Đầu tư R&D 10 năm không có lãi, Moderna một bước thành công ty trăm tỷ đô nhờ vắc-xin COVID-19: Bước tiếp theo sẽ là vắc-xin ung thư và HIV/AIDS
Đến năm 2014, Moderna thuyết phục được Kerry Benenato, một nhà hóa học tại hãng dược phẩm AstraZeneca chuyển về công ty mình để thử thách với những hạt nano lipid. Nhiệm vụ của Benenato là phát minh ra các hạt nano có thể mang mRNA vào tế bào một cách an toàn và hiệu quả, giải phóng mRNA nó mang theo và sau đó sẽ tự phân giải toàn bộ.
Trước đại dịch COVID-19, đa số mọi người đều không biết đến Moderna, một công ty gần như vô danh, được thành lập đã 10 năm mà chưa có lợi nhuận và thậm chí chưa có sản phẩm thương mại. Thứ duy nhất họ sở hữu là một chương trình nghiên cứu phát triển (R&D) cho một công nghệ sinh học được gọi là mRNA .
Dù được đánh giá là rất hứa hẹn, công nghệ mRNA ở thời điểm đó vẫn chưa được khoa học chứng minh hoàn toàn. Moderna thậm chí chưa hoàn thành bất kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III nào và chưa có loại thuốc hay vắc-xin nào được cấp phép sử dụng.
Đại dịch COVID-19 hóa ra lại là cơ hội để họ chuyển mình, vắc-xin COVID-19 chính là sản phẩm đầu tiên và duy nhất của Moderna điền vào được tất cả những thiếu sót ấy, một bước thổi công ty bé nhỏ này trở thành một gã khổng lồ dược phẩm.
Chỉ trong vòng một năm đại dịch, Moderna đã sản xuất và bán ra được 1 tỷ liều vắc-xin COVID-19, đem về doanh thu 19 tỷ USD. Và trong khi BioNTech - công ty công nghệ sinh học của Đức cũng sở hữu công nghệ mRNA phải dựa vào gã khổng lồ Pfizer để thương mại hóa các mũi vắc-xin COVID-19 của mình, Moderna là một công ty hiếm hoi dù nhỏ hơn nhưng tự mình làm được điều đó.
Vậy tại sao điều này lại quan trọng?
Thông thường, khi một công ty khởi nghiệp nhỏ sở hữu những công nghệ mới, đột phá, họ sẽ bị các gã khổng lồ trong lĩnh vực mua lại hoặc tìm cách kìm chế. Trong cuộc chơi vắc-xin, thực tế đó càng xảy ra một cách khốc liệt.
Chẳng hạn như Đại học Oxford đã nghiên cứu ra vắc-xin COVID-19 bằng công nghệ vector, nhưng họ phải hợp tác với gã khổng lồ AstraZeneca để thương mại hóa nó chứ không thể lập một công ty spin-off. BioNTech thì phải hợp tác với Pfizer còn Johnson & Johnson thì bản thân đã là một gã khổng lồ dược phẩm.
Moderna, với việc tự mình làm chủ và thương mại hóa vắc-xin COVID-19, sẽ không phải phân chia lợi nhuận hay bị chèn ép bởi bất cứ công ty dược phẩm lớn nào. Giá trị thị trường của họ vì thế đã vượt mức 100 tỷ USD (hectocorn hay siêu kỳ lân) vào giữa tháng 7, đánh bại cả Bayer AG, hãng dược phẩm Đức phát minh ra aspirin, và công ty công nghệ sinh học Biogen có tuổi đời hơn 3 thập kỷ.
Nhưng đó là lời tuyên bố dõng dạc của Stéphane Bancel, Giám đốc điều hành hiện tại của Moderna. Trong chiến lược mà Bancel định hình cho công ty từ 10 năm trước, vắc-xin chỉ là mục tiêu thứ yếu. COVID-19 có thể được tính là một vận may của Moderna, nếu đó là dịp để công ty này chứng minh được sự ưu việt của công nghệ mRNA với toàn thể thế giới.
