Đề xuất bậc giá điện mới, người dân liệu có phải chi nhiều tiền hơn?
Giá điện sinh hoạt dự kiến rút gọn còn 5 hoặc thậm chí 4 bậc thay vì 6 như hiện nay theo đề án của Bộ Công thương.
Theo thông tin từ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Công Thương vừa có văn bản số 5923/BCT-ĐTĐL gửi các bộ ngành, địa phương lấy ý kiến các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá biểu giá bán lẻ điện mới. Trong đề xuất đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương dự kiến rút biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt từ sáu bậc xuống còn năm bậc, thậm chí là bốn bậc.
Theo đó, với phương án rút ngắn còn 5 bậc, Bộ Công Thương giữ nguyên giá điện hiện hành cho những hộ gia đình tiêu thụ từ 0-100 kWh, 101-200 kWh và 201-300 kWh. Giá điện cho các bậc 401-700 kWh và 700 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.
Lấy giả sử, một hộ gia đình tháng tiêu thụ 469 kWh đang phải trả hơn 1,37 triệu đồng thì sau khi áp dụng theo cách tính 5 bậc gia đình đó chỉ phải trả 1,41 triệu đồng. Hay như với mức sử dụng điện 370 kWh/tháng, khi áp dụng cách tính 5 bậc chỉ phải trả hơn 834.346 đồng, giảm khoảng 25.552 đồng thay vì phải trả 889.898 đồng/tháng như cách tính hiện nay.
So sánh các bậc điện 6 bậc hiện hành, 5 bậc và 4 bậc cải tiến theo đề xuất.
Với phương án biểu giá rút ngắn xuống còn 4 bậc, Bộ Công Thương giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu 0-100 kWh. Theo Bộ Công Thương, khoảng 33,4% số hộ dùng điện ở bậc 1 được giảm giá 56 đồng/kWh. Nhưng ngay ở bậc 2 có 100 kWh bị tăng 149 đồng/kWh, bậc 3 có 100 kWh bị tăng 93 đồng/kWh; còn 700kWh trở lên tăng 149 đồng/kWh.
Do đó, nếu một gia đình tháng tiêu thụ 350 kWh/tháng với bậc hiện hành giá hóa đơn tiền điện sẽ ở mức khoảng 991.000 đồng thì sau khi áp dụng cách tính 4 bậc người dùng phải trả tới hơn 1,02 triệu đồng.
Hay như hộ gia đình dùng 200 kWh/tháng. Theo thang giá cũ, người dùng sẽ phải trả 343.250 đồng. Trong khi đó, với khung giá mới, họ sẽ phải trả 369.200 đồng cho năm bậc và 384.100 đồng cho bốn bậc.
Ngoài ra, nếu một hộ dân dùng 1.000 kWh/tháng, mức giá theo cách tính hiện hành (6 bậc) sẽ là 2.459.350 đồng (chưa bao gồm thuế), còn với phương án 5 bậc số tiền cần trả là 2.787.940 đồng và 2.694.000 đồng với phương án 4 bậc.
Lo phát sinh chi phí
Sau khi thông tin này được đưa ra nhiều người dân cho rằng theo cách tính nào khung giá mới cũng sẽ khiến tiền điện mỗi hộ gia đình tăng lên.
Nói về đề xuất điều chỉnh biểu giá điện sinh hoạt, chị Hương (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, "khung giá mới kiểu gì cũng sẽ khiến số tiền điện phải trả của một hộ gia đình tăng lên bởi hiếm có nhà nào dùng dưới 100 kWh điện. Riêng nhà tôi 3 người, đi làm và đi học cả ngày, mà tháng cũng dùng hơn 250 kWh điện và phải trả gần 700.000 đồng".
Ảnh minh họa.
Trong khi đó, một số ý kiến khác lại cho rằng nên có những chính sách hỗ trợ những hộ gia đình khó khăn sử dụng dưới 50 kWh hoặc 100 kWh với giá rẻ hơn để giảm bớt gánh nặng cho họ. Đồng thời, với mức từ 700 kWh đắt lên bởi những gia đình sử dụng mức này thường có điều kiện về tài chính, đồng thời đây cũng là cách khuyến khích họ tiết kiệm điện.
Đánh giá về biểu giá điện mới này trên báo Lao Động, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn nhận định, sau khi xem xét các phương án đề xuất của đơn vị tư vấn cũng như phương án 4 bậc và 5 bậc mà Bộ Công Thương đưa ra, có thể thấy phương án 4 bậc bộ đề xuất đem lại nhiều lợi ích cho các hộ gia đình sử dụng điện ở mức độ tiêu dùng trung bình (chiếm đa số trong các nhóm khách hàng sinh hoạt). Còn với phương án 5 bậc, những hộ gia đình sử dụng ít điện sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi so sánh với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện nay. Những người sử dụng nhiều điện, từ 700 số trở lên, sẽ phải trả nhiều tiền hơn.
Chia sẻ trên báo Thanh Niên, GS-TSKH Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực Việt Nam, cho rằng các thang giá điện thay đổi thế nào cũng phải bảo đảm khoảng cách tăng giữa các bậc hợp lý, không chênh lệch quá lớn gây lo lắng cho người tiêu dùng .
Nhịp sống thị trường