MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền: Hạn chế dùng tiền mặt góp phần ngăn ngừa tham nhũng

02-11-2018 - 08:11 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo đại biểu, khi sử dụng thanh toán bằng tiền mặt việc hối lộ, lót tay, tham nhũng vặt dễ xuất hiện.

Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được thảo luận và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Ngay sau kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tư pháp phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV bản dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) mới nhất tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội. Mặc dù hiện nay hầu hết các nội dung chủ đạo trong dự thảo Luật đã được cơ bản thống nhất. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm như: xử lý tài sản, thu nhập không chứng minh được nguồn gốc; thực trạng các doanh nghiệp sân sau tiếp tay cho tham nhũng; thu hồi tài sản tham nhũng;…

Bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng, nên thúc đẩy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt để tránh những hành vi hối lộ góp phần ngăn ngừa tham nhũng.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền: Hạn chế dùng tiền mặt góp phần ngăn ngừa tham nhũng  - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An


Phóng viên: Thưa đại biểu, phòng chống tham nhũng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Vậy, đại biểu đánh giá như thế nào về việc thực hiện công tác phòng chống tham nhũng hiện nay của Chính phủ?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: Trong thời gian vừa qua, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, công tác phòng chống tham nhũng đã được tăng cường và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Chúng ta đã xây dựng được hành lang pháp lý, các văn bản quy định chế độ, tiêu chuẩn đến các chế tài để xử lý đối với hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó, đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân, cán bộ công chức, viên chức trong việc phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, chúng ta đã có bộ máy chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ này và các biện pháp phòng ngừa đã được triển khai rất mạnh mẽ; công tác tổ chức thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý vi phạm được thực hiện khá hiệu quả. Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian vừa qua đã được cử tri và nhân dân cả nước hết sức ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, phòng chống, tham nhũng là vấn đề lớn, vấn đề khó khăn và phức tạp. Vẫn còn những tồn tại cần phải tiếp tục quan tâm giải quyết như: công tác tuyên truyền chưa thực sự thay đổi căn bản nhận thức, hành động của cán bộ đảng viên và nhân dân. Có thể nói một số quy định về việc phòng ngừa đã lạc hậu, chậm được sửa đổi, bổ sung; trong quy định còn nhiều lỗ hổng dễ bị lợi dụng dễ tạo ra tham nhũng; tồn tại tình trạng lợi ích nhóm, sân sau; trong quá trình xử lý, thu hồi tài sản chưa được hiệu quả. Đây là những tồn tại cần khắc phục triệt để trong thời gian tới.

Phóng viên: Trong dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), nhiều ý kiến góp ý cho rằng, cần phải có những quy định chi tiết đối với những doanh nghiệp cung cấp, mua bán, cung cấp dịch vụ liên quan đến tài sản công để phòng chống tham nhũng. Vậy quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: Chúng ta thấy rằng, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước dã có ảnh hưởng bất lợi đến hoạt dộng sản xuất kinh doanh và hoạt động của cơ quan nhà nước. Đây là 1 thực tế và mối quan hệ này giữa công và tư khá khăng khít và có thể nói là bình thông nhau. Vì vậy, trong Bộ Luật Hình sự cũng đã có quy định để xử lý việc tham nhũng khu vực ngoài nhà nước. Bên cạnh đó, các quy định khác trong vấn đề đầu tư, khai thác khoáng sản, vấn đề kinh doanh,… cũng đã có quy định vấn đề này. Tôi nghĩ rằng, việc quy định để hạn chế việc tham nhũng khu vực tư ảnh hưởng đến khu vực nhà nước, khu vực công liên quan đến quá trình mua sắm, xử lý tài sản công như đấu thầu, mua bán tài sản công,… là quy định rất cần thiết. Tuy nhiên, trong dự thảo luật lần này đây là vấn đề mới thì chỉ quy định trong phạm vi đối với các công ty có tính chất liên quan. Đây là biện pháp từng bước để chúng ta xử lý tốt việc phòng chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước.

Phóng viên: Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng khá phổ biến trên thế giới. Theo quan điểm của đại biểu, hạn chế thanh toán tiền mặt có góp phần giải quyết triệt để hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng hay không?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: Xu thế thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế chung của thế giới. Việt Nam đang đi sau và chậm hơn theo báo cáo của cơ quan chức năng. Tôi nghĩ rằng, thanh toán không dùng tiền mặt thì có điều kiện giúp chúng ta kiểm soát được thu nhập, kiểm soát được dòng tiền trên địa bàn cả nước. Lâu nay, chúng ta vẫn chưa làm tốt vấn đề kiểm soát dòng tiền cho nên dễ phát sinh tham nhũng. Thực tế, khi sử dụng thanh toán bằng tiền mặt việc hối lộ, lót tay, tham nhũng vặt dễ xuất hiện. Do đó, theo tôi nên cố gắng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và đây cũng là 1 biện pháp hữu hiệu trong ngăn ngừa hiện tượng tham nhũng đang xảy ra.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Theo Lê Anh

Cổng thông tin điện tử Quốc hội

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên