua được các lệnh cấm vận.

Trong một thời gian dài, Iran đã sử dụng một đội tàu cỡ nhỏ chở dầu ra khỏi cảng Iran, sau đó bơm lên các con tàu của thương nhân chờ sẵn ngoài khơi. Báo Financial Times của Mỹ đã viết về "đội tàu ma" của Iran đã từng thực hiện các thương vụ như vậy.

Mặt khác, có đường biên giới dài hàng ngàn km giáp với Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, Turkmenistan, Afghanistan, Pakistan là những nước có quan hệ láng giềng tốt, Iran hoàn toàn có thể xuất khẩu qua những nước này bằng xe téc như Iraq đã làm trước đây khi bị cấm vận. Hơn nữa, Mỹ không có một cơ chế nào để giám sát được việc xuất dầu của Iran.

Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, các công ty của Nga sẽ tiếp tục mua dầu của Iran với giá ưu đãi. Iraq sẽ cho phép Iran xuất khẩu dầu qua cảng Basrah ở miền Nam giáp giới với Iran.

Các chuyên gia dầu mỏ cho biết, Ả Rập Saudi và UAE khó có thể duy trì mức sản xuất cao hơn trong thời gian dài, vì lo ngại sự ổn định trên thị trường dầu mỏ và vi phạm quota của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) phân bổ cho từng nước thành viên. Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và một số đồng minh cả Mỹ ở châu Âu sẽ tìm cách khắc phục các lệnh trừng phạt của Trump vì cả hai lý do kinh tế và địa chính trị.

Mặt khác, nhiều nhà máy lọc dầu trên thế giới chỉ có thể lọc được dầu nặng của Iran, không thể thay thế được bằng dầu nhẹ của Saudi Ả Rập Saudi và UAE. Như vậy, xuất khẩu của Iran không thể bị cắt giảm về không. Nhiều thông tin cho biết, Mỹ đang xem xét lại việc gia hạn miễn trừ, cho phép Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tiếp tục mua dầu của Iran.

Tương lai quan hệ Mỹ-Iran

Những biện pháp trừng phạt của Mỹ chỉ làm cho Iran có những phản ứng và bước đi cực đoan hơn ở Trung Đông.

Tehran sẽ tăng cường tập hợp lực lượng, thông qua cộng đồng người Shiite để mở rộng ảnh hưởng của mình tại Iraq, Sirya, Lebanon, Yemen... hợp tác chặt chẽ hơn với tổ chức Hezbollah và phong trào Hamas. Như vậy, trừng phạt Iran, Mỹ sẽ đạt được các mục tiêu ngược lại.

Điều này có nghĩa là sự leo thang trong cuộc đối đầu giữa Iran với Israel, Ả Rập Saudi và UAE. Và đây là con đường dẫn đến khả năng bùng nổ các cuộc đụng độ quân sự tại Trung Đông. Đặc biệt, việc đảng Likud cực hữu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu thắng cử đầu tháng Tư vừa qua tại Israel và thái độ cứng rắn của chính quyền Iran đang dấy lên sự lo ngại về khả năng bùng nổ các cuộc đụng độ quân sự quy mô lớn tại Trung Đông.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khu vực và cán cân so sánh lực lượng hiện nay, Mỹ và Israel khó có khả năng bước vào cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Iran.

Tiến hành chiến tranh với Iran, Mỹ và Israel sẽ phải đối đầu trực diện không chỉ với quân đội Iran mà còn với các quân đoàn Vệ binh Hồi giáo tinh nhuệ được trang bị các loại vũ khí hiện đại, sẵn sàng tử vì đạo sẽ là một thảm họa đối với chính Mỹ và Israel.

Tờ báo Foreign Policy của Mỹ số ra ngày 26/4/2019 viết: "Về lâu dài, các biện pháp trừng phạt Iran của Trump sẽ làm tổn hại đến lợi ích của chính nước Mỹ."

Cuộc khủng hoảng trong quan hệ Mỹ-Iran chỉ có thể giải quyết được bằng thương lượng hòa bình. Tuy hết sức căng thẳng, nhưng cả hai bên vẫn tỏ mong muốn đối thoại là dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, hiện nay giữa hai bên vẫn chưa có quan điểm thỏa hiệp. Thương lượng phải được bắt đầu trên cơ sở không có điều kiện tiên quyết và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Iran là một trong những nước lớn ở khu vực cần phải được tham gia vào các cố gắng chung nhằm xây dựng một Trung Đông hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng.

Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Trí thức trẻ

Trở lên trên