MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đất nước từng giàu như Dubai lâm vào cảnh khốn cùng: Dân lái Mercedes, BMW đi xin ăn; quân đội sống nhờ viện trợ

10-08-2021 - 08:55 AM | Tài chính quốc tế

Đất nước từng giàu như Dubai lâm vào cảnh khốn cùng: Dân lái Mercedes, BMW đi xin ăn; quân đội sống nhờ viện trợ

Quốc gia Địa Trung Hải hiện đang vật lộn với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất hành tinh trong vòng 150 năm, khổ hơn cả nội chiến.

Từ rất lâu trước khi Dubai là Dubai của bây giờ thì Li-băng đã là một đất nước phồn thịnh như vậy. Thời những năm 50, 60, 70, Li-băng là trung tâm tài chính, ngân hàng của khu vực, là trạm trung chuyển và sân chơi của giới giàu có Ả Rập lẫn phương Tây. Khi hàng tỷ đô từ các mỏ dầu dồi dào bắt đầu chảy vào vùng Vịnh sau năm 1973, phần lớn số tiền ấy nằm dưới quyền quản lý của các ngân hàng Beirut.

Nhưng thời hoàng kim ấy đã lùi xa.

Quốc gia Địa Trung Hải hiện đang vật lộn với cái mà Ngân hàng Thế giới (WB) gọi là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất hành tinh trong vòng 150 năm. Đồng pound Li-băng đã mất 90% giá trị so với đồng đô-la Mỹ ngoài chợ đen kể từ năm 2019.

Người lái Mercedes, BMW đi xin ăn

Li-băng của hiện tại có tất cả các yếu tố của một nhà nước thất bại, Jordan Times nhận định. Người dân vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp tăng chóng mặt, siêu lạm phát kỷ lục và sự mất giá kinh hoàng của đồng tiền, cùng tình trạng mất an ninh thực phẩm. Hơn nửa số người ở Li-băng giờ sống dưới mức đói nghèo.

Để có thể minh họa được tình trạng lạm phát của đồng tiền ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống phần lớn người dân như thế nào, Đại học Mỹ ở Beirut (AUB) đã tiến hành một nghiên cứu gọi là "Chỉ số Fattoush" - tính toán sự chênh lệch trong số tiền để làm ra một bát salad Fattoush truyền thống, món ăn không thể thiếu của người Li-băng trong tháng lễ Ramadan.

Kết quả là nghiên cứu cho thấy: Giá các loại nguyên liệu – gồm xà lách, cà chua, dưa chuột, ngò, củ cải và bánh mì – tăng 210% chỉ trong vòng 12 tháng.

Đất nước từng giàu như Dubai lâm vào cảnh khốn cùng: Dân lái Mercedes, BMW đi xin ăn; quân đội sống nhờ viện trợ - Ảnh 1.

Giá các loại nguyên liệu để làm món salad Fattoush khiêm nhường – gồm xà lách, cà chua, dưa chuột, ngò, củ cải và bánh mì – tăng 210% chỉ trong vòng 12 tháng. Ảnh: Reuters

Giáo sư Nasser Yassine của AUB cho biết, tính cả tháng lễ Ramadan thì chi phí cho bữa Iftar – bữa ăn kết thúc quá trình chay tịnh mỗi ngày – của một gia đình năm người có thể lên tới 1,5 triệu pound Li-băng, tương đương với gần 1.000 đô-la Mỹ (hơn 22 triệu đồng).

Những người từng trải ở Li-băng nói rằng cuộc khủng hoảng hiện thời còn tồi tệ hơn nội chiến 1975-1990. Nhà báo Ruth Sherlock của NPR thường trú tại Li-băng cho biết cô bắt gặp cả những người lái xe sang đi xin thực phẩm để sống qua ngày:

"Tầng lớp trung lưu của Li-băng, vốn tương đối lớn, giờ bị rút ruột. Gần đây, tôi có tới một khu vực vốn của tầng lớp khá giả và ghé vào một buổi từ thiện hỗ trợ thực phẩm của nhà thờ. Trong hàng dài người đợi nhận thực phẩm, có những người tới bằng Mercedes, SUV, BMW, tất cả đều chờ nhận gạo và dầu ăn miễn phí. Tất nhiên với người nghèo thì còn tệ hơn".

Cuộc khủng hoảng không chỉ tác động đến dân thường mà cả quân đội:

"Chính phủ nói họ chẳng còn chút tiền nào. Thế nên, cái mà bạn thấy là sự sụp đổ trong hạ tầng. Ở đây mất điện kéo dài trong khi thiếu nhiên liệu. Quân đội Li-băng giờ cũng phải dựa vào viện trợ nước ngoài để nuôi quân. Tệ hơn, họ phải mở dịch vụ du lịch bằng trực thăng để kiếm thêm những đồng đô-la Mỹ từ du khách", Sherlock cho hay.

Người giàu có lái Mercedes lại phải đi xin thực phẩm - giải thích cho nghịch lý này, Sherlock nói:

"Khi đồng tiền bị mất giá, thông thường người ta sẽ tìm tới những khoản tiết kiệm bằng đồng đô-la Mỹ mà họ gửi vào nhà băng. Nhưng nhiều người không thể tiếp cận được tài sản của mình bởi chỉ qua 1 đêm, ngân hàng Li-băng đã đóng băng tất cả các tài khoản đồng đô-la Mỹ để ngăn bị tháo vốn tiền gửi".

Ngân hàng - trung tâm trong nền kinh tế định hướng dịch vụ của Li-băng - đã tê liệt. Người gửi tiền bị chặn, không thể rút được những đồng đô-la Mỹ ra khỏi tài khoản của mình hoặc nhận được câu trả lời rằng các nguồn quỹ họ có thể tiếp cận đều đã cạn kiệt.

Đất nước từng giàu như Dubai lâm vào cảnh khốn cùng: Dân lái Mercedes, BMW đi xin ăn; quân đội sống nhờ viện trợ - Ảnh 2.

Người dân Li-băng bị áp giới hạn rút đô-la Mỹ từ tài khoản ngân hàng của mình. Ảnh: AP

‘Thụy Sĩ của Trung Đông’ đã mắc sai lầm

Tình trạng sụp đổ tài chính của Li-băng kể từ năm 2019 là câu chuyện về sự trượt ngã trên con đường tái thiết của một quốc gia từng có thời được mệnh danh là ‘Thụy Sĩ của Trung Đông’.

Trung tâm thủ đô Beirut, vốn bị san bằng trong nội chiến, mọc lên những tòa nhà chọc trời do các kiến trúc sư quốc tế xây dựng và những trung tâm mua sắm sang chảnh với đầy những nhãn hiệu thiết kế chỉ nhận thanh toán bằng đồng đô-la Mỹ.

Nhưng ngoài ra Li-băng gần như không còn gì để khoe ngoài núi nợ khổng lồ tương đương 150% tổng sản lượng quốc dân, một trong những khoản nợ cao nhất thế giới.

Nếu Li-băng từng là hình mẫu của một Dubai tương lai thì tương lai của Li-băng hiện tại lại là một Hy Lạp ở thời kỳ nợ nần, khốn cùng.

Một số nhà kinh tế học mô tả hệ thống tài chính của Li-băng là mô hình Ponzi được điều chỉnh ở mức quốc gia – tức là hình thức dùng tiền mới vay để trả nợ cũ. Phương án này sẽ chỉ hữu dụng cho tới khi số tiền mới cạn kiệt. Nhưng đất nước 6 triệu dân đã tới bước đường này bằng cách nào?

Sau nội chiến, Li-băng cân bằng chi tiêu với nguồn thu từ du lịch, viện trợ nước ngoài, thu nhập từ ngành công nghiệp tài chính và số tiền hào phóng do các nước Ả Rập vùng Vịnh chu cấp – tất cả đổ tiền cho nhà nước bằng cách thúc đẩy dự trữ ngân hàng trung ương.

Một trong những nguồn đô-la Mỹ đáng tin cậy nhất là tiền gửi từ hàng triệu người Li-băng lao động ở nước ngoài. Ngay cả trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, họ cũng vẫn gửi tiền về nhà.

Tuy nhiên, nguồn tiền này bắt đầu chậm lại từ năm 2011 khi các cuộc đấu đá bè phái trong nội bộ chính trường Li-băng dẫn tới tình trạng mất khả năng thỏa hiệp về mặt chính trị.

Cùng lúc đó, phần lớn Trung Đông, gồm cả nước láng giềng Syria, rơi vào hỗn loạn. Các nước Hồi giáo Sunni ở vùng Vịnh thì quay lưng khi thấy tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Iran ở Li-băng thông qua tổ chức vũ trang Hezbollah.

Tới năm 2016, ngân hàng bắt đầu đưa ra mức lãi suất đáng kể cho các khoản tiền gửi mới bằng đồng đô-la Mỹ - đơn vị tiền tệ chính thức được chấp nhận ở một nền kinh tế bị đô-la hóa – và cả một mức lãi đặc biệt hơn cho các khoản tiền gửi bằng đồng pound nội địa.

Đất nước từng giàu như Dubai lâm vào cảnh khốn cùng: Dân lái Mercedes, BMW đi xin ăn; quân đội sống nhờ viện trợ - Ảnh 3.

Đồng pound Li-băng bị mất giá trầm trọng so với đồng đô-la Mỹ. Ảnh: Reuters

Khi mà đồng pound Li-băng được ghìm ở mức 1.500 pound đổi 1 đô-la Mỹ suốt 2 thập kỷ và có thể được đổi thoải mái ở ngân hàng hoặc siêu thị, thì có gì để mất? Đô-la lại chảy và ngân hàng có thể tiếp tục vung tay chi tiêu.

Li-băng nhìn chung vận hành lệch lạc. Tình trạng đấu đá khiến nước này không có Tổng thống suốt gần cả năm 2016. Lúc này, ngân hàng trung ương Banque du Liban do Riad Salameh lãnh đạo kể từ năm 1993 đã cho ra mắt kỹ thuật tài chính thực hành (financial engineering), một loạt cơ chế dẫn tới các khoản lợi tức kếch xù cho những đồng đô-la mới.

Có thể thấy dòng tiền đô-la Mỹ được cải thiện trong lượng dự trữ ngoại tệ gia tăng. Điều khó thấy hơn – và hiện giờ là một trong những điểm tranh cãi – là tăng nợ. Theo nguồn tin của CNN, tài sản của ngân hàng trung ương không đáng kể so với số nợ mà nó đang gánh. Phí chi trả nợ của Li-băng đã lên tới 1/3 ngân sách.

Dòng chảy ngoại tệ cạn kiệt và đồng đô-la Mỹ rời bỏ Li-băng. Ngân hàng không còn đủ đô-la Mỹ để trả nên các chủ nợ quyết định khép hầu bao. Đồng tiền mất giá trầm trọng, trượt từ 1.500 pound đổi 1 đô-la xuống mức 15.000 pound đổi 1 đô-la vào mùa hè năm nay.

Hệ thống chính trị của Li-băng, nơi mà đảng phái dựa trên hội nhóm tôn giáo và cơ chế lợi ích nhóm, không có khả năng thay đổi. Những bước cải cách kinh tế có thể làm biến chuyển bộ mặt của Li-băng sẽ gây đảo lộn cán cân quyền lực và tấn công vào các nhóm lợi ích lớn. Thay vào đó, chính quyền có vẻ chờ người bên ngoài tới cứu mình.

Trên thực tế, các quốc gia phương Tây và vùng Vịnh đã cam kết viện trợ hơn 11 tỉ USD nhưng số tiền này chỉ được giải ngân khi Li-băng cho thấy những cải cách trọng điểm mà hiện giờ nước này chưa thực hiện được.

Có vẻ các lãnh đạo Li-băng đang đánh cược rằng rồi số tiền đó cũng sẽ đến tay mình mà không có điều kiện ràng buộc nào khi đất nước đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Một đất nước tham nhũng và tồn đọng nhiều vấn đề có thể không được cho vay vì lí do kinh tế nhưng có thể lại nhận được tiền vì lý do địa chính trị - lúc này thì là để ngăn chặn bất ổn.

Nhưng không hẳn vậy. Cứu trợ tài chính luôn đi kèm một cái giá đắt đỏ. Cứ hỏi người Hy Lạp thì biết, cho tới 1 thập kỷ sau Hy Lạp vẫn đang rất chật vật.

Tuy nhiên, thời cơ của họ vẫn đến - trong hình hài của một "thảm họa" phi hạt nhân.

Theo Thi Anh

Doanh nghiệp & Tiếp thị

Trở lên trên