Đầu tư như thế nào trong thời kỳ “Trump và các dòng tweet”?
Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên “tweet” và mỗi lần ông “tweet”, thị trường chứng khoán toàn cầu lại chao đảo. Mối lo về một cuộc chiến thương mại toàn cầu cũng khởi nguồn từ những dòng tweet của ông.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Sài Gòn về những câu chuyện tưởng như trái ngược của lãi suất tăng cao nhưng tiền vẫn đổ nhiều vào cổ phiếu, nguy cơ chiến tranh thương mại leo thang nhưng VN-Index vẫn phá đỉnh….
Bất chấp mối lo về "chiến tranh thương mại", giá nhiều cổ phiếu và VN-Index vẫn tăng mạnh, thậm chí vừa phá đỉnh mọi thời đại, ông nghĩ gì về điều đó?
Việc thị trường tăng mạnh thời gian qua có yếu tố từ sự tích cực của kinh tế vĩ mô từ năm 2017, vẫn duy trì đến hiện nay. Đồng thời, nó được hỗ trợ bởi yếu tố lãi suất thấp, kích thích dòng tiền trong nước đổ vào chứng khoán.
Có thể thấy mặc dù khối ngoại bán ròng 2 tháng nay, nhưng thị trường vẫn tăng trưởng nhờ dòng tiền trong nước vẫn rất dồi dào. Điều quan trọng là vĩ mô ổn định, dòng tiền ổn định thì TTCK sẽ tăng.
Mặt khác, phải thừa nhận rằng sự tăng trưởng của Index trong thời gian qua do một vài cổ phiếu vốn hóa lớn tác động trong khi các nhóm khác giảm, hoặc không tăng. Hiện tại, chúng ta có khá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, khác với năm 2017 có rất ít cổ phiếu vốn hóa lớn. Do đó, việc phá đỉnh chỉ là yếu tố tâm lý.
Cuộc chiến tranh thương mại nếu xảy ra, sẽ ảnh hưởng đến chứng khoán Việt Nam như thế nào?
Khi có nguy cơ chiến tranh thương mại, chúng ta cần nhìn nhận từ 2 khía cạnh.
Đầu tiên là yếu tố tâm lý. Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và bất kỳ quốc gia nào cũng đẩy rủi ro tại TTCK tăng lên. Khi TTCK Mỹ giảm sâu sẽ kéo theo tâm lý lo ngại trên toàn cầu, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới các TTCK quốc gia khác.
Thứ 2 là khi TTCK Mỹ có biến động và rủi ro lên cao thì các NĐT trên thế giới có xu hướng giảm bớt tài sản rủi ro như cổ phiếu, các thị trường mới nổi. Thay vào đó, họ đầu tư vào các tài sản ít rủi ro hơn như vàng.
Do đó, các thị trường mới nổi sẽ dễ bị rút vốn và đó là điều có thể đã xảy ra. Theo dõi dòng vốn toàn cầu từ tháng 2 đến nay, tôi nhận thấy nó đã chững lại và đang có dấu hiệu bị rút ra. Như thời gian gần đây, các thị trường như Mỹ, Trung Quốc bị rút vốn mạnh. Các thị trường mới nổi mặc dù vẫn thu hút vốn, nhưng quy mô giảm mạnh, chỉ khoảng 100 triệu USD, thay vì hàng tỷ USD như trước.
Tháng 3 chứng kiến sự rút vốn khỏi các quỹ ETF ngoại cũng như quỹ ETF nội VFM. Theo ông, điều gì đang xảy ra?
Các quỹ ETF là các quỹ vào nhanh ra nhanh nên rất có thể dòng vốn ở các quỹ này phản ánh chiến lược phân bổ tài sản trên toàn cầu của các nhà đầu tư tại nước ngoài, đồng nghĩa dòng vốn này nhạy hơn với các biến động trên thị trường tài chính thế giới.
Hiện tại, Việt nam có 4 quỹ ETF lớn là VNM ETF, DB ETF, KIM ETF và VFM ETF với giá trị tài sản 27 nghìn tỷ VND. Tháng 1/2018 và tuần đầu tháng 2/2018, tổng vốn tăng ở 4 quỹ này là 5,4 nghìn tỷ. Kể từ đó đến nay, đã có 1 nghìn tỷ bị rút.
Rõ ràng có sự liên thông giữa TTCK Việt Nam và dòng vốn thế giới.
Sự đảo chiều của dòng vốn này có thể đến từ 2 việc (1) chiến tranh thương mại và (2) FED có khả năng nâng lãi suất nhanh hơn dự kiến (4 lần so với dự kiến là 3). Và FED nâng lãi suất cũng là hệ quả của chiến tranh thương mại. Bởi chiến tranh thương mại sẽ dẫn đến lạm phát tăng và FED càng có lý do nâng lãi suất.
Tựu chung lại, vẫn là rủi ro toàn cầu tăng cao khi có chiến tranh thương mại và ảnh hưởng tới dòng vốn vào Việt Nam.
Với việc FED và các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, nhiều người nói rằng: Thời kỳ vốn rẻ đã kết thúc nhưng tiền đổ vào cổ phiếu vẫn cứ tăng. Ông nghĩ sao?
Nếu xét từ thời điểm FED nâng lãi suất lần đầu tiên là cuối năm 2015 thì thời kỳ vốn rẻ có thể coi là đã kết thúc được hơn 2 năm. Thậm chí năm 2017, FED nâng lãi suất đến 3 lần. Tuy vậy thực tế dòng vốn đầu tư cổ phiếu không giảm trong thời gian đó, trái lại đã liên tục tăng. Và điều thú vị là năm 2017, xu hướng đầu tư vào các thị trường mới nổi tăng lên rõ rệt.
