Đây là điều đang khiến cả Warren Buffett và George Soros phải lo lắng
Hãy nghe 7 tỷ phú cũng là 7 nhà đầu tư nổi tiếng nhận xét về thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện nay. Điểm chung là tất cả đều đang lo lắng chỉ trong vài tháng nữa TTCK Mỹ sẽ bước vào 1 đợt điều chỉnh lớn.
- 11-08-2017Khi những tài sản biến động "điên rồ" nhất lại trở thành hầm tránh bão
- 11-08-2017Thị trường "đỏ lửa", nhà giàu thế giới mất 42,7 tỷ USD do căng thẳng Mỹ - Triều Tiên
- 10-08-2017Khi thị trường "gặp bão", đây là 7 cuốn sách về thị trường tài chính mà nhà đầu tư nên đọc
Kể từ đầu năm đến nay, có 1 điều kỳ lạ đã xảy ra lần đầu tiên kể từ 2007, hơn một nửa các quỹ đầu tư chủ động đã đánh bại các chỉ số của TTCK. Sau cùng thì tài năng của những nhà đầu tư nổi trội với biệt tài chọn lựa ra những cổ phiếu xuất sắc và chọn đúng thời điểm thay vì đầu tư thụ động vẫn là thứ khiến nhiều người ngưỡng mộ và thèm muốn.
Do đó, khi mà những nhà đầu tư tỷ phú trong nhóm này tỏ ra khá lo ngại về sức khỏe của thị trường, đây cũng là 1 điều đáng để lưu tâm.
Jeff Gundlach, đồng sáng lập kiêm CEO của DoubleLine Capital
Tỷ phú này cho rằng những tài sản rủi ro như trái phiếu rác hoặc trái phiếu trên thị trường mới nổi đều đang ở mức định giá quá cao so với giá trị thực. Tại các quỹ của DoubleLine đã thực hiện chiến lược giảm vị thế ở những tài sản này, chuyển hướng sang những tài sản có chất lượng cao hơn và ít nhạy cảm hơn với chuyện lãi suất tăng.
Gundlach nói ông không thể dự báo sự kiện hay diễn biến nào có thể khiến tâm lý của nhà đầu tư thay đổi. Tuy nhiên ông cho rằng thận trọng sẽ tốt hơn là cứ giữ những tài sản rủi ro để rồi lúc thị trường đảo chiều thì đã quá muộn.
“Chờ đến khi chất xúc tác xuất hiện thì sẽ chỉ bán được với giá thấp”, ông nói.
Warren Buffett “không có nơi nào để đi”
Khi bạn nghĩ về những doanh nghiệp có quỹ tiền mặt dồi dào, Apple thường là cái tên xuất hiện đầu tiên chứ không phải là Berkshire Hathaway – tập đoàn nổi tiếng với những vụ thâu tóm đình đám. Thật không may là những thương vụ như vậy hiện không có nhiều, khiến lượng tiền mặt dư thừa của Berkshire đã tăng từ mức dưới 40 tỷ USD trong nửa cuối năm 2013 lên gần 100 tỷ USD tính đến cuối tháng 6 vừa qua.
“Nhà tiên tri xứ Omaha” luôn giữ triết lý mua 1 công ty tuyệt vời ở mức giá dù cao nhưng hợp lý còn hơn là mua 1 công ty bình bình nhưng ở mức giá “tuyệt vời”. Xét theo triết lý này thì rõ ràng lượng tiền mặt khổng lồ của Berkshire cho thấy Buffett không nhìn thấy nhiều cơ hội ở thời điểm hiện tại.
George Soros đặt cược lớn vào “thị trường con gấu”
Gần đây, thiên tài bán khống George Soros đã bán cổ phiếu và mua vàng với dự báo thị trường sẽ giảm điểm mạnh. Phải thừa nhận rằng ông trùm này đã thiệt hại không nhỏ khi cảnh báo thị trường sẽ lao dốc sau khi Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, thành tích của Soros cho thấy lắng nghe lời cảnh báo của ông là điều nên làm, đặc biệt khi mà nhiều nhà đầu tư nổi tiếng khác cũng có chung quan điểm.
Carl Icahn cũng cảnh báo giá cổ phiếu quá cao
Trong mấy năm gần đây, ông trùm quỹ đầu cơ nổi tiếng Carl Icahn thường xuyên đưa ra những nhận định lạc quan về thị trường, trong đó có vụ thắng lớn khi đặt cược vào Herbalife dù cổ phiếu này bị Bill Ackman tấn công và phải chịu rất nhiều áp lực.
Tuy nhiên, lần này ông cho rằng không có nhiều cơ hội trên thị trường bởi giá cổ phiếu đã tăng quá mạnh.
Howard Marks cảnh báo về “thị trường tăng giá đi quá giới hạn”
Trong báo cáo gửi nhà đầu tư cuối tháng 7, ông chủ của Oaktree Capital đã cảnh báo nhà đầu tư về khả năng thị trường điều chỉnh mạnh. Báo cáo chứa nhiều thông tin về quá trình hình thành bong bóng, chu kỳ trên thị trường và tầm quan trọng của việc cẩn trọng. Tuy nhiên, tóm gọn lại thì Marks cảnh báo những nhà đầu tư “manh động” đang “tham gia vào những cú đặt cược đầy may rủi, tài trợ cho những thương vụ rủi ro và khiến thị trường rất mong manh”. Tất cả đều là những dấu hiệu báo hiệu những đợt xuống giá mạnh trong quá khứ.
David Tepper bật “chế độ bảo vệ”
Ông trùm quỹ đầu cơ đứng sau Appaloosa Management không nghiêng hẳn về bên bán, nhưng giọng điệu của ông đã ít lạc quan hơn nhiều so với cách đây chỉ vài tháng. Thậm chí Tepper khuyên những nhà đầu tư “nhát gan” nên giữ nhiều tiền mặt nếu như họ không thích mức giá quá cao trên phố Wall ở thời điểm hiện tại.
Ông đặc biệt lo lắng về sự can thiệp của các NHTW vào nền kinh tế trong mấy năm gần đây, khiến thị trường trái phiếu trở nên méo mó đồng thời khiến giá cổ phiếu tăng trưởng không bền vững.
Paul Singer cảnh báo về 1 cuộc khủng hoảng ETF
Bản thân tỷ phú Paul Singer của quỹ đầu cơ Elliott Management vẫn có hiềm khích với các quỹ ETF nói riêng và loại hình quỹ đầu tư bị động nói chung. Tuy nhiên, lời cảnh báo mới được Singer đưa ra trên CNBC rằng các quỹ bị động sẽ tạo ra xu hướng linh hoạt, dẫn đến hiện tượng bán tháo trên quy mô lớn là khá hợp lý.
“Có nghĩa là đến 1 điểm nào đó sẽ không có ai đứng ra ổn định thị trường, công việc thường là của các quỹ chủ động”. Nói cách khác, nếu như tâm lý của tất cả thị trường diễn biến theo hướng tiêu cực, hậu quả sẽ rất trầm trọng vì chẳng có ai đi tìm những món hời và cũng không có những lý lẽ của phân tích cơ bản để giúp giảm bớt thiệt hại.