Đau lắm con tôm hùm được giải cứu!
Sướng ích gì, hay ho gì khi con tôm hùm được giải cứu. Chính những người làm ra sản phẩm cũng không muốn điều đó!
- 19-02-2020Tôm hùm, cua hoàng đế giá rẻ 'hút' khách vì dịch covid-19
- 18-02-2020Giá tôm hùm ở Xuân Hải giảm
- 17-02-2020VinMart “giải cứu tôm hùm”: Tuyên bố bán hàng không lợi nhuận, hỗ trợ nông dân ảnh hưởng bởi dịch Corona, giá chỉ 495 ngàn đồng/kg
Những ngày qua, thông tin giải cứu "tôm hùm đại dương" với giá 200.000đ/kg trước đại dịch Covid-19 cứ ngồn ngộn trên các trang mạng xã hội. Thê thảm quá! Tôm hùm chỉ bằng giá tôm đất. Nhiều người nói vui: Nếu vậy thì cứ mua tôm hùm về kho ăn cho sang chảnh.
Ở Phú Yên, tư thương vẫn mua tôm hùm bình thường
Có loại tôm hùm nào là "tôm hùm đại dương"? Nghe lạ quá. Và thật ra tôm hùm có giá ấy hay không? Có, nhưng là tôm sỏi, tôm hùm chết. Chẳng đợi đến dịch, ngày thường tôm sỏi hay tôm hùm vừa bị chết, bắt lên cũng có giá đó. Còn nếu bạn hỏi mua tôm hùm sống với cái giá 200.00đ/kg, không khéo bị chửi cho.
Tôi cũng bị chửi sấp mặt như vậy khi hỏi người bạn nuôi tôm. "Mày là dân mé nước mà hỏi ngu" – nó chửi. Hỏi những người mua đi bán lại, họ chỉ cười, không thèm trả lời.
Người dân vẫn lặn bắt tôm hùm để bán khi đúng kích cỡ
Thật ra giá tôm hùm hiện nay có rẻ hơn chút ít, nhưng không đến mức "giải cứu" ở mức giá 200.000đ/kg như nhiều người hô hào. Tùy theo kích cỡ mà có giá khác nhau. Tôm hùm xanh loại 3 con/kg có giá 600.000đ đến 650.000đ/kg. Còn tôm hùm bông vẫn có giá xấp xỉ 1,2 triệu đồng/kg.
Vậy thì giải cứu cái nỗi gì!
Cứ mỗi lần có bệnh dịch, hàng hóa ùn ứ thì cái điệp khúc "giải cứu" lại trỗi lên. Hết giải cứu thịt heo, dưa hấu, thanh long, giờ lại giải cứu tôm hùm. Vừa giải cứu thịt heo xong thì trước Tết Nguyên đán giá thịt heo tăng chóng mặt. Người tiêu dùng méo mặt mỗi khi có tiệc tùng, giỗ chạp. Có ai giải cứu cho người tiêu dùng?
Tôm hùm xanh vẫn có giá 600.000đ đến 650.000đ/kg
Giải cứu, giúp những người làm ra sản phẩm vượt qua lúc khó khăn là nên làm và cần làm. Nhưng, đừng lợi dụng nó quá!.
Đừng nghĩ những người làm ra sản phẩm chân chính muốn ngửa tay xin sự ban phát. Họ đủ tự trọng để thấy "đau" khi được giải cứu. Chỉ có những người lợi dụng sự giải cứu để tranh thủ kiếm chác mới không thấy sự tự trọng ấy thôi.
Đừng làm đau người làm ra sản phẩm chân chính và người tiêu dùng chân chính!
Người lao động