Nhưng bản thân họ trước đó cũng đã dám đánh cược tất cả vào những chuỗi vật chất di truyền bé nhỏ này: Không phải để chờ đợi một đại dịch có thể xảy ra với thế giới trong 10 năm nữa, mà là để khai sinh ra cả một ngành công nghiệp khổng lồ mới.
Công nghệ mRNA nếu được phát triển thành công có thể tạo ra những mũi tiêm điều trị được mọi căn bệnh từ tim mạch, ung thư cho đến các tình trạng di truyền hiếm gặp. Trước đại dịch, Moderna đã và đang thử nghiệm những mũi tiêm điều trị cho cả ba loại bệnh này.
Tầm nhìn với những liều vắc-xin chỉ mới được Bancel đặt ra trong một vài năm trở lại đây. Ông cho biết Moderna nên tạm từ bỏ lợi nhuận từ thị trường khổng lồ của bệnh nhân ung thư và tim mạch để nhắm đến các dịch bệnh mới nổi như Nipah và Zika. Bên cạnh đó, HIV và cúm cũng có thể là mục tiêu mà Moderna có thể theo đuổi.
Đó là bởi trong khoảng 4 thập kỷ trở lại đây, thế giới đã chứng kiến sự xuất hiện của hơn 50 chủng virus mới lây bệnh trên con người. Nhưng chúng ta mới chỉ có được 3 loại vắc-xin để đối phó lại chúng. Và Bancel xem đó là một cơ hội.
"Chúng tôi sẽ phá vỡ hoàn toàn thị trường vắc-xin", ông nói trong một cuộc phỏng vấn hồi cuối tháng 5. Tham vọng của Bancel là tạo ra hẳn được một thị trường vắc-xin mới, tái định hình nhóm dẫn đầu trong ngành công nghiệp này và rồi soán ngôi của họ.
Phát biểu được cho là ngông cuồng này được Bancel đưa ra ngay tại trụ sở chính của Moderna ở Cambridge, nơi họ lấp đầy một tòa nhà 10 tầng ở phía bắc khuôn viên của MIT. Ngay bên cạnh trong một tòa nhà liền kề là nơi hãng dược phẩm Thụy Sĩ Novartis AG đặt phòng thí nghiệm. Cách đó vài dãy nhà nữa lại có văn phòng của Pfizer và Merck.
Vị CEO 48 tuổi mặc một chiếc áo sơ mi màu xanh lam nuột nà như được là ở tiệm, một chiếc quần jean xanh đậm với thắt lưng Hermès màu đen. Là một người đam mê chạy bộ, Bancel ở ngoài nhìn còn nét hơn những lần ông xuất hiện thường xuyên trong những hội nghị trực tuyến.
Ông ấy liên tục đứng dậy trong cuộc phỏng vấn để vẽ lên trên chiếc bảng trắng những biểu đồ thể hiện tương lai của đại dịch COVID-19. Một biểu đồ dự đoán dịch sẽ trở lại hàng năm theo mùa, biên độ của chúng sẽ giảm dần nhưng vẫn còn đáng kể.
Một biểu đồ khác dự đoán hiệu quả của vắc-xin có thể sẽ giảm dần theo thời gian. Thông điệp hoàn toàn trùng khớp với triển vọng kinh doanh của Moderna: Các quốc gia có thể muốn tích trữ sớm các mũi tiêm nhắc lại. Ông nói: "Mẹ tôi năm nay đã 72 tuổi và bà ấy bị bệnh bạch cầu. Tôi không muốn bà ấy phải trải qua mùa thu mà không có một mũi tiêm nhắc lại".
Hiện Moderna đang duy trì tới 10 dự án thử nghiệm lâm sàng vắc-xin chống virus trên người. Trong đó có 3 mũi tiêm nhắc lại cho COVID-19, một mũi tiêm phòng cúm mùa và một mũi tiêm phòng HIV dự kiến sẽ được khởi động vào cuối năm nay.
Dự án đã tiến được xa nhất là các mũi vắc-xin chống cytomegalovirus, chủng virus thường lây lan qua chất lỏng cơ thể và là nguyên nhân phổ biến gây ra dị tật bẩm sinh. Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III của nó dự kiến sẽ bắt đầu ngay trong năm nay, trên đối tượng là những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Về lâu dài, Moderna đang hướng tới việc phát triển một mũi siêu vắc-xin có thể được tiêm hàng năm để ngăn chặn nhiều bệnh đường hô hấp cùng lúc, bao gồm COVID, cúm và những căn bệnh khác.
"Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp cho bạn tới vài loại mRNA cùng lúc, bên trong một mũi tiêm duy nhất mà bạn có thể nhận ngay trong cửa hàng dược phẩm hoặc phòng khám ở địa phương, vào mỗi tháng 8 hoặc tháng 9", Bancel nói.
Trở lại thời điểm năm 2011, khi Bancel rời vị trí giám đốc điều hành tại BioMérieux SA, một công ty công nghệ sinh học hàng đầu thế giới của Pháp, ông quyết định mình sẽ về đầu quân cho Moderna.
Cái tên Moderna này là sự kết hợp giữa "modfied" nghĩa là "sửa đổi" và "RNA". Công ty lúc đó mới thành lập được chưa đầy một năm. Derrick Rossi, một giáo sư tại Trường Y Harvard là người sáng lập, còn Bancel lúc này là nhân viên chính thức thứ hai của họ.
Một thập kỷ trước, ý tưởng tiêm mRNA – những RNA thông tin tham gia vào quá trình dịch mã để tạo ra protein – vào cơ thể con người được các nhà khoa học cho là bất khả. Đó là bởi khi mRNA được đưa vào cơ thể người một cách nhân tạo, hệ thống miễn dịch sẽ xác định nó là một mối đe dọa và tấn công nó.
Mặc dù về mặt lý thuyết, nếu bạn có thể thiết kế ra một loại mRNA của riêng mình và đưa vào tế bào, bạn có thể chiếm quyền điều khiển quá trình dịch mã và tạo ra bất kỳ loại protein nào bạn muốn – từ kháng nguyên vắc-xin cho đến các enzym để đảo ngược một căn bệnh hiếm gặp.
Nhưng nếu mRNA cứ tiêm vào cơ thể sẽ bị hệ miễn dịch tấn công và phá hủy, ý tưởng dùng nó để tạo ra vắc-xin sẽ trở nên vô dụng.
Một nửa câu đố cuối cùng đã được giải bởi bộ đôi nhà khoa học Katalin Karikó và Drew Weissman tại Đại học Pennsylvania, khi họ tìm ra cách tinh chỉnh lại các nucleotide uracil (U) trong phân tử mRNA. Điều này đã thực sự làm giảm được phản ứng miễn dịch cấp tính của cơ thể.
Nhưng một nửa câu đố vẫn còn đó, ngay cả khi mRNA đã thoát khỏi cuộc tấn công của hệ miễn dịch, nó vẫn có thể bị phá hủy bởi nhiều loại enzyme trong cơ thể trước khi tìm được đường vào bên trong tế bào.
Moderna phải tìm ra một thứ gì đó để chặn được quá trình này. Bancel đã đến giữ vị trí CEO ở đây và nhận về mình thách thức đó. Ông nhớ lại những gì đã nói với vợ trước khi rời bỏ BioMérieux, rằng Moderna chỉ có 5% khả năng thành công, nhưng nếu họ thành công, đó sẽ là một thành công rất lớn. Công nghệ mRNA thực sự có thể làm thay đổi cả nền y học.
Năm 2013, Moderna bắt đầu khởi động một ý tưởng bảo vệ mRNA bằng cách bọc nó vào các hạt nano lipid trước khi tiêm vào cơ thể. Về cơ bản, họ sẽ tạo ra những quả bóng chất béo chứa vật chất mRNA ở giữa giống như nhân của một chiếc bánh trôi nước.
Giai đoạn thử nghiệm ban đầu diễn ra không mấy suôn sẻ. Các hạt chất béo này có xu hướng tích tụ trong tế bào, qua thời gian có thể gây ra tổn thương ở gan và nhiều tác dụng phụ khác. Chính Stephen Hoge, chủ tịch của Moderna cũng phải thừa nhận liều vắc-xin mà họ đang tạo ra rất "độc hại".
