MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐBQH: Hợp đồng PPP là lời ăn lỗ chịu, đặt bút ký đồng nghĩa với chấp thuận rủi ro

Chia sẻ về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai đoàn Hà Nội dành nhiều thời gian để nói về quy định chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư PPP được quy định trong dự thảo luật.

Bày tỏ những băng khoăn về quy định chia sẻ rủi ro, bà Mai cho rằng khi nói đến PPP là nói đến hợp đồng, sự tự nguyện, cơ chế thỏa thuận giữa nhà nước với chủ đầu tư, lời ăn lỗ chịu theo nguyên tắc thị trường.

"Trước khi ký kết hợp đồng, nhà đầu tư đủ thông minh để hình dung 2 yếu tố lợi nhuận và rủi ro. Lợi nhuận càng lớn thì rủi ro càng cao. Khi ký hợp đồng thì đồng nghĩa với chấp nhận rủi ro", bà Mai nhấn mạnh.

Bà Mai cũng bày tỏ quan điểm xung quanh việc dự án luật cho phép nhà đầu tư tăng giá, phí dịch vụ, kéo dài thời gian thu phí. Đây là những điều ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích người dân.

"Ở đây, chủ thể phải trả không phải nhà nước mà là người dân. Khi đưa quy định vào dự thảo luật, cần tính đến phản ứng người dân đã diễn ra ở các trạm thu phí cũng như dự luận chưa tốt về một số dự án BOT thời gian vừa qua", bà Mai cho biết.

Việc nhà nước chia sẻ tối đa 50% rủi ro với dự án, theo bà Mai, cũng cần được làm rõ. Cụ thể, việc chia sẻ này được tiến hành dưới hình thức nào, nguồn lấy từ đâu để chia sẻ rủi ro. Trong trường hợp nó tác động đến nợ công thì sẽ xử lý như thế nào. Đây chính là những câu hỏi mà đại biểu Mai cho rằng chưa có câu trả lời trong dự án luật.

Ngoài ra, vị đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cũng cho rằng dự án luật chưa đưa ra những căn cứ, tiêu chí để xác định mức độ rủi ro, chưa quy định cơ quan nào có trách nhiệm xác định rủi ro. "Hiện nay, theo dự án luật, Kiểm toán nhà nước chỉ kiểm soát vốn đầu tư công mà không phải toàn bộ dự án. Quy định này tạo ra bất cập vì không thể xác định toàn bộ rủi ro của dự án nếu chỉ kiểm toán 1 phần", bà Mai cho biết.

Theo bà Mai, Bộ Tài chính được giao thẩm định cơ chế áp dụng thì Bộ Tài chính có phải cơ quan chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực trong việc xác định thực chất rủi ro hay không? Điều này chưa được làm rõ.

Liên quan đến thẩm quyền, dự thảo quy định Chính phủ có thẩm quyền quyết định áp dụng cơ chế rủi ro. Tuy nhiên, với chi trả lớn, liên quan trực tiếp tới dự toán ngân sách hàng năm, ngân sách trung hạn, an toàn nợ công thì thẩm quyền không phải của Chính phủ. Điều này dự thảo luật chưa quy định, bà Mai cho biết.

"Dự thảo luận đưa ra quy định nghe có vẻ rất hợp lý là trong trường hợp có lợi nhuận tăng thêm thì nhà đầu tư chia sẻ với nhà nước. Tuy nhiên, 22 năm qua, từ khi áp dụng PPP tới nay, chưa nhà đầu tư nào áp dụng chia sẻ lợi nhuận với nhà nước trong khi Nhà nước vẫn trả khoản lỗ cho một số dự án BOT. Đây là điều cần xem xét, cân nhắc", bà Mai cho biết.

Vị ĐBQH đoàn Hà Nội cũng nhấn mạnh ngay từ thời điểm thương thảo hợp đồng, để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, cần tính toán để đưa ra lợi nhuận hợp lý. Nhà nước chỉ bồi thường trong việc thay đổi cơ chế chính sách mà có ảnh hưởng tới quyền lợi của nhà đầu tư.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng đề cập đến những điểm cần hoàn chỉnh trong dự thảo luật. Cụ thể, Dự thảo luật chưa thống nhất với luật ngân sách nhà nước về cơ chế thanh quyết toàn phần vốn nhà nước; chưa thống nhất với Luật Đầu tư công với dự án trên 10.000 tỷ; chưa thống nhất với bộ luật Hình sự về thống nhất đối tượng chịu trách nhiệm hình sự; Chưa thống nhất với luật phòng chống tham nhũng về thanh tra, kiểm tra; chưa thống nhất với Luật Đầu tư về cơ chế giải quyết tranh chấp.

"Dự thảo luật thiếu vắng quy định trách nhiệm của người quyết định chủ trương đầu tư; hội đồng thẩm định nhà nước; cơ quan thương thảo hợp đồng trong trường hợp đưa ra điều khoản gây thiệt hại cho nhà nước, người dân", bà Mai cho biết.

Nói về tính khả thi, bà Mai đề nghị quân nhắc quy định cân đối 30% ngoại tệ cho dự án; áp dụng PPP trong những dự án liên quan trực tiếp tới quốc phòng an ninh; rà soát toàn bộ quy chế đấu thầu để tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng; lựa chọn nhà thầu chính sách đủ tiêu chuẩn.

"Ban hành đạo luật huy động nguồn lực người dân là hết sức cần thiết. Nhà đầu tư chân chính cần môi trường cạnh tranh lành mạnh, giảm chi phí không chính thức. Điều người dân cần là giảm gánh nặng thuế, phí, giá; Nhà nước cần giảm gánh nặng ngân sách hạn hẹp hiện nay. Chỉ khi nào đạt mục tiêu thì mới yên tâm bấm nút thông qua", bà Mai cho biết.

Đề cập tới phần chia sẻ rủi ro trong báo cáo giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng đây là vấn đề mới, khó, được nhiều đại biểu quốc hội cũng như nhà đầu tư và cử tri quan tâm.

"Dự án công là trách nhiệm nhà nước. Nhà đầu tư bỏ tiền ra làm sau đó giao lại cho nhà nước nên cần cơ chế chia sẻ rủi ro. Đây không phải cơ chế bảo lãnh. Theo chúng tôi hiểu, mục tiêu của nhà đầu tư là kinh doanh để lấy lợi nhuận chứ không phải chờ thua lỗ để lấy hỗ trợ của nhà nước. Tuy nhiên, việc chia sẻ rủi ro này không áp dụng tràn làn. Khi không giải quyết được bằng các phương án khác mới áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên