Để tiền không kỳ hạn trong tài khoản ngân hàng nào có lợi nhất?
Mức lãi suất mà các ngân hàng áp dụng cho tiền gửi thanh toán hiện nay phổ biến từ 0,3-0,5%/năm. Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều ngân hàng niêm yết ở mức trần quy định của NHNN.
Tiền gửi không kỳ hạn (KKH), tiền gửi thanh toán là hình thức gửi tiền vào ngân hàng mà khách hàng có thể rút tiền theo yêu cầu mà không cần phải thông báo trước, không cần phải đúng kỳ hạn. Thông thường, người tiêu dùng chọn hình thức gửi tiền này chủ yếu mục đích giữ tiền trong thời gian ngắn và phục vụ cho việc thanh toán, chi tiêu.
Kể từ năm 2014, NHNN đã ra quy định mức lãi suất không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 1%/năm. Khảo sát trên thị trường, mức lãi suất mà các ngân hàng áp dụng cho tiền gửi thanh toán, tiền gửi KKH hiện nay phổ biến từ 0,3-0,5%/năm. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ngân hàng niêm yết ở mức trần quy định của NHNN.
Các ngân hàng có mức lãi suất KKH 1%/năm hiện nay chủ yếu là các ngân hàng quy mô nhỏ, có thể kể đến BacABank, BaoVietbank, Kienlongbank, NamABank, CBBank. Ở mức thấp hơn một chút có PVCombank với 0,8%/năm.
Một số ngân hàng niêm yết lãi suất KKH dựa theo số dư bình quân hàng tháng, theo đó với khoản tiền gửi lớn hoặc là khách hàng VIP thì lãi suất có thể lên tới 1%. Chẳng hạn, đối với tài khoản tiền gửi thanh toán iSmart của HDBank, với số dư cuối ngày dưới 3 triệu đồng lãi suất là 0,7%, từ 3 triệu đến 5 triệu là 0,8%; từ 5 triệu đến 10 triệu là 0,9% và trên 10 triệu đồng được hưởng lãi suất KKH 1%/năm.
ACB niêm yết lãi suất không kỳ hạn dao động từ 0,3-1%/năm. Trong đó, tiền gửi đầu tư trực tuyến được hưởng lãi suất 1% với số dư bất kỳ từ 5 triệu đồng trở lên. Với tài khoản thương gia, gửi KKH từ 1 tỷ trở lên mới được hưởng lãi suất 1%; thấp nhất là 0,4% với khoản tiền dưới 50 triệu đồng. Với các khoản tiền gửi KKH nhỏ lẻ, lãi suất phổ biến là 0,3%/năm.
Từ 0,3-0,5%/năm là mức lãi suất phổ biến nhất với tiền gửi không kỳ hạn. Nhiều ngân hàng đang niêm yết ở mức này như MBBank, ACB, Techcombank, ABBank, SHB, TPBank, LienVietPostBank,…
Mức thấp nhất là 0,1% ở BIDV, VietinBank, Vietcombank, OCB và VPBank.
Mặc dù có lãi suất cho tiền gửi không kỳ hạn ở mức thấp, song Vietcombank, Techcombank, MBBank vẫn thu hút được lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn. Trong đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/ tổng tiền gửi tại Techcombank tăng mạnh trong những năm gần đây không phải nhờ có mức lãi suất cao nhất mà nhờ chương trình "zero fee" - miễn phí toàn bộ phí dịch vụ chuyển khoản trong và ngoài hệ thống.
Đơn vị: tỷ đồng, %
Trên thực tế, đối với tiền gửi không kỳ hạn, lãi suất chỉ là yếu tố thứ yếu trong quyết định chọn ngân hàng để mở tài khoản thanh toán. Hầu hết khách hàng mở tài khoản thanh toán tại nhà băng là để nhận lương qua thẻ, dùng để phục vụ các giao dịch thanh toán, chuyển tiền, rút tiền thường xuyên. Bởi vậy, khi chọn ngân hàng để mở tài khoản gửi tiền thanh toán thì ngoài việc tham khảo lãi suất không kỳ hạn cũng nên để ý tới biểu phí dịch vụ của ngân hàng đó để có lựa chọn phù hợp nhất.