MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đâu là nguồn cơn khiến xe ôm công nghệ bức xúc về thuế thu nhập cá nhân?

Sự kiện vừa qua tài xế GrabBike đã phản ứng đối với công ty Grab vì bị thu 60.000 đồng/ngày được cho là khoản thu hộ thuế thu nhập cá nhân giúp cho Nhà nước. Về nguyên tắc, khoản thu này được Grab thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế, thế nhưng vì sao lại gây phản ứng?

Tài xế GrabBike là cá nhân kinh doanh chịu thuế

Theo phản hồi của Grab Việt Nam, việc thu các khoản thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân đối với các đối tác tài xế GrabBike được thực hiện theo hướng dẫn tại các công văn số 384/TCT-TNCN ngày 8.2.2017, công văn số 1531/TCT-TNCN ngày 2.4.2017 của Tổng cục Thuế;  công văn 5729/CT-TTHT ngày 19.6.2017 và công văn số 357/CT-TTHT ngày 11.1.2018 của Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh.

Theo đó, mức thu được áp dụng đối với các tài xế GrabBike theo diện cá nhân kinh doanh (còn gọi là thuế khoán) tính theo tỉ lệ phần trăm (%) trên doanh thu. Cụ thể, mức thuế giá trị gia tăng là 3% doanh thu, mức thuế thu nhập cá nhân là 1,5% trên doanh thu và đối với tiền thưởng là 1%.

Các tài xế GrabBike có mức thu nhập từ 100 triệu đồng/năm  trở lên sẽ phải chịu thuế. Các đối tượng bị áp thuế thu nhập cá nhân theo diện cá nhân kinh doanh sẽ không được hưởng giảm trừ gia cảnh như đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền công tiền lương (thu nhập chịu thuế từ mức 9 triệu đồng/tháng và 108 triệu đồng/năm trở lên và được giảm trừ gia cảnh cho các trường hợp phụ thuộc là con cái, cha mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột, cháu...)

Nhưng không được miễn trừ chi phí hợp lí

Các tài xế GrabBike đang chịu các loại thuế trên đối với khoản thu nhập thực thu, có nghĩa là khoản thu nhập sau khi đã khấu trừ 20% chiết khấu cho phía vận hành ứng dụng đặt xe là Grab Việt Nam.

Tuy nhiên, việc xếp tài xế xe ôm công nghệ thuộc đối tượng chịu thuế là cá nhân kinh doanh đang thể hiện sự bất cập đầy bất lợi cho hàng trăm ngàn tài xế GrabBike, Go-Bike, BeBkie, FastBike... mà đa phần họ là người lao động có thu nhập thấp, hộ cận nghèo.

Cụ thể, tài xế xe ôm công nghệ vì không được hưởng chính sách giảm trừ, vì thế  thu nhập cá nhân cứ vượt ngưỡng 100 triệu đồng/năm là bắt đầu phải chịu thuế thu nhập cá nhân với mức 1,5% tổng doanh thu. Khi đó, cho dù họ có 2 hoặc 3 đứa con nhỏ đang đi học, vợ không có việc làm chỉ ở nhà nội trợ, ba mẹ già yếu.v.v... thì với hơn 9 triệu đồng tổng thu nhập cũng đã phải chịu thuế và còn lại phải trang trải cho cuộc sống của gia đình là gánh nặng quá lớn.

Anh Hùng – một tài xế GrabBike ở quận Tân Bình (TP.Hồ Chí Minh) – cho biết, anh có thu nhập chạy GrabBike bình quân khoảng 400.000 đồng/ngày, mỗi tháng thu nhập của anh khoảng 12 triệu đồng, thuộc diện chịu thuế với mức 1,5% tổng thu nhập tính ra là 180.000 đồng/tháng và mỗi năm là khoảng 2.160.000 đồng. Trong khi đó, vợ chồng anh có 4 đứa con, trông chờ vào khoản thu nhập của anh chạy GrabBike.

Đâu là nguồn cơn khiến xe ôm công nghệ bức xúc về thuế thu nhập cá nhân? - Ảnh 1.

Tài xế GrabBike đang chờ khách (ảnh: PK).


Vì bị xếp vào đối tượng chịu thuế là cá nhân kinh doanh nên không được hưởng chính sách giảm trừ, song các tài xế xe ôm công nghệ hiện cũng không được hưởng chính sách miễn trừ từ các chi phí hợp lí được tính trong kinh doanh.

Nghề tài xế xe ôm công nghệ, chi phí lớn nhất hàng ngày và hàng tháng chính là tiền xăng, nhớt, trang phục, nón bảo hiểm. Tất cả chi phí cho những thứ này hiện đều không được miễn trừ bằng cách khấu trừ vào tổng thu nhập hàng tháng và hàng năm. Đây cũng chính là vấn đề trọng tâm nhất trong mấy ngày qua khi các tài xế GrabBike phản ứng khi bị trừ thuế thu nhập cá nhân 60.000 đồng/ngày. Họ cho rằng bị xếp vào diện cá nhân kinh doanh mà lại không được khấu trừ các chi phí hợp lí đầu vào thì quá bất công.

Theo Thế Lâm

Theo Báo lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên