MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư 1 tỷ USD ở Việt Nam, tập đoàn Trung Quốc này là ai - Vì sao được ví như "cá sấu sông Dương Tử"?

05-05-2024 - 21:00 PM | Tài chính quốc tế

Đầu tư 1 tỷ USD ở Việt Nam, tập đoàn Trung Quốc này là ai - Vì sao được ví như "cá sấu sông Dương Tử"?

Có kế hoạch đầu tư trung tâm dữ liệu 1 tỷ USD ở Việt Nam, Alibaba là đại gia công nghệ lớn nhất nhì Trung Quốc và người đứng sau không ai khác chính là tỷ phú quen mặt - Jack Ma.

Theo Nikkei Asia, tập đoàn Alibaba của Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu tại Việt Nam với chi phí lên tới 1 tỷ USD.

Mục đích hướng tới của Alibaba là đáp ứng nhu cầu cho một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á cũng như tìm kiếm những địa điểm đầu tư phù hợp về chi phí, đảm bảo tính bảo mật và kiểm soát dữ liệu tốt hơn.

Có thể thấy, chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm, Việt Nam đang đón nhận những tín hiệu tích cực về đầu tư hợp tác cũng như nhận được sự quan tâm từ những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

Trước đó là thỏa thuận của NVIDIA về nhà máy trí tuệ nhân tạo, chuyến thăm của CEO Apple Tim Cook và giờ đây là Alibaba, đại gia công nghệ số một Trung Quốc.

Với nhiều người, Alibaba có thể không phải cái tên quen thuộc, nhưng xét về tầm ảnh hưởng, quy mô và giá trị, Alibaba không thua kém bất kỳ cái tên đình đám nào từ Google, Amazon… với lĩnh vực trải rộng từ thương mại điện tử đến công nghệ dữ liệu.

Cái tên Alibaba cũng lần đầu tiên được người Mỹ biết đến vào năm 2014, sau khi niêm yết tại sàn chứng khoán New York. Kể từ đó, cái tên Alibaba và người đứng đầu là tỷ phú cá tính Jack Ma đã trở thành chủ đề quen thuộc trên truyền thông. Câu chuyện khởi nghiệp lẫy lừng của Alibaba cũng trở thành cảm hứng cho rất nhiều công ty sau này.

Đầu tư 1 tỷ USD ở Việt Nam, tập đoàn Trung Quốc này là ai - Vì sao được ví như

Từ "chợ trời" thành "đại gia" công nghệ Trung Quốc

Khởi nguồn vào năm 1999, trong một căn hộ nhỏ ở Hàng Châu, một thành phố du lịch nổi tiếng với hồ nước tuyệt đẹp, cách Thượng Hải khoảng hai giờ lái xe, Jack Ma, cựu dịch giả, nhân viên bán thảm và giáo viên tiếng Anh, đã tập hợp 17 người bạn và thuyết phục họ đầu tư tổng cộng 50.000 USD để khởi nghiệp.

Sản phẩm đầu tiên của nhóm bạn là Alibaba.com, một nền tảng bán hàng tiếng Anh dành cho các thương nhân trong nước, trực tiếp bán hàng cho người mua trên khắp thế giới. Vào thời điểm đó, Trung Quốc được coi là "công xưởng của thế giới", sản xuất đồ chơi và quần áo giá rẻ cho những hãng như Walmart và Target.

Alibaba liên kết chuỗi cung ứng khổng lồ của Trung Quốc với khách hàng nhỏ lẻ - những người không muốn đi nửa vòng trái đất để gặp người bán hoặc trả tiền cho bên trung gian tốn kém - mang lại cho các nhà sản xuất nước một thị trường mới rộng lớn. Trong vòng hai năm , hơn một triệu người dùng đã đăng ký Alibaba.com.

Năm 2003, khi số lượng người sử dụng Internet tăng cao ở Trung Quốc, công ty cho ra mắt trang bán hàng trực tuyến Taobao. Trong khi Alibaba.com chuyên về thương mại B2B thì Taobao dành cho người tiêu dùng. Giờ đây, tất cả các cửa hàng nhỏ ở Trung Quốc đều có cơ hội tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng: Một cửa hàng quần áo nhỏ lẻ ở Quảng Châu có thể dễ dàng bán một chiếc váy cho ai đó ở Thượng Hải cách hàng trăm cây số.

Taobao không phải là công ty đầu tiên có ý tưởng này. eBay đã vào Trung Quốc một năm trước, nắm giữ hơn 70% thị trường đang bùng nổ nhờ mua lại một công ty khởi nghiệp thương mại điện tử địa phương.

Nhưng Alibaba có một lợi thế lớn: Họ hiểu về Trung Quốc nhiều hơn. Công ty tràn ngập các diễn đàn trực tuyến với những thông điệp giới thiệu về Taobao và hợp tác với các ngân hàng hàng đầu trong nước để vận hành hệ thống thanh toán trực tuyến Alipay.

Chiến lược của Alibaba đã được đền đáp. eBay phải đóng cửa trang web tại Trung Quốc vào năm 2006. Trong khi đó, một đối thủ cạnh tranh khác là Yahoo đã từ bỏ mọi hoạt động vào năm 2005 và trả cho Alibaba 1 tỷ USD để đổi lấy 40% cổ phần trong doanh nghiệp.

"eBay có thể là con cá mập trong đại dương, nhưng tôi là con cá sấu ở sông Dương Tử. Đánh nhau ở biển thì thua, đánh nhau ở sông thì thắng", Jack Ma nói về cuộc đối đầu khi ấy.

Đầu tư 1 tỷ USD ở Việt Nam, tập đoàn Trung Quốc này là ai - Vì sao được ví như

Để mắt tới thị trường quốc tế, Alibaba giành quyền kiểm soát gã khổng lồ bán lẻ Đông Nam Á Lazada vào năm 2016 với giá 1 tỷ USD. Hàng hóa từ Taobao hiện được bán thông qua Lazada tại Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines.

Ngoài thương mại điện tử, Alibaba còn dấn thân vào các lĩnh vực như truyền thông, công nghệ AI. Alibaba đã mua lại một trong những tờ báo tiếng Anh hàng đầu châu Á, tờ South China Morning Post, vào năm 2016.

Vòa năm 2009, dịch vụ điện toán đám mây Alibaba Cloud ra đời, trở thành xương sống của rất nhiều nền tảng công nghệ ở Trung Quốc. Từ đó đến nay, Alibaba vẫn là nhà cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây hàng đầu hàng đầu thế giới, đứng thứ 3 về thị phần toàn cầu so với Amazon và Microsoft vào năm 2019.

Hiện tại, 80% các công ty công nghệ của Trung Quốc và một nửa số công ty mô hình ngôn ngữ lớn AI sử dụng nền tảng của Alibaba. Bản thân Alibaba cũng mới cho ra mắt phiên bản AI cải tiến với tên gọi Tongyi Qianwen 2.0.

Ý nghĩa cái tên Alibaba

Về cái tên Alibaba, có rất nhiều lời giải thích về ý nghĩa thực sự mà Jack Ma đặt cho công ty của mình.

Trên trang web chính thức, công ty giải thích đây là một cái tên "nổi tiếng" và dễ phát âm, được dựa trên câu chuyện "Ali Baba và bốn mươi tên cướp" thuộc tuyển tập "Nghìn lẻ một đêm", trong đó ai cũng quen thuộc với câu thần chú mở cửa kho báu là "Vừng ơi! Mở ra".

Trang web nêu rõ: "Thương mại điện tử mang tính toàn cầu nên chúng tôi cần một cái tên được công nhận trên toàn cầu". Alibaba gợi nhớ đến 'vừng ơi, mở ra", thể hiện rằng nền tảng của chúng tôi mở ra cánh cửa dẫn đến vận may cho các doanh nghiệp nhỏ".

Vào năm 2006, cựu giáo viên tiếng Anh cũng giải thích lý do ông chọn cái tên này khi đang ngồi trong một quán cà phê ở San Francisco.

"Một cô phục vụ bàn bước đến và tôi hỏi cô ấy có biết Alibaba không? Nữ phục vụ bàn nói có", Ma nói với chương trình Talk Asia của CNN năm 2006.

"Tôi hỏi bạn biết gì về Alibaba và cô ấy nói 'vừng ơi, mở ra'. Tôi lẩm bẩm, đúng rồi, đích thị cái tên này! Sau đó, tôi đi ra đường và gặp khoảng 30 người, tất cả tôi đều hỏi: 'Bạn có biết Alibaba không'? Những người đến từ Ấn Độ, từ Đức, Tokyo hay Trung Quốc... ai cũng biết về Alibaba".

"Alibaba và vừng ơi, mở ra. Alibaba và 40 tên cướp", Ma nói. "Alibaba không phải là kẻ trộm. Alibaba là một gã biết làm ăn tốt bụng, thông minh, và anh ấy đã giúp cả làng. Cái tên thật dễ đánh vần và được cả thế giới biết đến. Alibaba mở vừng cho các công ty vừa và nhỏ. Chúng tôi cũng đăng ký luôn tên AliMama, phòng trường hợp ai đó muốn về một nhà với mình".


Theo Mạnh Kiên

Đời sống và Pháp luật

Trở lên trên