Đề xuất 2 phương “giải cứu” trạm thu phí BOT T2 Cần Thơ
Tổng cục Đường bộ vừa báo cáo Bộ GTVT phương án xử lý bất cập trạm thu phí T2 Quốc lộ 91, sau hơn hai tháng tạm dừng thu phí vì bị một số tài xế phản ứng.
Theo đó, phương án 1 di dời trạm BOT 2 về phía thành phố Cần Thơ qua ngã 3 Lộ Tẻ (giao Quốc lộ 80 với Quốc lộ 91) tại vị trí khoảng Km49+200 Quốc lộ 91. Ưu điểm của phương án này sẽ giải quyết căn bản kiến nghị của Hiệp hội vận tải An Giang và các chủ phương tiện lưu thông theo hướng đi từ QL80 (hướng từ tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp) qua trạm T2 về tỉnh An Giang và ngược lại.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này khi trường hợp phải di dời trạm T2 đến vị trí mới sẽ ảnh hưởng các hộ dân liên quan đến giải phóng mặt bằng để xây dựng trạm; tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến tinh hình chung của các dự án BOT trong cả nước và chủ trương về kêu gọi nguồn lực xã hội hóa đầu tư. Đồng thời sẽ phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng trạm tại vị trí mới khoảng 38 tỉ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến 32 năm 7 tháng.
Với phương án 2 giữ nguyên trạm thu phí T2 tại Km50+050, phương án này có ưu điểm là sẽ tổ chức thu phí lại được ngay tại trạm T2, thời gian thu phí của dự án không bị kéo dài; không gây lãng phí sau khi tuyến tránh thành phố Long Xuyên dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành khai thác năm 2022.
Nhược điểm của phương án này là chủ các phương tiện đi theo hướng từ QL80 (hướng từ tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp) qua trạm thu phí T2 về tỉnh An Giang và ngược lại, nhất là đối với các phương tiện không nằm trong diện được miễn giảm giá dịch vụ sử dụng khoảng 1,2km nhưng phải trả tiền dịch vụ cho cả dự án có thể không đồng tình dẫn đến phản đối, gây rối tại trạm thu phí T2.
Do đó, để giải quyết đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, Tổng cục Đường bộ đề xuất Bộ GTVT chủ trì làm việc với các Ngân hàng cho nhà đầu tư điều chỉnh lại cơ cấu trả nợ gốc và giữ nguyên nhóm nợ cho nhà đầu tư.
Được biết, Cty CP Đầu tư QL91 (Cần Thơ-An Giang) đã có đề nghị với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có phương án nhận lại dự án và hoàn trả chi phí đầu tư để nhà đầu tư có nguồn vốn trả nợ ngân hàng, ổn định SXKD.
Trường hợp không có phương án nhận lại dự án, để đảm bảo duy trì thực hiện hợp đồng BOT theo đúng thỏa thuận đã được ký kết giữa nhà đầu tư và Bộ GTVT, nhà đầu tư đề nghị có phương án hỗ trợ dự án 880 tỉ đồng (gồm chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 400 tỉ đồng và chi phí xây dựng QL91B khoảng 480 tỉ đồng). Dự án chỉ thực hiện thu phí tại trạm T1 để hoàn vốn đầu tư xây dựng QL91.
Lao động