ĐBQH "hiến kế" hạ nhiệt giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát
Chính sách kiềm chế giá nhiên liệu đầu vào phải tiếp tục được áp dụng về lâu dài, trong đó cần tính toán để giảm một số khoản thuế, phí trong giá thành xăng dầu để giảm nguy cơ lạm phát do tác động từ bên ngoài.
- 01-06-2022Bình Định cần hơn 7.473 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam
- 01-06-2022Đà Nẵng gỡ nút thắt về quỹ đất, ngóng dự án tầm cỡ khu vực
- 01-06-2022Hơn 20 năm để trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, bao nhiêu năm nữa để Việt Nam có mức thu nhập cao với mức tăng trưởng trên 5%?
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, ngày 1/6, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.
Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu rõ, giá một số mặt hàng phục vụ sản xuất, chỉ số giá tiêu dùng gia tăng liên tục ở nhiều lĩnh vực đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Đặc biệt, giá vật liệu đầu vào của sản xuất nông nghiệp, nhất là phân bón, giá xăng dầu và nguyên vật liệu đầu vào của hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều tăng làm ảnh hưởng đến triển khai nhiều công trình lớn, ảnh hưởng đến hoạt động nhiều doanh nghiệp. Đề nghị Chính phủ có giải pháp điều chỉnh giá để đẩy mạnh phát triển sản xuất, khôi phục nền kinh tế sau đại dịch góp phần nâng cao mức sống của người dân.
Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn ĐBQH TP.HCM thẳng thắn chỉ ra giá cả hàng hóa làm tăng tín hiệu lạm phát đang rõ nét. Mặc dù 4 tháng đầu năm chỉ số CPI chỉ tăng 2,1%, tuy nhiên, xu hướng từ nay tới cuối năm tình hình giá cả nhiều mặt hàng, trong đó có nhóm mặt hàng tiêu dùng sản xuất nguyên vật liệu, năng lượng có thể tăng cao hơn. Theo tính toán, giá nhiên liệu cứ tăng 1%, cộng với chi phí nguyên vật liệu sẽ khiến giá sản phẩm đầu ra tăng 2,6 %, làm ảnh hưởng tới giá thành sản xuất, giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời tạo áp lực đến chi phí sinh hoạt của người dân.
Do đó, đại biểu Trần Anh Tuấn đề xuất cần có chính sách ổn định giá cả trong thời gian tới, chính sách nên được thiết kế theo hướng giảm tối đa chi phí trung gian cho nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính sách tài khóa nên tiếp tục xem xét miễn, giảm, giãn thuế, đặc biệt cần xem xét, giảm thêm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất, kể cả một số mặt hàng tiêu dùng mà nguồn cung trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng vì nền kinh tế nước ta có độ mở khá cao.
“Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gần như gấp đôi GDP nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự biến động giá cả của các mặt hàng trên thế giới. Chính vì vậy, chính phủ cần tập trung giải pháp ổn định giá cả từ khâu đầu vào sản xuất, lưu thông, ổn định lãi suất trong chính sách tiền tệ; giảm tối đa các hoạt động lạm phát sinh chi phí trung gian trong nền kinh tế là các giải pháp cần tập trung ổn định sản xuất, như vậy mới khuyến khích tiêu dùng và ổn định đời sống cho người lao động”, ông Trần Anh Tuấn đề xuất.
Bày tỏ sự nhất trí và đánh giá cao với báo cáo của Chính phủ, báo cáo của các Ủy ban của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, những tháng đầu năm hay 2002, song đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, Chính phủ cũng như chính quyền các địa phương cần tập trung tăng cường kiểm soát giá các mặt hàng nhu yếu phẩm, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng đẩy giá lên cao bất hợp lý, đồng thời kiểm soát hạ giá các dịch vụ công như xăng dầu, điện nước, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ tác động không nhỏ tới tình hình lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới.
Do đó, chính sách kiềm chế giá nhiên liệu đầu vào phải tiếp tục được áp dụng về lâu dài. Cần tính toán để giảm một số khoản thuế, phí trong giá thành xăng dầu để giảm nguy cơ lạm phát do tác động từ bên ngoài. Khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp giảm phụ thuộc nhập khẩu, chủ động hơn về nguyên liệu đầu vào; hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, các gói tín dụng cũng như cam kết duy trì ổn định đầu ra. Cùng với đó, cần nêu cao trách nhiệm để doanh nghiệp tham gia bình ổn giá, như vậy việc kiểm soát lạm phát mới hiệu quả trong bối cảnh bất ổn như hiện nay.
Kiến nghị một số giải pháp giảm giá hàng hóa tiêu dùng, kiểm soát lạm phát, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP.HCM đề nghị Chính phủ cần xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ, từ ngắn hạn trung hạn và dài hạn thích ứng với 2 kịch bản tăng trưởng. Trong đó, lưu ý đến hai biến số quan trọng đó là giá xăng dầu và giá lương thực.
Cụ thể, Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó mặt hàng quan trọng nhất là mặt hàng xăng dầu, vì để giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến hiện tượng domino tăng giá các mặt hàng hóa khác. Đồng thời hỗ trợ giảm các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giữ giá bán hàng hóa. Tăng cường công tác thanh kiểm tra, kiểm soát giá chống đầu cơ, chống các hành vi “té nước theo mưa” và khuyến nghị các chương trình bình ổn giá tại các địa phương tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
VOV