Đề xuất 3 kịch bản tăng lương tối thiểu vùng năm 2020
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trước thềm phiên họp lần hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra chiều 11/7, cơ quan này đã chuẩn bị 3 phương án với mức đề xuất tăng từ 6 - 8%...
- 09-07-2019Mức đề xuất "vênh" nhau lớn, lương tối thiểu 2020 có chốt trong phiên họp lần 2?
- 02-07-2019Lương bộ trưởng hiện nay bao nhiêu?
- 01-07-2019Công nhân nhiều dự án trọng điểm Hà Nội 'tố' bị nợ lương cả năm
Đó là thông tin tại Tọa đàm về mức sống tối thiểu, tình hình đời sống, thu nhập của người lao động; đề xuất phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2020, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, chiều 10/7.
Mức tăng cao nhất 8%
Để chuẩn bị cho phiên họp thương lượng tiền lương lần hai diễn ra vào chiều mai, Tổng Liên đoàn Việt Nam cho biết, đã chuẩn bị 3 kịch bản, với mức đề xuất tăng từ 6 – 8%.
Ba phương án đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Lý giải về mức đề xuất trên, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng, đây là mức tăng đã được cơ quan này tính toán kỹ, dựa trên số liệu thực tế về tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay như: GDP tăng khoảng 7%; CPI khoảng 4%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng trên 5%. Đây là những tín hiệu có ảnh hưởng tích cực đến việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2020.
Bên cạnh đó là dựa vào tình hình xuất khẩu với tỷ lệ đơn hàng ngày càng tăng, đặc biệt ở các ngành sử dụng đông lao động. Điều này cho thấy khả năng chi trả của doanh nghiệp sẽ ổn định. Đồng thời, số doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng hơn so với năm trước.
Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết có tham thảo tỷ lệ chi phí lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm của một số nước trên thế giới tương đồng với Việt Nam. Kết quả cho thấy, ở các nước như: Campuchia, Srilanka, Philipines, Ấn Độ, Mông Cổ, tỷ lệ chi cho phi lương thực thực phẩm đều cao hơn mức tính của Việt Nam.
Lương chưa đủ sống, người lao động "cõng" nhiều chi phí
Nhìn nhận vấn đề ở một góc nhìn "gay gắt" hơn, và cũng từng nhiều năm tham gia đàm phán lương tối thiểu vùng, ông Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Công nhân và Công đoàn nhấn mạnh rằng, tiền lương tối thiểu hiện nay của người lao động vẫn đang ở mức thấp, chưa đủ đảm bảo cuộc sống, nên cần tiếp tục tăng cao hơn.
Theo ông Thọ, từ các số liệu khảo sát trong thời gian qua, cho thấy bức tranh đời sống của công nhân lao động là không cần tô vẽ thêm. Thậm chí, ông còn thẳng thắn cho rằng, công nhân hiện nay đang tồn tại "5 không" là không tiền, không nhà cửa, không gia đình, không bảo hiểm và không tương lai. "Với 4 cái không như vậy, hỏi rằng có tương lai hay không, nếu vẫn có thì tôi xin hỏi tương lai ở đây là gì", ông đặt câu hỏi.
Trước thực tế mức tiền lương tối thiểu còn thấp như vậy, ông Thọ cho rằng việc thương lượng lương tối thiểu về phía tổ chức công đoàn cần kiên quyết và bản lĩnh hơn, "chiến đấu một mất một còn" vì quyền lợi của người lao động. Điều quan trọng nhất là cần sớm thống nhất cách xác định mức sống tối thiểu để làm căn cứ điều chỉnh tiền lương tối thiểu.
Cũng cho rằng tiền lương tối thiểu của người lao động hiện nay còn thấp, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động Tp.HCM nhấn mạnh thêm rằng với mức lương như vậy, người lao động sẽ bị trong vòng luẩn quẩn gánh nặng chi phí.
Đồng thời, nếu không có điều kiện tái tạo sức lao động thì họ sẽ sớm bị đẩy ra khỏi thị trường lao động khi không còn đủ sức làm việc, dẫn đến tái nghèo. Do đó, đại diện Liên đoàn Lao động Tp.HCM đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 phải ít nhất từ 7 - 8% mới đảm bảo cuộc sống cho người lao động.
Cũng đến từ một công đoàn cơ sở khác, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó chủ tịch Công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội thừa nhận, qua khảo sát của đơn vị này trên địa bàn Hà Nội thì đúng là nhiều doanh nghiệp có chi trả lương cho người lao động trên mức lương tối thiểu vùng, song thực tế đời sống của người lao động vẫn "chất chứa" nhiều khó khăn.
Đó là gánh nặng về nhiều loại chi phí như nhà ở, nhà trẻ, nuôi con… Trong khi đó, hiện Hà Nội có 9 khu công nghiệp, tập trung nhiều lao động ngoại tỉnh nhưng chỉ duy nhất một khu công nghiệp có nhà trẻ, hầu hết công nhân phải gửi con ngoài với chi phí đắt đỏ hơn.
"Qua khảo sát thực tế, chúng tôi đề xuất mức tăng lương tối thiểu 2020 phải đạt 8% mới đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ phải giao hẳn cho cơ quan chuyên trách độc lập xây dựng mức sống tối thiểu", ông Thắng đề xuất.
Trước đó, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương quốc gia trong tháng 6, các mức đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra "vênh" nhau khá lớn. Đến thời điểm hiện tại, phía đại diện người lao động vẫn giữ nguyên đề xuất với mức tăng cao nhất 8%, trong khi đó phía VCCI cho biết có thể đề xuất tăng 3%.
Như vậy, khoảng cách giữa các bên vẫn còn khá lớn, việc có chốt được mức tăng lương tối thiểu vùng trong phiên họp lần hai diễn ra vào chiều mai vẫn đang còn "bỏ ngỏ".
Vneconomy