Đến năm 2014, Moderna thuyết phục được Kerry Benenato, một nhà hóa học tại hãng dược phẩm AstraZeneca chuyển về công ty mình để thử thách với những hạt nano lipid. Nhiệm vụ của Benenato là phát minh ra các hạt nano có thể mang mRNA vào tế bào một cách an toàn và hiệu quả, giải phóng mRNA nó mang theo và sau đó sẽ tự phân giải toàn bộ.
Ở thời điểm Benenato bắt đầu với ý tưởng này, lĩnh vực hóa học với các hạt nano y sinh có thể gắn với mRNA còn chưa được khám phá. Có rất ít bài báo khoa học hướng dẫn quy trình này. Benenato và nhóm của cô đã phải tự mình mày mò để thực hiện hết điều chỉnh này đến điều chỉnh khác.
Nhưng đến năm 2015, họ cuối cùng đã xác định được chính xác những thay đổi giúp cải thiện khả năng dung nạp mà không làm tổn hại đến sự phân phối mRNA của các hạt nano lipid này. "Cuộc đua sau đó đã chính thức bắt đầu", Benenato nhớ lại. "Họ cấp bằng sáng chế cho công thức và các liều vắc-xin đã được chế tạo [để thử nghiệm trên người]".
Trong những năm đầu thành lập, hướng đi của Moderna là tập trung vào lĩnh vực trị liệu, bao gồm các chương trình điều trị ung thư, bệnh tim và các lĩnh vực có thể dễ sinh lợi. Nhưng công ty đã dần chuyển sang nghiên cứu vắc-xin khi Bancel nhận ra vắc-xin mới là cách tốt nhất để chứng minh công nghệ mRNA hoạt động. Bạn chỉ cần tiêm một vài liều để kích thích phản ứng miễn dịch kéo dài.
Cơ hội của Moderna đến khi họ biết tại Trung Quốc đang có một chủng virus corona mới xuất hiện. Ngay sau khi bộ gen của nó được các nhà khoa học Trung Quốc giải mã và tung lên mạng vào tháng 1 năm 2020, Moderna đã bắt tay ngay vào hoạt động thiết kế vắc-xin.
Điểm mạnh của công nghệ mRNA chính là tốc độ. Sau khi bạn có được bộ gen của virus, bạn bắt đầu có thể lọc ra các mRNA của nó, những phần nào thuộc bộ gen đang giúp virus tạo ra các protein gai bên ngoài vỏ bọc.
Sau đó, công việc đơn giản là tổng hợp lại mRNA này một cách nhân tạo. Bởi nó là sản phẩm tổng hợp, bạn sẽ loại bỏ được quy trình sản xuất vắc-xin rất mất thời gian theo kiểu truyền thống. Ví dụ, nhiều loại vắc-xin cúm được sản xuất bằng cách nuôi virus bên trong trứng gà, và ngay cả công nghệ vắc-xin mới nhất dựa trên gen vẫn yêu cầu các protein virus phải phát triển bên trong các túi tế bào sống.
Ngược lại, vắc-xin mRNA tiêm vào cơ thể, sau khi đi được vào tế bào người, nó mới bắt đầu hướng dẫn tế bào tạo ra các protein của virus đóng vai trò làm kháng thể. Về cơ bản, bạn sẽ biến chính tế bào của mình trở thành những nhà máy sản xuất vắc-xin.
Con đường này giúp tiết kiệm một loạt các công đoạn phức tạp so với các mũi tiêm truyền thống. Moderna vì vậy chỉ mất 42 ngày để tạo ra những liều vắc-xin COVID-19 đầu tiên, một kỷ lục về thời gian phát triển vắc-xin cho một dịch bệnh mới nổi .
Cuối tháng 3 năm ngoái, Bancel hỏi giám đốc sản xuất của mình rằng họ sẽ phải làm gì tiếp theo để sản xuất được 1 tỷ liều vắc-xin vào năm 2021. "Anh ấy nhìn tôi như thể tôi bị mất trí", ông nhớ lại.
Nhà máy Moderna chạy hết công suất cũng chưa bao giờ sản xuất được quá 100.000 liều/năm. Về mặt tài chính, chính phủ Mỹ đã đồng ý trả 955 triệu USD cho các thử nghiệm vắc-xin và giai đoạn sản xuất quy mô nhỏ ban đầu. Nhưng Bancel nói rằng ngoài nguồn tiền đó, ông sẽ không thể thuyết phục bất kỳ quốc gia nào khác đặt trước các liều vắc-xin chưa được thử nghiệm này.
Để có được tài chính, Moderna đã nhanh chóng khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc-xin COVID-19 của mình vào tháng 4 năm ngoái. Sau đó, họ chào bán cổ phiếu của mình vào tháng 5 và thu về 1,3 tỷ USD. Động thái này cho phép công ty thực hiện bước nhảy vọt trên trường quốc tế — và đặt nền móng cho những gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Đến tháng 11, cả ba giai đoạn thử nghiệm lâm sàng của Moderna đều đã hoàn thành. Vắc-xin COVID-19 được chứng minh là an toàn và cho hiệu quả miễn dịch với virus SARS-CoV-2 lên tới 94%. Bắt đầu từ thời điểm này, họ chính thức có thể bước vào giai đoạn sản xuất.
Moderna có một nhà máy vắc-xin ở ngoại ô Boston, cách trụ trở chính ở Cambridge 30 dặm về phía nam. Nhìn bề ngoài nó giống với một nhà máy công nghiệp hơn là một phòng thí nghiệm sinh học kết hợp với công ty khởi nghiệp.
Nhưng bên trong đó, những liều vắc-xin COVID-19 đang được sản xuất và đóng gói trong các dây chuyền phòng sạch. Moderna đã tăng gấp 3 lần quy mô phòng sạch từ 3 phòng lên 9 phòng so với tháng 12 năm ngoái. Khi nhu cầu vắc-xin COVID-19 vẫn lớn, họ dự định sẽ khánh thành thêm 3 phòng sạch nữa từ nay cho tới cuối năm.
Một số căn phòng có cửa kính trong suốt cho phép bạn nhìn vào bên trong. Ở đó có các bình trộn phản ứng sinh học, dụng cụ sắc ký và các thiết bị khác đều được lắp bánh xe cho phép chúng có thể được dễ dàng cấu hình và sắp xếp lại vị trí.
Quá trình sản xuất vắc-xin mRNA bắt đầu với các đoạn DNA được gọi là plasmid mà Moderna đặt hàng về từ một nhà sản xuất theo hợp đồng. Những plasmid này chứa bản thiết kế di truyền cho protein gai của virus SARS-CoV-2.
Trong phòng sạch, DNA protein gai sẽ được tổng hợp thành mRNA bằng cách sử dụng một kỹ thuật gọi là phiên mã trong ống nghiệm. Về cơ bản, nó là phiên bản nhân tạo của một quá trình thường xảy ra trong nhân tế bào.
Scott Nickerson, phó chủ tịch cấp cao giám sát xưởng sản xuất của Moderna, cho biết họ chỉ mất vài giờ để tạo ra được một lô vắc-xin mRNA. Nhưng sau đó, quá trình tinh chế để lọc ra các enzym không phản ứng và các chất đang làm bẩn vắc-xin phải mất vài ngày.
Tiếp đó, mRNA tinh khiết được chuyển đến một phòng sạch riêng biệt, nơi các công nhân dành thêm vài ngày để gói nó vào bên trong các hạt nano lipid. Sản phẩm cuối cùng được đông lạnh trong các túi xử lý sinh học vô trùng, bọc trong hộp bảo vệ và được vận chuyển trong các xe tải được kiểm soát nhiệt độ đến nhà máy của Catalent, một công ty công nghệ sinh học sẽ thực hiện giai đoạn đóng gói và phân phối vắc-xin cho Moderna theo hợp đồng.
Tại Catalent, vắc-xin của Moderna sẽ được pha loãng, cho vào lọ, dán nhãn và vận chuyển. Năm ngoái, khi Moderna bắt đầu sản xuất vắc xin COVID-19 trên quy mô thương mại, quá trình này mất tới 19 ngày để hoàn thành. Nhưng giờ đây, tất cả các công đoạn đã được rút ngắn xuống còn 10 ngày.
Để mở rộng quy mô phân phối của mình tới Châu Âu và Châu Á, Moderna đã ký thỏa thuận với nhiều hãng dược phẩm có thể đảm nhận công việc chiết lọ hoặc thậm chí sản xuất cho họ, bao gồm Lonza Group AG, Sanofi, Samsung Biologics, Thermo Fisher Scientific và Laboratorios Farmacéuticos Rovi.
Dự kiến trong năm 2021, Moderna có thể đạt được mục tiêu xuất xưởng 1 tỷ liều vắc-xin COVID-19.
Nhưng ngay cả vậy, sản lượng của Moderna hiện cũng chỉ mới bằng 1/3 liên doanh vắc-xin giữa Pfizer và BioNTech. Giải thích cho sự chênh lệch này, Bancel cho biết Pfizer có "số nhân lực gấp 100 lần" Moderna ở thời điểm bắt đầu đại dịch. Họ cũng đã có sẵn nhiều nhà máy sản xuất quy mô lớn với các trang bị chuyên dụng cho vắc-xin.
Moderna đã phải nỗ lực để tăng gấp đôi số nhân lực của mình từ năm ngoái lên 1.500 nhân viên tất cả. Công việc nhằm đáp ứng kế hoạch sản xuất từ 3-4 tỷ liều vắc-xin COVID-19 trong thời gian tới, khi các mũi tiêm nhắc lại và chế phẩm cho trẻ em dự kiến sẽ được cấp phép.
Nhưng ngoài Pfizer, thị trường vắc-xin COVID-19 vẫn còn nhiều đối thủ cạnh tranh khác, từ AstraZeneca, Johnson & Johnson cho đến Sanofi và Novavax. Đó là còn chưa kể đến các hãng vắc-xin của Trung Quốc như Sinofarm, của Nga như Sputnik và nhiều quốc gia bắt đầu tự chủ được nguồn vắc-xin nội địa của mình.
Nhiều chuyên gia dự đoán, thị trường vắc-xin COVID-19 sẽ sớm tiến đến giai đoạn ở đó cung sẽ vượt cầu. Từ chỗ thiếu vắc-xin, các mũi tiêm sẽ trở nên thừa mứa trên khắp thế giới. Cùng với đó, nếu COVID-19 lắng xuống thành mối đe dọa dễ quản lý hơn trong vài năm tới, doanh số bán vắc-xin có thể sẽ giảm mạnh.
Nhà phân tích Karen Andersen của Morningstar cho biết thị trường này có thể đạt 72 tỷ USD trên toàn thế giới trong năm nay, rồi trượt xuống 65 tỷ USD vào năm 2022, cuối cùng giảm mạnh xuống chỉ còn 8 tỷ USD vào năm 2023.
Mức độ trượt giảm sẽ phụ thuộc vào số lượng người cần các mũi tiêm nhắc lại, tần suất tiêm của nó và liệu Moderna, Pfizer và những hãng vắc-xin khác có thể tăng giá để bù đắp cho một thị trường nhỏ hơn hay không. Khoa học về các mũi tiêm nhắc lại vẫn còn chưa được giải đáp — vẫn chưa rõ tần suất hoặc thậm chí liệu chúng có cần thiết với đa số người dân?
Moderna hiện đang thử nghiệm 3 mũi vắc-xin COVID-19 nhắc lại trong Giai đoạn II, bao gồm một phiên bản liều thấp hơn của vắc-xin hiện có, một mũi tiêm tăng cường được tùy chỉnh dựa trên biến thể beta lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi và một loại thứ ba kết hợp cả hai.
Vắc-xin có thể được tinh chỉnh cho nhiều biến thể COVID-19 hơn trong trường hợp cần thiết. Về cơ bản, vắc-xin mRNA là một công nghệ mô-đun nên sẽ rất đơn giản để tinh chỉnh nó cho các biến thể mới. Bancel nói: "Chúng tôi không cần phải giới thiệu công nghệ mới hoặc quy trình mới bởi nó giống hệt nhau".
Quá trình tạo ra mũi tiêm tăng cường với biển thể beta thậm chí còn nhanh hơn so với virus gốc ban đầu. Công việc thiết kế bắt đầu vào ngày 22 tháng 1, với việc chuyển đổi một số ký tự hóa học trong vắc-xin mRNA ban đầu của Moderna để nó tương ứng với protein gai trong biến thể beta. Quá trình sản xuất bắt đầu chỉ 3 ngày sau đó, và liều thử nghiệm đầu tiên được dùng vào ngày 10 tháng 3 — chỉ 47 ngày sau tất cả, so với 65 ngày đối với vắc-xin ban đầu.
Mặc dù nhu cầu về những mũi tiêm nhắc lại vẫn chưa chắc chắn, nhưng lời khuyên của Bancel là tốt nhất chúng ta nên chuẩn bị trước khi đối mặt với một chủng virus vẫn đang biến thể. Tại một hội nghị nhà đầu tư vào đầu tháng 6, ông ấy đã nhắn nhủ với mọi người rằng "Các quốc gia thông minh đang nói," Tôi thà đi sớm quá hai tháng còn hơn là để trễ hai tháng".
Ngoài COVID-19, hầu hết các vắc-xin của Moderna vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên người. Một ngoại lệ là các mũi tiêm phòng cytomegalovirus của họ đã tiến đến giai đoạn III. Hiện không có vắc xin nào cho loại virus cho nên nếu Moderna một lần nữa thành công, họ lại sẽ mở ra được thêm một thị trường mới trị giá hàng tỷ USD cho mình.
Ngay trong năm nay, công ty cũng có kế hoạch thử nghiệm thêm một loại vắc-xin chống lại virus Epstein-Barr, một mầm bệnh nguy hiểm khác đang gây ra bệnh tăng bạch cầu đơn nhân.
Cúm - rõ ràng là một mục tiêu mà Moderna không thể bỏ qua, nhất là với việc liên minh Pfizer-BioNTech cũng đã dự kiến bắt đầu thử nghiệm vắc-xin mRNA cho bệnh cúm vào cuối năm nay.
Thị trường vắc-xin cúm đặc biệt ở chỗ nó tạo ra một nhu cầu hàng năm và các loại vắc-xin cúm truyền thống hiện tại phải được chốt lịch sản xuất ít nhất 6 tháng trước mùa cúm do chúng mất thời gian để sản xuất. Trong khoảng thời gian đó, virus cúm vẫn kịp biến đổi để làm giảm hiêụ lực hoặc kháng lại vắc-xin.
Các nhà nghiên cứu bây giờ hy vọng vắc-xin mRNA, với thời gian sản xuất được rút ngắn sẽ cho phép đối sánh sát hơn với các chủng cúm đang lưu hành, để có được hiệu quả hơn từ 40% đến 60% so với vắc-xin cúm hiện nay.
Andrew Pekosz, nhà virus học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg cho biết: "Vắc xin mRNA có khả năng sẽ tốt hơn vắc-xin cúm được nuôi trong trứng gà mà chúng ta đang sử dụng". Ông nói thêm rằng thời gian phát triển ngắn hơn có thể "cắt giảm hàng tháng" khỏi quy trình. Nhưng vẫn còn một câu hỏi mở rằng liệu vắc-xin cúm dựa trên mRNA có phải lựa chọn kinh tế hay không nếu chúng đắt hơn và chỉ tốt hơn một chút so với vắc-xin cũ.
Bên cạnh đó, Moderna cũng đang nhắm mục tiêu vào một số loại virus đường hô hấp nguy hiểm và con người chưa có vắc-xin. Chúng bao gồm các loại virus hợp bào hô hấp khiến hơn 225.000 người Mỹ phải nhập viện mỗi năm, chủ yếu là người già và trẻ nhỏ.
Hoge cho biết Moderna còn có thể kết hợp khả năng phòng ngừa hàng chục chủng virus trong chỉ một mũi tiêm duy nhất. Mục tiêu là một loại vắc-xin theo mùa có khả năng "loại bỏ phần lớn các bệnh do virus đường hô hấp mà chúng ta vẫn thường mắc phải", ông nói.
Tony Moody, một bác sĩ tại Viện Vắc-xin Duke, đơn vị cũng đang nghiên cứu vắc-xin cúm dựa trên mRNA đồng ý rằng vắc-xin tích hợp là một giải pháp mang tính kinh tế và là điểm mạnh của công nghệ mRNA. Ông ước tính rằng để sản xuất mỗi mũi tiêm như vậy sẽ chỉ tốn thêm vài đô la, tiết kiệm hơn nhiều so với phát triển hai hay nhiều loại vắc-xin mRNA đơn lẻ cùng lúc.
"Nếu bạn có một mũi tiêm kết hợp đem lại cho bạn một mức độ bảo vệ chống lại nhiều loại virus đường hô hấp, tôi nghĩ rằng sẽ có một thị trường cho nó", Moody nói.
Nhưng để phát triển một mũi vắc-xin tích hợp không hề dễ dàng. Trước tiên, các nhà nghiên cứu vẫn sẽ phải tạo ra được từng loại vắc-xin riêng lẻ và chứng minh chúng an toàn và có hiệu quả. Sau đó, họ mới thực hiện đến các nghiên cứu kết hợp chúng lại và tiếp tục quan sát xem các loại vắc-xin này có ảnh hưởng đến hiệu quả của nhau hoặc dẫn đến các tác dụng phụ phiền toái hay không?
Để hiện thực hóa tầm nhìn của mình, Moderna bây giờ sẽ phải chuyển mình nhanh chóng. Các đối thủ cạnh tranh đang đầu tư mạnh mẽ để bắt kịp họ. Vào cuối tháng 6, Sanofi cho biết họ sẽ chi 475 triệu USD hàng năm cho nghiên cứu mRNA, tập trung vào các loại vắc-xin ổn định với ít tác dụng phụ.
Khi đại dịch COVID-19 qua đi, chắc chắn vắc-xin mRNA sẽ không còn được cấp phép khẩn cấp nữa. Do đó, chúng càng phải trải qua các quy trình kiểm định an toàn chặt chẽ hơn, trong đó những cân nhắc tới tác dụng phụ và sự tiện lợi sẽ trở thành lợi thế mới.
Moderna đang làm việc tích cực để tăng nhiệt độ bảo quản cho vắc-xin của mình, bây giờ đang yêu cầu tủ đông và kho lạnh ở -25°C. Các liều vắc-xin trong tương lai cũng sẽ phải giảm được tỷ lệ mệt mỏi, đau đầu và đau cơ. Đối với các mũi tiêm nhắc lại, Moderna đang thử nghiệm chúng ở liều lượng thấp hơn, điều này có thể hữu ích.
Bên ngoài thị trường vắc-xin, nếu mRNA muốn chinh phục được cả trị trường điều trị y tế, nơi lợi nhuận hứa hẹn sẽ lớn hơn nhiều, trước hết nó sẽ phải vượt qua các rào cản kỹ thuật. Ví dụ, để điều trị bệnh mãn tính, công ty sẽ phải chứng minh rằng họ có thể cung cấp mRNA đến các cơ quan đích một cách an toàn.
Và để phát triển vắc-xin ung thư, các nhà nghiên cứu mRNA sẽ phải giải quyết vấn đề hóc búa là dạy hệ thống miễn dịch phân biệt giữa các tế bào khối u và các tế bào khỏe mạnh. Nhiều cách tiếp cận trước đây đã thất bại.
Tin tốt là khả năng thích ứng của mRNA cũng giúp bạn dễ dàng thử nhiều khả năng hơn. Theo Bancel, trong vòng vài năm tới, Moderna có thể đưa tới 60 loại thuốc và vắc-xin đến thử nghiệm trên người. Nếu nó diễn ra theo cách mà ông ấy hy vọng, mRNA sẽ khiến việc phát triển vắc-xin và thuốc đơn giản như code ra các phần mềm.
"Chúng tôi sử dụng cùng một mã gồm bốn chữ cái cho mọi loại vắc-xin và thuốc. Vì vậy, chúng tôi có thể mở rộng quy mô với số lượng lớn sản phẩm và ở một tốc độ phát triển chưa từng thấy trước đây", Bancel nói.
Tham khảo Bloomberg
Pháp luật và bạn đọc