MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là "ông vua không ngai vàng" của chứng khoán Trung Quốc

15-04-2016 - 19:00 PM | Tài chính quốc tế

Trong giới tài chính Trung Quốc, tổ chức này được gọi là “vua” - một công ty đầu tư quốc doanh khổng lồ có quyền lực thao túng thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới.

Chiến lược giao dịch bí mật của tổ chức này thường là chủ đề bàn tán sôi nổi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Năm ngoái, tổ chức này được chính phủ Trung Quốc bơm hơn 480 tỷ USD để giải cứu thị trường. Giờ đây, nhờ thông tin từ các báo cáo tài chính thường niên của hàng trăm công ty Trung Quốc, bức tranh về “vị vua không ngai” - Tập đoàn Tài chính Chứng khoán Trung Quốc (CSF) - đã được hé lộ.

Các báo cáo cho thấy danh hiệu “vua” của CSF không phài là lời nói quá. Tổ chức này thuộc top 10 cổ đông đứng đầu của hơn 600 công ty, bao gồm đa số các công ty quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc. Những cổ phiếu ưa thích của CSF là các doanh nghiệp nhà nước và công ty tiêu dùng đang thống trị các chỉ số tham chiếu. Cổ phiếu của các công ty nhỏ hiếm khi được CSF ngó ngàng đến. Đây là một nhà đầu tư nguyên tắc, chỉ nhắm đến những công ty có tỷ suất lợi nhuận trên mức trung bình của thị trường và giới hạn cổ phần nắm giữ của bất cứ công ty nào ở mức 3%.

Giải cứu thị trường

Xét đến quyền lực của CSF, biết được cổ phiếu nào tổ chức này ưa chuộng luôn là khát khao lớn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trong khi đó, các nhà đầu tư giá xuống luôn tìm cách tránh đi ngược hướng với tổ chức này. CSF còn là cánh tay phải của chính phủ trong việc chống đỡ giá cổ phiếu sau khi thị trường chứng khoán bốc hơi 5.000 tỷ USD trong năm ngoái. Chỉ số Shanghai Composite đã phục hồi 16% từ mức thấp kỷ lục trong tháng 1, nhờ động thái mua vào của CSF và niềm tin về tăng trưởng kinh tế được củng cố.

“Nhà đầu tư luôn theo dõi sát sao các động thái của CSF và tìm cách dự đoán thời điểm và loại cổ phiếu tổ chức này mua hoặc bán”, Ronald Wan, CEO của Partners Capital International nói. “Quỹ đầu tư nhà nước này có hai nhiệm vụ chính là: hỗ trợ thị trường và kiếm lời”.

Không ngạc nhiên khi những cổ phần lớn nhất mà CSF nắm giữ là ở các công ty tài chính. Ảnh hưởng lớn của những công ty này đối với các chỉ số tham chiếu khiến chúng là đối tượng chính trong chiến dịch giải cứu thị trường của chính phủ. Các ngân hàng như Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc chiếm 8 trên 10 cổ phần lớn nhất mà CSF nắm giữ tính đến cuối tháng 12 năm ngoái.

Chiến lược đầu tư

Hơn 80% trong số 100 cổ phần lớn nhất mà CSF nắm giữ thuộc về các doanh nghiệp nhà nước. Tổ chức này cũng ưa chuộng các công ty tiêu dùng, chiếm gần một nửa trong số 29% số cổ phần mua bổ sung trong quý bốn năm ngoái. CSF nắm giữ 2,6% cổ phần của công ty sản xuất rượu Kweichow Moutai và 3,1% cổ phần của Tập đoàn Công nghiệp Inner Mongolia Yili, một trong những nhà sản xuất bơ sữa lớn nhất Trung Quốc.

Mặc dù CSF vẫn giữ im lặng về chiến lược của mình, ban lãnh đạo của tổ chức này có xu hướng tập trung vào hoạt động tài chính của các công ty họ đầu tư. 100 công ty đứng đầu số cổ phần CSF nắm giữ, chiếm hơn 70% giá trị danh mục đầu tư, có tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình là 15%, cao gấp đôi thị trường.

Giá trị công ty cũng là một yếu tố quan trọng. CSF không xuất hiện trong top 10 của chỉ số ChiNext. Chỉ số là này thước đo của các công ty vốn hóa nhỏ. có hệ số giá trên lợi nhuận cổ phiếu (P/E) cao gấp bốn lần chỉ số Shanghai Composite.

Chuyển nhượng cổ phiếu

Các thông tin khác về CSF cũng được truyền thông Trung Quốc hé lộ. Tổ chức này, ban đầu được thành lập để cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán và giao dịch ký quỹ cho các nhà môi giới, đã tăng gấp đôi doanh thu và lợi nhuận trong năm 2015.

CSF đã chuyển nhượng nhiều cổ phiếu của mình cho các cơ quan nhà nước khác dưới dạng trả nợ từng phần. Điều này giải thích tại sao tài sản của tổ chức này trong báo cáo tài chính gần nhất đã giảm 65 tỷ nhân dân tệ xuống 550 tỷ nhân dân tệ vào quý bốn năm ngoái. Con số này chưa phản ảnh được quy mô thực sự của danh mục đầu tư vì nó chưa bao gồm cổ phần ở các công ty mà CSF nắm giữ nhưng không thuộc top 10 các cổ đông lớn nhất

Giới hạn cổ phần

Đầu tư vào các cổ phiếu ưa thích của CSF không phải lúc nào cũng có kết quả. Chẳng hạn, cổ phiếu của các ngân hàng Trung Quốc, chỉ tăng trung bình 0,7% trong ba tháng qua, thấp hơn chỉ số Shanghai Composite hơn 3%. Trong khi đó chỉ số ChiNext đã tăng 11% bất chấp việc CSF không quan tâm đến các công ty vốn hóa nhỏ thuộc chỉ số này.

Một phát hiện quan trọng khác từ các báo cáo tài chính là mức giới hạn cổ phần mà CSF đang áp dụng. CSF không nắm giữ số cổ phần lớn hơn 3,03% ở bất cứ công ty nào. Cổ phần của ít nhất 115 công ty do CSF nắm giữ hiện đang ở dưới mức này. Đối với các nhà đầu tư tìm cách ăn theo chiến lược của CSF, cổ phiếu của những công ty đã có 3% cổ phần được CSF nắm giữ sẽ không hấp dẫn bằng các công ty chưa được CSF để mắt tới.

Long Nam

Bloomberg

Trở lên trên