MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là những con số ám ảnh Thủ tướng Anh và các nhà đàm phán Brexit

30-03-2017 - 12:40 PM | Tài chính quốc tế

Một vấn đề khiến vị nữ Thủ tướng Anh phải đau đầu là dường như các cử tri có những mục tiêu đầy mâu thuẫn. Họ muốn tiếp nhận ít người nhập cư hơn nhưng lại muốn duy trì những lợi thế mà vị trí thành viên của EU mang lại.

Hôm qua (29/3), Thủ tướng Anh Theresa May đã chính thức kích hoạt điều 50 khởi động quá trình đàm phán rời khỏi Liên minh châu Âu. Có quá nhiều sự lựa chọn quá khó khăn đang chờ đón bà May cũng như các lãnh đạo châu Âu trên bàn đàm phán. Anh sẵn sàng chi trả bao nhiêu để dàn xếp? Theo các cử tri Anh thì bao nhiêu người nhập cư là đủ? Quan hệ thương mại giữa Anh và EU sẽ như thế nào sau khi ra đi? Liệu kinh tế Anh có thể tiếp tục tăng trưởng?

Nhanh nhất thì hành trình Brexit sẽ phải mất 2 năm để kết thúc. Và dưới đây là những chỉ số chính mà Anh và các nhà đàm phán của EU sẽ phải để mắt tới.

Người nhập cư

Bà May coi kết quả bỏ phiếu gây chấn động mùa hè năm ngoái chính là một lời kêu gọi đối phó với làn sóng nhập cư gây cho châu Âu không ít phiền toái. Anh là điểm đến được ưa chuộng thứ hai trong khu vực (sau Đức), và bà May đang phát đi tín hiệu về những giới hạn mới.

Tuy nhiên, với 2,2 triệu người châu Âu đang làm việc ở các nước thuộc EU, nhiều công ty viễn thông, ngân hàng cũng như người nông dân Anh đang cảnh báo Chính phủ không nên quá khắt khe với nguồn lao động nhập cư có nhiều ý nghĩa đối với họ.

Thương mại

Chọn rời khỏi EU đồng nghĩa Anh đang “liều mạng” vứt bỏ khả năng tiếp cận thị trường lớn nhất của mình (châu Âu tiêu thụ tới 45% hàng hóa mà nước này xuất khẩu). EU biết rằng họ có lợi thế trên mặt trận này, mặc dù các công ty của EU dựa vào người tiêu dùng Anh cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Nếu Anh rời EU mà không có thỏa thuận thương mại, các nhà xuất khẩu của nước này sẽ phải chịu mức thuế theo quy định của WTO sau nhiều năm được miễn thuế.


Mức thuế WTO áp lên các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Anh.

Mức thuế WTO áp lên các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Anh.

Đóng góp cho ngân sách EU

Sự ra đi của Anh sẽ để lại một khoảng trống khá lớn trong ngân sách của EU, trừ khi Anh đồng ý trả tiền để đổi lấy một vài lợi ích. Anh là nước đóng góp nhiều thứ hai cho ngân sách EU, và EU sẽ phải lấp đầy khoảng trống này bằng cách cắt giảm chi tiêu – một lựa chọn không hề dễ dàng.

Ngân sách của EU được phân bổ theo các kế hoạch dài hạn, nghĩa là các nước thành viên sẽ không phải đóng góp ở ngay thời điểm cam kết. Do đó Anh đối mặt với nguy cơ vẫn phải trả tiền cho những cam kết đã đưa ra trong quá khứ.


12 nước này đóng góp cho ngân sách EU nhiều hơn so với những gì họ nhận lại trong năm 2015.

12 nước này đóng góp cho ngân sách EU nhiều hơn so với những gì họ nhận lại trong năm 2015.

Nhìn về tương lai

Theo tính toán sơ bộ, “hóa đơn” rời EU của Anh có thể nằm trong khoảng từ 24,5 đến 72,8 tỷ euro. Các quan chức EU nói rằng Anh phải dàn xếp số tiền trước khi các cuộc đàm phán có thể biến thành thỏa thuận thương mại. Nhưng Chính phủ của bà May tỏ ra hoài nghi về những con số.

Một vấn đề khiến vị nữ Thủ tướng Anh phải đau đầu là dường như các cử tri có những mục tiêu đầy mâu thuẫn. Họ muốn tiếp nhận ít người nhập cư hơn nhưng lại muốn duy trì những lợi thế mà vị trí thành viên của EU mang lại.

Giờ là lúc Anh và EU ngồi phân tích số liệu để tìm ra lợi thế trước đối thủ hoặc đảm bảo có được thỏa thuận tốt nhất có thể cho cả hai bên. Sự việc phụ thuộc rất lớn vào tài đàm phán của bà May và quyết tâm “răn đe” các nước còn lại muốn nối gót Anh.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên