MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là chìa khóa mở cánh cửa thị trường thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam được chia sẻ tại Industry 4.0 Summit

Trong thời gian gần đây, Mobile Money được nhắc đến nhiều với kỳ vọng sẽ mang đến cho người dân ở các vùng nông thôn Việt Nam cơ hội hưởng lợi từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Rào cản truyền thống với thương mại điện tử nông thôn

Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ phổ cập Internet cao trong khu vực và cả thế giới. Tỷ lệ có tài khoản ngân hàng là 45 triệu người. Số người tham gia mua sắm trực tuyến là 39% trong khi 23% người Việt đã thực hiện thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng khá thấp.

Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019 với phiên thảo luận về phát triển thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam, ông Nguyễn Nam Thắng, Phó giám đốc Trung tâm FinTech, Tổng công ty truyền thông VNPT-Media, cho biết VNPT xin cấp phép phổ dụng Mobile Money để khai phá thị trường nông thôn cũng như để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Theo ông Thắng, nhân khẩu học ở Việt Nam vẫn chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, với 40% người làm nông nghiệp và 64,2% dân số sống ở các vùng nông thôn. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam đạt 33 tỷ USD vào năm 2020, chỉ sau Thái Lan với 43 tỷ USD và Indonesia là 100 tỷ USD. Tuy nhiên, đến năm 2030, dân số Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn. Chính vì vậy, đây là khu vực cần được tập trung.

Đây là chìa khóa mở cánh cửa thị trường thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam được chia sẻ tại Industry 4.0 Summit - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên thảo luận về phát triển thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam.

Trong khi đó, doanh thu 8 tỷ USD của thương mại điện tử Việt Nam hiện nay vẫn rất bé, chỉ chiếm 4-5%. Các giao dịch diễn ra chủ yếu tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số đô thị lớn khác với 90%. 55 tỉnh thành còn lại chia sẻ chỉ 10% còn lại. Trong khi thương mại điện tử tập trung vào thành phố, đó sẽ là cuộc chiến về giá.

Tuy nhiên, một thị trường rộng lớn đang bị bỏ ngỏ. Trong tương lai, vùng nông thôn mới là chiến trường của các doanh nghiệp thương mại điện tử. Tăng trưởng và tiềm năng ở khu vực này lớn hơn rất nhiều. Dẫu vậy, những rào cản truyền thống vẫn đang chờ lời giải để có thể thúc đẩy thị trường mua sắm trực tuyến ở nông thôn.

Theo ông Thắng, VNPT đã có một đánh giá về nhu cầu mua và bán hàng trong lĩnh vực thương mại điện tử ở nông thôn. Theo đó, 62% số người truy cập Internet ở nông thôn chưa mua sắm trực tuyến. 90% tỷ lệ người từng mua vẫn tiếp tục mua hàng. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm là phương thức thanh toán và cách thức vận chuyển.

Đối với người bán, 50% người truy cập Internet ở các vùng nông thôn chưa bán hàng qua mạng. 20% số người chưa từng bán mong muốn có thể bán hàng qua mạng. Hàng hóa chủ yếu là đặc sản vùng miền, đồ thủ công mỹ nghệ và sản phẩm chăn nuôi. Khó khăn nổi cộm trong việc kinh doanh này chính là khả năng vận chuyển hàng hóa tới khách hàng.

Nhìn tổng thể, những rào cản chính trong phát triển thương mại điện tử nông thông là thiếu niềm tin, thanh toán dùng tiền mặt và cơ cấu hậu cần, vận chuyển khó khăn. Giải quyết được những vấn đề này sẽ tìm được câu trả lời cho vấn đề thương mại điện tử ở nông thôn và đáp ứng được mục tiêu "không ai bị bỏ lại phía sau" khi Việt Nam tiến lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Lời giải từ Mobile Money

Dẫn câu nói của Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng "một người ở thành phố có thể mua một nải chuối ở vườn cây của một người cụ thể ở bất kỳ thôn bản nào trên toàn quốc, thậm chí ở cây nào trong vườn cây đó", ông Thắng tin rằng chủ chương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho việc phổ cập mảng thanh toán ở nông thôn qua Mobile Money với sự tham gia của các nhà mạng viễn thông.

