MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất bán hàng trên 150 triệu đồng mỗi năm mới đóng thuế giá trị gia tăng

Theo dự thảo sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu VAT của hộ, cá nhân kinh doanh sẽ được điều chỉnh lên 150 triệu đồng/năm.

Trước đề xuất của dự thảo sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), ý kiến của các các nhân, hộ kinh doanh và chuyên gia sẽ như thế nào?

"Đề xuất này với các hộ sẽ lợi hơn, vì việc như doanh thu hiện nay 100 triệu đã từ lâu lắm rồi, tiền lạm phát nhiều lắm rồi".

"Mình hoàn toàn đồng tình với với đề xuất tăng mức doanh thu chịu thuế này".

"Tôi thấy đáng lẽ cần phải tăng từ lâu rồi."

Đó là ý kiến của một số cá nhân, hộ kinh doanh trước đề xuất điều chỉnh mức doanh thu không chịu thuế VAT của hộ, cá nhân kinh doanh.

Theo quy định hiện hành, mức doanh thu chịu thuế VAT với cơ sở kinh doanh (cá nhân, hộ kinh doanh) hàng hóa, dịch vụ là 100 triệu đồng một năm. Tuy nhiên, theo Dự thảo luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) mới nhất đang được lấy ý kiến, mức doanh thu chịu thuế VAT tăng lên 150 triệu đồng/năm. Quy định này đồng nghĩa với việc hộ và cá nhân kinh doanh có doanh thu bán hàng trên 150 triệu đồng/năm mới phải đóng thuế VAT. Ngưỡng chịu thuế mới đang được lấy ý kiến cao hơn quy định hiện hành 50 triệu đồng.

Đề xuất bán hàng trên 150 triệu đồng mỗi năm mới đóng thuế giá trị gia tăng - Ảnh 1.

Nhiều người kinh doanh cho biết, định mức nộp thuế VAT tăng lên 150 triệu đồng sẽ hỗ trợ họ được nhiều hơn

Trước đề xuất này, bà Đoàn Thuỳ Linh – Giám đốc công ty TNHH kế toán A&T cho biết, đề xuất mới hiện giờ là tương đối phù hợp vì nguyên nhân bởi đã qua 10 năm, kinh tế dã chứng kiến lạm phát nên hiện nay mức 100 triệu như đã không còn phù hợp. Do đó, định mức mức tăng lên 150 triệu đồng người kinh doanh cũng sẽ hỗ trợ được nhiều hơn.

Kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ tại phố hàng Da ( Hà Nội) hơn chục năm nay, bà Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ, đề xuất mới này hoàn toàn phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh các hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19 và nhiều ảnh hưởng tới nền kinh tế.

"Đương nhiên với các hộ dân kinh doanh sẽ hết sức đồng tình ở thời điểm khó khăn như thế này. Đặc biệt sau dịch Covid, những người kinh doanh rất là khó khăn, nên ai cũng mong muốn tăng định mức nộp thuế lên để các hộ kinh doanh đỡ được khó khăn", bà Linh bày tỏ.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, gần 10 năm qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng nhiều, nên việc điều chỉnh mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh cho phù hợp với mức biến động của giá cả là cần thiết. Cơ quan soạn thảo cũng cho rằng việc tăng mức chịu thuế của các cá nhân, hộ kinh doanh không làm phát sinh chi phí tuân thủ, thủ tục hành chính với người nộp thuế và minh bạch trong quản lý thuế.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HanoiSME) cho rằng: "Chúng tôi thấy việc này rất cần thiết, vì hiện nay với mức biến động của giá cả hiện nay đã có nhiều sự điều chỉnh thì đề xuất này cũng sẽ phù hợp trong tình hình kinh doanh mới. Việc tăng theo mức đề xuất của Bộ Tài chính cũng không làm phát sinh chi phí của người nộp thuế nên hoàn toàn phù hợp và nên áp dụng. Điều này cũng sẽ hỗ trợ được nhiều hơn cho các cá nhân và hộ kinh doanh".

Đề xuất bán hàng trên 150 triệu đồng mỗi năm mới đóng thuế giá trị gia tăng - Ảnh 2.

Bộ Tài chính đề xuất nâng ngưỡng chịu thuế giá trị gia tăng của cá nhân, hộ kinh doanh lên trên 150 triệu đồng/năm (Ảnh: Tài chính doanh nghiệp)

Về phía các DN, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, đề xuất này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn: "Việc này góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cũng như bám sát được thực tiễn. Thực tế cho thấy những ngừời bán hàng nhỏ lẻ trên mạng thì doanh thu 100 triệu cũng là rất thấp. Tính ra mỗi một tháng chưa đến 10 triệu. Do đó, nâng lên mức để cho họ có thêm động lực, lợi ích để tiêu thụ hàng hoá và sinh kế, làm được điều tốt. Do đó, đề xuất của Bộ Tài chính rất tốt, đáp ứng được nhu cầu thị trường cũng như là nguyện vọng của người dân. Đồng thời, cũng góp phần minh bạch và lành manhj hoá hoạt động thu thuế".

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồi đầu năm 2023, cả nước có hơn 5,5 triệu hộ kinh doanh, đóng góp khoảng 30% trong cơ cấu GDP hàng năm. Hầu hết các cá nhân, hộ kinh doanh và các chuyên gia đều đồng tình với đề xuất mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu VAT được điều chỉnh lên 150 triệu đồng/năm, nhằm phù hợp hơn với mức biến động giá cả.

Theo Như Ngọc - Thùy Linh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên