Dầu thô của Nga quan trọng thế nào và giá dầu có thể lên đến đâu?
Một lệnh cấm vận của phương Tây đối với dầu và khí đốt của Nga không còn là điều xa vời sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiết lộ rằng Nhà Trắng đang "thảo luận tích cực" với các đồng minh về vấn đề này.
- 04-03-2022Dầu thô của Nga thành 'bát súp bỏng tay' không ai dám cầm
- 04-03-2022Dầu thô của Nga tiếp tục sale-off
- 02-03-2022Dầu thô của Nga bán 'đại hạ giá' vẫn không có người mua
Phản ứng lại thông tin trên, dầu thô Brent tăng lên mức chưa từng có trong năm 2008 trong khi khí đốt tăng lên mức cao nhất mọi thời đại.
Sự phản đối từ thủ tướng Đức Olaf Scholz không đáng ngạc nhiên khi quốc gia của ông phụ thuộc nhiều vào dầu của Nga. Mỗi ngày, EU chi khoảng 285 triệu USD chỉ dành cho việc mua dầu từ Nga. Ảnh hưởng thực tế của lệnh cấm ra sao và giá có thể tăng đến mức nào?
Dầu và khí đốt của Nga quan trọng ra sao?
Khoảng 40% khí đốt của châu Âu đến từ Nga, cho thấy sự phụ thuộc cực lớn của khu vực giàu có bậc nhất thế giới vào Nga, nhất là trong những tháng mùa đông đang ngày một lạnh giá hơn. Ngay cả khi thời tiết đang ngày càng ấm lên, bức tranh vẫn không khác đi nhiều với dầu thô và các sản phẩm khác từ dầu mỏ. Khoảng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày chảy khỏi Nga, nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới sau Ả rập Xê út.
Khoảng một nửa trong số đó xuất sang EU – chiếm 27% kim ngạch nhập khẩu và khoảng 15% tổng lượng tiêu dùng của khu vực. Vương quốc Anh ít phụ thuộc vào dầu Nga hơn, nhập khẩu 4,7 triệu tấn dầu từ Nga vào năm 2021, tương đương dưới 100.000 thùng/ngày, tức là chưa đến 10% lượng tiêu thụ.
Tuy nhiên, cũng như khí đốt, Vương quốc Anh không thể thoát khỏi tác động của giá cả thị trường toàn cầu đối với hàng hoá, vốn dẫn đến chi phí sinh hoạt cao hơn với người dân bình thường.
Có thể thay thế dầu Nga hay không?
Việc giải quyết bài toán hóc búa về khí đốt là rất khó, chưa kể dầu thô. "Một sự gián đoạn trên quy mô lớn như vậy khiến các nhà sản xuất khác không thể đáp ứng kịp, ít nhất là trong tương lai gần", Ole Hasen từ ngân hàng Saxo nói.
Một phương án đang được thảo luận là Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran và Venezuela. "Iran có thể đưa thêm khoảng 1,3 triệu thùng dầu/ngày vào thị trường", Sophie Udubasceanu – chuyên gia dầu thô toàn cầu tại ICIS cho biết. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo rằng đóng góp của Venezuela hoàn toàn phụ thuộc vào việc giải quyết các vấn đề nội bộ của quốc gia này.
Dự trữ dầu của Mỹ cũng mang đến một số hy vọng. Mỹ xuất khẩu 3,45 triệu thùng/ngày vào tháng 12 năm ngoái và có thể tăng thêm. Tuy nhiên, chuyện này không thể diễn ra nhanh. "Việc nâng cao sản lượng sẽ mất vài tháng đối với Iran, vài quý đối với Mỹ và nhiều năm đối với Venezuela".
Một con đường khác là thuyết phục OPEC tăng sản lượng. Tuy nhiên trong tuần trước, ở thời điểm chiến sự căng thẳng tại Ukraine, OPEC quyết định giữ nguyên mức tăng ít ỏi là 400.000 thùng/ngày.
Giá dầu có thể tăng đến đâu?
Nó phụ thuộc vào thực tế địa chính trị. Mức giá cao nhất mọi thời đại được ghi nhận là 147,50 USD/thùng, được thiết lập vào tháng 7/2008. Một số nhà phân tích cho rằng giá có thể tăng cao hơn nữa.
Nhà phân tích hàng hoá của UBS, Giovanni Staunovo, cho biết một cuộc chiến kéo dài cho thể đẩy giá dầu lên mức kỷ lục 150 USD hoặc hơn. Các nhà phân tích tại Bank of America nói rằng nếu hầu hết xuất khẩu dầu của Nga bị cắt giảm, tạo ra sự thiếu hụt 5 triệu thùng/ngày, giá dầu có thể lên đến 200 USD.
Tác động là gì?
Mọi chi phí đều sẽ gia tăng, từ xăng dầu tại các trạm xăng cho đến bất kỳ loại hàng hoá nào được vận chuyển bằng đường bộ, làm tăng lạm phạt và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Có một câu nói cách tốt nhất để hạn chế tăng giá là đẩy nó lên cao hết mức, dẫn đến triệt tiêu nhu cầu. Nếu dầu quá đắt đến mức mọi người không thể mua, họ sẽ ngừng mua và giá lại giảm xuống. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là rất nhiều hoạt động công nghiệp sẽ đình trệ, gây ra suy thoái kinh tế.
Thị trường năng lượng bền vững ra sao?
Cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã nêu bật tầm quan trọng của việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng bền vững, không chỉ để giải quyết cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.
Các quốc gia đều đã có chính sách đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió.
Mặc dù cách tiếp cận này sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga nhưng sẽ mất một vài năm mới có kết quả - thậm chí có thể lâu hơn trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp khí đốt và dầu mới. Không có câu trả lời dễ dàng.
Nguồn: The Guardian