Điểm mấu chốt đằng sau việc nâng lãi suất là tăng trưởng kinh tế. Chính tăng trưởng kinh tế cao khiến FED hay bất kỳ NHTW nào cũng thấy không cần thiết phải duy trì lãi suất thấp. Kinh tế tăng trưởng, kéo theo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp và làm cho việc đầu tư cổ phiếu vẫn tiếp tục hấp dẫn. Tức là người ta có thể bỏ qua câu chuyện hết vốn rẻ nhờ một câu chuyện hấp dẫn hơn là: Tăng trưởng.
Chính vì thế, mặc dù dòng vốn rẻ không còn, nhưng theo tôi thì xu hướng đầu tư vào các thị trường mới nổi sẽ chưa chấm dứt. Năm 2017, đầu năm 2018 là ví dụ rõ ràng cho thấy khi tiền không còn rẻ nhưng NĐT vẫn đem tiền đầu tư khắp thế giới. Chúng ta chưa cần quá lo ngại việc FED tăng lãi suất bởi những yếu tố này chỉ mang tính ngắn hạn.
Những thị trường như Việt Nam cần phải tìm những câu chuyện hấp dẫn hơn các thị trường khác để hút vốn như các vấn đề liên quan tới tăng trưởng, lợi nhuận cao. Có thể dòng vốn trung hạn ít đi do lãi suất tăng, nhưng nó sẽ không giảm đồng loạt. Và đó là câu chuyện cạnh tranh, thu hút vốn giữa các quốc gia.
Chứng khoán Việt Nam có câu chuyện riêng nào để chúng ta kỳ vọng?
Những câu chuyện riêng của Việt Nam là xu hướng thoái vốn, cổ phần hóa DNNN, niêm yết các doanh nghiệp lớn, gia tăng quy mô TTCK một cách nhanh chóng, câu chuyện nâng hạng TTCK từ cận biên lên thị trường mới nổi. Một ví dụ là kể từ đầu năm 2017 đến nay, hầu như doanh nghiệp lớn nào IPO và/hoặc lên sàn đều có mức giá tăng mạnh, nhờ vậy các quỹ nước ngoài đầu tư vào các doanh nghiệp này đều có lãi. Với xu hướng CPH, niêm yết còn mạnh mẽ hơn trong năm 2018, nhiều cơ hội đầu tư tốt cho NĐTNN vẫn còn trước mắt.
Chúng ta có thể kỳ vọng nhiều về TTCK của Việt Nam nhưng quan trọng là chúng ta phải làm cho các NĐTNN cũng bị thuyết phục bởi những kỳ vọng đó. Việc quảng bá thông tin đầu tư vào Việt nam bên cạnh nỗ lực của các CTCK cũng nên có một nhạc trưởng lớn ở phía nhà nước để gia tăng sức nặng của câu chuyện Việt Nam trong bối cảnh chúng ta đang phải cạnh tranh với cả trăm thị trường khác.
Sau mỗi lần thị trường chứng khoán biến động bởi các quyết định hoặc dòng tweet của ông Trump, ông rút ra được kinh nghiệm gì cho việc đầu tư chứng khoán ngắn hạn ăn theo trend "chiến tranh thương mại"?
Với giả định các dòng tweet trong tương lai của ông Trump trong tương lai là tiêu cực, hướng tới trade war thì rủi ro thị trường tài chính toàn cầu đang tăng lên rõ rệt. Ông Trump đã làm tổng thống hơn 1 năm và mức độ mạnh mẽ trong các tuyên bố thương mại của ông đã thấy rõ ràng hơn, dù rằng điều này đã được nói suốt chiến dịch tranh cử. Trong 1 năm đầu, ông Trump rất ít nói đến trade war, nhưng hiện nay ông đã liên tục đưa ra các thông điệp về thương mại.
Ông Trump theo chủ nghĩa dân túy, do đó sẽ có lợi cho nước Mỹ đầu tiên và sẽ bất lợi hơn cho các quốc gia bên ngoài. Do đó, với các nhà đầu tư nên phải có phương pháp, lựa chọn khẩu vị phù hợp. Với những NĐT ưa rủi ro cao thì họ rất thích giai đoạn này, mua thấp, bán cao. Với NĐT không ưa rủi ro thì nên hạn chế nắm giữ cổ phiếu trong giai đoạn này.
Không có đáp án chung cho việc đầu tư, mà chúng ta phải biết mình là ai, và chúng ta thích cái gì. Bởi trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có cơ hội và cũng có rủi ro.
Tôi có lời khuyên là NĐT nên chú ý đến các cổ phiếu cơ bản, định giá phù hợp. Tránh những cổ phiếu bị định giá cao, dù rằng cơ bản tốt bởi rủi ro toàn cầu đang tăng cao.
Ngoài ra, NĐT cũng nên chú ý tới các cổ phiếu phòng thủ, cổ tức cao, dòng tiền đều, ổn định. Chúng ta cũng phải xác định là khi rủi ro tăng cao thì mức sinh lợi sẽ không còn lớn như trước nữa.
Cá nhân ông có quyết định mua bán gì trước các dòng tweet của Trump?
Bây giờ là giai đoạn tweeter economy, các dòng tweet của ông Trump sẽ ảnh hưởng nhiều tới thị trường. Do đó, chúng ta cần tìm đến các dòng cổ phiếu không biến động nhiều theo thị trường, có yếu tố phòng ngự như tiện ích, hàng tiêu dùng thiết yếu. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều thì chúng ta cần thận trọng.