Đất Củ Chi lại ‘nóng bỏng tay’
Nghe tin sắp xây dựng đường Vành đai 3 và đường ven sông nên giới đầu cơ đổ về đây săn đất trục lợi.
Thời điểm trước và sau Tết, đất ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi bỗng tăng vọt, nhà đầu tư đổ về xã này để mua đất như đi hội. Giá đất bị đẩy lên 200% so với giá trị ban đầu. Các cò đất đều khẳng định mua đất Bình Mỹ chỉ có lời!
Một ngày sang tên bốn lần
Ngày 12-3, trong vai nhà đầu tư, chúng tôi vào một số văn phòng môi giới nhà đất trên đường Bình Mỹ, xã Bình Mỹ để tìm mua đất. Dọc theo nhiều tuyến đường, văn phòng môi giới đất đai mọc lên như nấm. Thậm chí có những "văn phòng" không có bảng hiệu, chỉ với vài người dân địa phương rủ nhau cùng làm cò đất. Vậy nhưng kẻ ra người vào cũng nhộn nhịp.
Một cò đất tên Trần Thị S., dân địa phương, 60 tuổi, dẫn chúng tôi vào xem hàng loạt khu đất ven đường kênh cầu Cây Xanh thuộc ấp 7, xã Bình Mỹ. Để vào những lô đất này phải theo một con đường đất nhỏ xíu, ngoằn ngoèo, cây cối um tùm nhưng giá cũng được thổi lên 2,5 triệu đồng/m2. "Cò" S. cho biết khi chưa sốt đất thì giá đất nông nghiệp ở đây cũng tầm khoảng 700.000 đồng/m2 mà cũng chẳng mấy ai mua.
Theo chỉ dẫn của "cò" S, chúng tôi tới lô đất 2.700 m2 đất trồng cây lâu năm đang được hét giá 6 tỉ đồng. "Lô đất này trước đã qua mấy lần sang tay. Lúc mới kêu bán, chỉ đặt cọc đã lời ngay 400 triệu. Nay đã có người đặt cọc 1 tỉ, tầm tháng nữa là ra công chứng, đang gửi lại cho tụi tui, được giá thì bán liền. Mua đất ở đây là chỉ có lời, không có lỗ" - "cò" S. nói. Bà S. cũng khoe riêng lô đất này đã có thời điểm trong một ngày bán qua bán lại bốn lần.
Những lô đất nông nghiệp này đang được rao bán với giá cao ngất tại ấp 7, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi. Ảnh: VIỆT HOA
Dẫn tới khu đất kế bên khoảng 10.000 m2, cũng chỉ đầm lầy và cỏ dại mọc thành đụn cao tựa vào nhau như đồi núi, "cò" S. cho biết khu đất này đã được một đầu nậu ở trung tâm TP ra mua ban đầu chỉ 5 tỉ đồng. "Nay có người trả 15 tỉ đồng mà bả vẫn chưa chịu bán, đang định phân thành từng lô nhỏ vài ngàn thước vuông để bán. Mà ở đây người ta mua đất để phân lô ra bán lời lắm cô ơi!" - "cò" S. kể.
"Cò" S. cho biết mỗi ngày khách đến mua đất ở xã Bình Mỹ "đông như đi chợ", nhất là tầm khoảng từ 3 giờ chiều là đưa khách đi giới thiệu không xuể. Vừa đặt cọc mua là đã kiếm lời hàng trăm triệu đồng. "Cò" S. tiết lộ mỗi tháng riêng tiền cò đất bà cũng được hơn 100 triệu đồng.
Cách kiếm tiền "siêu lợi nhuận"
Cò đất tên Quốc, nhân viên của một văn phòng môi giới trên đường Bình Mỹ, dẫn chúng tôi tới xem thửa đất 265, tờ bản đồ số 18, thuộc xã Bình Mỹ, có diện tích hơn 3.600 m2, nằm sâu trong ruộng. "cò" Quốc tư vấn cách để kiếm "siêu lợi nhuận" từ khu đất này. Thứ nhất là chúng tôi có thể mua, sau đó chuyển mục đích, tách thửa một phần thửa đất thành nhiều lô có sổ đỏ đàng hoàng. Phần còn lại thì xây nhà dạng ba chung không đủ chuẩn tách thửa để giảm bớt chi phí đầu tư mà cũng không phải làm hạ tầng gì nhiều.
Cách thứ hai là đầu tư lướt sóng, có nghĩa là đặt cọc xong, chưa vội làm giấy tờ mà sang nhượng cho người mua tiếp theo, ăn tiền chênh lệch. "Anh chị nên đầu tư lướt sóng là khỏe nhất, lời nhanh nhất mà không phải mất thời gian đầu tư với hàng loạt thủ tục phiền phức" - "cò" Quốc nói.
Với Quyết định 60/2017 quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa và hướng dẫn thực hiện hạ tầng đối với những khu đất tách thửa có hình thành hạ tầng giao thông là những điều kiện để siết việc phân lô tách thửa. Tuy nhiên, địa phương phải thật sự quản lý chặt thì mới hiệu quả. Đồng thời, trước cơn sốt của thị trường, người dân và nhà đầu tư phải thật sự tỉnh táo khi quyết định đầu tư.
Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Lý giải về việc sốt đất tại xã Bình Mỹ, "cò" Quốc cho biết chính thông tin TP sắp xây dựng đường vành đai 3 và dự án đường ven sông nên giới đầu cơ đổ về đây săn đất trục lợi. "Cò" Quốc tiết lộ chỉ khi thông tin quy hoạch dự án còn ở dạng tin đồn thì đội quân đầu cơ mới có cơ hội kiếm chác. Còn khi dự án đã đi vào thực hiện thì lúc đó giá đất đã lên đến đỉnh do đã qua không biết bao lần chuyển nhượng, không còn tăng được nữa thì xem như thị trường đứng lại.
Hỏi về người có nhu cầu mua đất để ở thật sự, "cò" Quốc cười: "Ở đây chủ yếu là cò bán cho cò thôi, chị ơi! Ở khu vực này, để kiếm ra được một người mua có nhu cầu ở thực sự thì hiếm lắm. 10 người mua họa hoằn lắm cũng chỉ có một người mua để sử dụng thật sự". Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho hay sốt đất là tình trạng phổ biến ở các khu vực vùng ven hiện nay và bài toán này vô cùng nan giải. Bởi theo ông Châu, hiện nay TP đã ban hành Quyết định 60/2017 quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản nói: "Giới đầu cơ gom đất mà phân lô đúng theo Quyết định 60 cũng không cấm được. Vấn đề là địa phương phải quản lý chặt để không bị phá vỡ quy hoạch và hình thành những khu nhếch nhác".
Đầu tư kiểu lướt sóng Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Văn An, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Củ Chi, thống kê tháng 11 và 12 của năm 2017, số lượng hồ sơ giao dịch, chuyển nhượng sang tên lần lượt là 350 và 450 hồ sơ. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ Tết nguyên đán đến nay thì trung bình khoảng 320 hồ sơ/tháng. Ông An cũng cho biết thời điểm trước khi sốt đất, bình quân có khoảng 200-250 hồ sơ/tháng. Từ số liệu của ông An cung cấp, có thể suy ra được mức độ lướt sóng trong cơn sốt đất ở Củ Chi. Cũng đồng nghĩa với việc TP thất thoát rất nhiều tiền thuế do việc mua bán thiếu minh bạch này.