MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư theo chân Dominic Scriven và những khoản lợi nhuận "trong mơ"

Nếu theo dõi Dragon Capital và chọn cổ phiếu theo chiến lược “theo chân Dominic Scriven” thì nhiều nhà đầu tư đã thu được khoản lợi nhuận trong mơ.

Là quỹ ngoại đầu tiên và lớn nhất hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Dragon Capital (DC) và “ông tây” tóc đuôi ngựa Dominic Scriven – Chủ tịch của quỹ là cái tên nổi tiếng nhiều người biết đến. Trong năm qua, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán chung và “hàng” riêng của Dragon Capital, quỹ này đã ghi nhận mức tăng trưởng tài sản ròng (NAV) là 15%, từ 974 lên 1.116 triệu USD và có lẽ là mức tăng trưởng tốt nhất trong số các quỹ lớn.

Nếu theo dõi DC và chọn cổ phiếu theo chiến lược “theo chân Dominic Scriven” thì nhiều nhà đầu tư đã thu được khoản lợi nhuận đáng mơ ước.

Theo làn sóng “khủng long lên sàn”

Báo cáo cuối tháng 3/2017 của VEIL cho biết, top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao nhất trong tài sản là VNM, MWG, ACB, FPT, MBB, VJC, ACV, GAS, NVL và HPG. Trong đó, khoản đầu tư cũ ACB nắm từ năm 2011, các cổ phiếu còn lại đều được mua từ cuối năm 2016.

VJC, ACV và NVL là những khoản đầu tư nổi bật của DC trong làn sóng “khủng long lên sàn”. VEIL đã bán bớt các cổ phiếu trong danh mục cũ và chuyển sang mua các cổ phiếu sắp IPO và lên sàn như Vietjet Air (VJC), Tổng công ty Cảng hàng không – CTCP (ACV), CTCP Xây lắp điện 1 (PC1) và CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán NVL).

Ngoại trừ PC1 có diễn biến không tích cực khi giảm khá nhiều so với giá chào sàn thì các cổ phiếu còn lại đều chứng tỏ là một khoản đầu tư tốt khi tăng giá mạnh. Tính đến hiện tại, VJC tăng 46% so với giá chào sàn, ACV tăng gấp đôi và NVL tăng 42%.

Ngoài những cổ phiếu đã lên sàn, DC cũng đang nắm những doanh nghiệp đã IPO nhưng chưa lên sàn như VEAM (Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam) và Tổng công ty Tín Nghĩa.

Nếu lật lại lịch sử, thương vụ săn hàng IPO ấn tượng nhất của DC phải kể đến chính là Vinamilk (VNM). Dragon Capital đã mua VNM khi công ty này lần đầu kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư ngoài nhà nước từ hơn 10 năm trước, khi giá trị của công ty đạt khoảng 100 triệu USD. Giờ đây, giá trị vốn hóa của Vinamilk lên tới hơn 9 tỷ USD.

Xoay trục sang cổ phiếu bất động sản

Từ giữa năm 2015, người ta chứng kiến sự thay đổi danh mục của DC khi có xu hướng mua vào và trở thành cổ đông lớn tại nhiều doanh nghiệp chưa có trong danh mục trước đó, đặc biệt là mảng bất động sản, xây dựng.

Đầu tháng 9/2015, theo ước tính của CafeF, nhóm các quỹ đầu tư thuộc D.C như Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) hay Vietnam Growth Fund Limited (VGF) nắm giữ lượng cổ phiếu bất động sản trị giá khoảng 3.000 tỷ đồng, chiếm 1/6 danh mục đầu tư. Các khoản đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực bất động sản có thể kể đến như REE (830 tỷ), Kinh Bắc City, Nhà Khang Điền, BCCI, Vingroup (khoảng 300 tỷ cho mỗi cổ phiếu)…

Đến nay, trong danh mục của DC vẫn đang giữ những cổ phiếu bất động sản như DXG, KBC, KDH, NBB, SJS, VIC, REE, NVL… Trong đó DXG là một trong những cổ phiếu “hot” nhất giai đoạn đầu năm 2017 và vào tháng 3, khi DXG lên đến gần 19.000 đồng thì DC đã bán đi 4,2 triệu cổ phiếu và còn sở hữu 30,3 triệu cổ phiếu tính đến 14/03/2017.

Trong danh mục của DC hiện tại còn có những cổ phiếu “khủng long” như CTD của Coteccons, HPG của Hòa Phát và HSG của Hoa Sen. Một trong những khoản đầu tư mới mẻ của DC từ năm 2016 là Thế giới di động (MWG). DC đã mua MWG khi các quỹ khác, ví dụ như Mekong Capital thoái vốn. Trong năm 2017, DC vẫn tiếp tục mua thêm MWG. Trong 1 năm qua, giá cổ phiếu MWG đã tăng gấp đôi (theo giá điều chỉnh).

Minh Châu

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên