Dấu hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế
Dự báo, xuất khẩu thủy sản quý II tiếp tục tăng trưởng mạnh và có thể chạm mốc 3 tỷ USD. Ảnh minh họa.
Nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực như kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng trên 16%; Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đã tăng tới 60%...
- 24-05-2022Bất thường đường dây nhập siêu xe biếu tặng: Hộ nghèo được tặng siêu xe
- 23-05-2022Hơn 27.000 tỷ đồng tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi
- 23-05-2022Doanh nghiệp ở Quảng Ngãi cần tuyển dụng hơn 17.000 lao động
Ngành thủy sản tận dụng cơ hội xuất khẩu
Sáng 23/5, thừa ủy quyền Thủ tướng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, báo cáo trước Quốc hội về kết quả kinh tế - xã hội thực hiện các tháng đầu năm 2022. Theo đó, tổng thu ngân sách 4 tháng hơn 657.000 tỷ đồng tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 4 tăng thấp nhất cùng kỳ 5 năm qua. Nền kinh tế bước đầu có sự phục hồi tích cực.
Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng khi Việt Nam 4 tháng đầu năm xuất siêu 2,53 tỷ USD, tăng gần một tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, điển hình là ngành thủy sản, kim ngạch xuất khẩu tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, xuất khẩu thủy sản quý II tiếp tục tăng trưởng mạnh và có thể chạm mốc 3 tỷ USD nhờ sự bứt tốc mạnh mẽ của các mặt hàng chủ lực.
Giá trị xuất khẩu tôm 4 tháng lên 1,36 tỷ USD, tăng hơn 41% so với cùng kỳ. Trong quý II, ngành tôm bước vào chính vụ thu hoạch với sản lượng lớn nhất trong năm, kéo dài đến hết quý III. Theo các doanh nghiệp, nhu cầu của các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đang tăng cao.
Trong khi đó, xuất khẩu cá tra trong 4 tháng đầu năm đạt 950 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
"Theo thông tin chúng tôi biết được, Thượng Hải đã mở cửa một phần và hy vọng việc mở cửa toàn thị trường Trung Quốc sẽ sớm. Vấn đề phục hồi của thị trường lớn nhất nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ là dấu hiệu tích cực của xuất khẩu thuỷ sản quý II", ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay.
VASEP dự báo, với nhu cầu lớn từ các thị trường, nếu đạt được 3 tỷ USD trong quý II, ngành thủy sản sẽ thiết lập được kỷ lục mới về giá trị xuất khẩu trong một quý.
Doanh nghiệp chủ động mở rộng quy mô sản xuất
Trong trong báo cáo sáng 23/5 của Phó thủ tướng Lê Văn Thành, tính chung 4 tháng đầu năm, 80.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng gần 27% cùng kỳ. Quay trở lại sau giai đoạn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã có những cách làm mới, thậm chí mở rộng quy mô thêm nhiều nhà máy mới và ứng dụng số hoá vào các hoạt động.
"Chúng tôi đã có nhiều hợp đồng mua bán thương mại online, marketing năng lực kinh doanh online của nhân viên được cải thiện rõ rệt; đầu tư nâng cao một bước về chất lượng bao bì đóng gói sản phẩm. Bên cạnh đó, chúng tôi đã tận dụng được những chủ trương của nhà nước chính phủ để tăng năng suất lao động bằng hình thức số hoá", ông Hà Huy Thanh - Chủ tịch Công ty Đầu tư và phát triển văn hoá Trà Việt cho hay.
Phục hồi mạnh mẽ cũng chính là câu chuyện của ngành du lịch khi mà tháng 4 vừa qua ngành này đã đón tới 70.000 lượt khách, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ.
Về phía dòng vốn ngoại, vốn FDI đăng ký tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần 4 tháng đầu năm tăng gần 2 lần năm ngoái. Vốn nước ngoài thực hiện cũng tăng gần 8%, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào sự phục hồi tăng trưởng của Việt Nam.
Tính chung 4 tháng đầu năm, 80.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng gần 27% cùng kỳ.
Từ đầu năm đến nay, liên tục nhiều tổ chức quốc tế cũng đã dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ phục hồi ở mức 6,5%, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo đạt 5,3%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo ở mức 6%...
Những tín hiệu tích cực này đã cho thấy năm nay sẽ là năm khởi đầu của hành trình phục hồi kinh tế. Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trước diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6% - 6,5% là thách thức rất lớn. Chính phủ đã xác định 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều dư địa để nền kinh tế có thêm nguồn lực để sản xuất kinh doanh, giúp phục hồi và tăng trưởng nhanh, bền vững hơn trong thời gian tới.
Xung quanh nội dung "Phục hồi và phát triển nền kinh tế", chương trình Vấn đề hôm nay với sự tham gia của PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - đã có những phân tích và bình luận chi tiết!
VTV News