Đảm trách nhiệm vụ chuyển tiền và thực hiện thanh toán và nhận thanh toán trên nền tảng gi động, Mobile Money sẽ chủ yếu nhắm tới đối tượng chưa từng sử dụng các dịch vụ của ngân hàng. Nhiều người sống ở các vùng nông thôn Việt Nam không đủ điều kiện mở tài khoản ngân hàng hoặc nơi họ sống không có chi nhánh ngân hàng.

Tuy nhiên, Mobile Money phải tạo ra mạng lưới là các điểm giao dịch vật lý. Ở những bản xa xôi nhất, bà con chỉ cần ra đầu bản là có thể nạp tiền vào Mobile Money và thực hiện thanh toán trên đó. Người ta cũng có thể dễ dàng qua đó để rút tiền ra.

Đây là chìa khóa mở cánh cửa thị trường thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam được chia sẻ tại Industry 4.0 Summit - Ảnh 2.

Mobile Money giúp giải những bài toán khó ở Kenya.

Trên thực tế, Mobile Banking hay bị nhầm lẫn với Money Banking. Giải thích cho sự nhầm lẫn này, ông Thằng nhấn mạnh Mobile Money chính là ví điện tử nhưng không cần phải liên kết với tài khoản ngân hàng. Nó sẽ giúp giải bài toán không có tài khoản ngân hàng mà nhiều người dân Việt Nam ở vùng nông thông gặp phải.

Dù còn khiêm tốn nhưng Mobile Money đang có sự bùng nổ mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. 62 dự án Mobile Money có 1 triệu tài khoản đăng ký trong 90 ngày sử dụng. Hiện tại, Mobile Money có giao dịch hàng ngày đạt 1,3 tỷ USD trên phạm vi toàn cầu.

Tại Việt Nam, VNPT tập trung Mobile Money vào đối tượng chính là những người không tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Quy mô của Mobile Money sẽ bao trùm mọi lĩnh vực của đời sống, phủ rộng từ cá nhân tới doanh nghiệp, cá nhân tới chính phủ và ngược lại.

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, Mobile Money có thể giúp mua bán onlone phát triển, giải các bài toán về khoản vay và tài trợ cho người dân ở khu vực không có dịch vụ ngân hàng. Ngoài ra, nó còn được kỳ vọng sẽ mang đến những tác động tích cực đến phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Mobile Money thường được phát triển ở những nước nghèo và Kenya là điểm hình của sự thành công. 200.000 hộ đã thoát khỏi đói nghèo ở Kenya vì sử dụng các dịch vụ tài chính Mobile Money. Bình đẳng giới ở quốc gia này cũng được nâng cao khi 185.000 phụ nữ có khả năng tự chủ về tài chính. Đó cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và là mảnh ghép quan trọng giúp số hóa nền kinh tế.

Riêng với thương mại điện tử, Mobile Money cũng sẽ đóng góp nhiều thành tựu. Năm 2018, giao dịch thương mại điện tử thông qua Mobile Money tăng 79% trên toàn cầu, một con số kỷ lục. Đánh vào những thị trường mới chưa được khai phá, Mobile Money hứa hẹn mở ra đà tăng trưởng mạnh mẽ.

Ngoài ra, niềm tin được gắn liền với các nhà mạng, vốn đã quen thuộc với người dân, giúp giải bài toán khó của thương mại điện tử. Độ phủ của các nhà mạng cũng giúp hoạt động logictic trở nên phổ quát hơn. Nó cũng là chìa khóa để đưa các sản phẩm nông nghiệp có cơ hội tiếp cận thị trường thương mại điện tử nhờ hệ thống điểm bán sâu rộng.

Trong lộ trình triển khai Mobile Money, VNPT đặt mục tiêu có 100.000 điểm bán trên toàn quốc vào năm 2020 nếu Mobile Money được chính phủ cấp phép. Đưa Mobile Money vào thực tế cũng là điều ông Thắng mong muốn ở chính phủ.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên