Đây là yếu tố có thể giúp GDP Việt Nam mỗi năm tăng 1,1%
"Chuyển đổi số sẽ đem lại khoảng 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm cho Việt Nam đến năm 2045", bà Lucy Cameron, Tư vấn nghiên cứu cao cấp của CSIRO cho biết tại Diễn đàn Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, sáng 15/5.
- 15-05-2019Nikkei: Các công ty Hàn Quốc đang muốn "thân thiết" hơn với Việt Nam thay vì Trung Quốc
- 15-05-2019Thương chiến Mỹ - Trung leo thang: Doanh nghiệp Việt lo bị vạ lây
- 15-05-2019Ông Trump đánh thuế Trung Quốc: Tỉ phú ‘chạy’ vào Việt Nam
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Lucy Cameron, đại diện cho CSIRO đưa ra 4 kịch bản lớn trong ứng dụng chuyển đổi số giúp Việt Nam đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế trong tương lai, gồm: xuất khẩu số với mức tác động đến tăng trưởng GDP hằng năm 0,45%, kịch bản tiêu dùng số với mức 0,63%, kịch bản truyền thống là 0,38% và kịch bản chuyển đổi số (1,1%).
Điều này có nghĩa là kịch bản tốt nhất cho Việt Nam là chuyển đổi số với mức tăng trưởng có thể đạt đến 1,1% mỗi năm.
Bà Lucy cũng nhận định, tăng trưởng của Việt Nam khá nhanh và toàn diện, có nền tảng phù hợp để chuyển đối số.
Ông Kym Dongwha, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc nhấn mạnh thông điệp: Khi xác định được định hướng thì phải đi tới tận cùng và các nước cần có viện nghiên cứu hùng mạnh để hiện thực hoá công nghệ.
Viện nghiên cứu công nghiệp sẽ là nhà cung cấp giải pháp công nghệ và sản xuất, là công cụ cho quan hệ đối tác công-tư (PPP). Đồng thời, Viện cũng là công cụ đàm phán để nhập khẩu công nghệ và là nguồn đào tạo nhân lực công nghệ cho nước nhà.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia World Bank cho rằng, Việt Nam đang xếp ngang hàng về tỉ lệ sử dụng mobile và Internet so với nhiều nước. Đây là cơ sở để phát triển hạ tầng kỹ thuật số.
Theo ông, Việt Nam cần cơ cấu lại các viện nghiên cứu, giảm số lượng nhưng tăng quy mô, chất lượng.
Mặt khác, ông cũng lưu ý về việc đào tạo nhân lực cũng cần được chú trọng do Việt Nam còn thiếu lực lượng lao động lành nghề, tỉ lệ lao động 15 tuổi trở lên có bằng cấp chỉ tăng nhẹ đến năm 2020. Chất lượng lực lượng lao động hiện đang tụt hậu so với các nước.
"45% doanh nghiệp Việt xác định kỹ năng là trở ngại song chỉ có 30% doanh nghiệp tại nước ngoài có lo ngại tương tự", ông Ousmane Dione cho hay.
Còn với bà Deepali Khanna, Giám đốc quản lý khu vực châu Á, quỹ Rockefeller, Việt Nam cần tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thực sự hiệu quả, cần có môi trường tạo sự đổi mới trên quy mô cả nước.
"Tôi nhận thấy người Ấn Độ quê hương tôi và Việt Nam đều lo sợ thất bại. Nhưng với đổi mới sáng tạo cần vượt qua nỗi sợ hãi đó, cần tự tin hơn, thất bại là chấp nhận được và giúp chúng ta sẽ đưa ra những quyết định sáng suốt hơn", bà nói.