MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất bí thư, chủ tịch tỉnh phải có cảnh vệ riêng

07-06-2017 - 08:48 AM | Xã hội

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị các lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh cũng cần được bổ sung vào danh sách đối tượng cảnh vệ vì cho rằng tình hình an ninh trật tự, xã hội tại một số địa phương có xu hướng ngày một phức tạp, có thể đe dọa tới tính mạng của những cán bộ này.

Thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật cảnh vệ chiều 6/6, đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho rằng: Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao là người đứng đầu cơ quan tư pháp cao nhất của Việt Nam, thực hiện nhiệm xét xử bảo vệ quyền con người, bảo vệ chế độ.

Ngoài ra, chức danh này cùng phải thực hiện tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội , Thủ tướng Chính phủ sau khi được bầu. Do vậy, việc bổ sung Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao trở thành đối tượng cảnh vệ là hoàn toàn phù hợp.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng – tỉnh Bến Tre cho rằng, việc quy định việc “Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao” là một trong những đối tượng cảnh vệ sẽ đảm bảo được sự tương xứng về mặt chính trị giữa 3 cơ quan: lập pháp, hành pháp và tư pháp ở nước ta.

Tuy nhiên nhiều ý kiến đại biểu lại cho rằng, nếu đưa “Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao” và danh sách đối tượng cảnh vệ tại Điều 10 thì không đảm bảo được tính đồng bộ với các chức danh như Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước…

Ngoài ra, còn có ý kiến đại biểu đề nghị các lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh cũng cần được bổ sung vào danh sách đối tượng cảnh vệ vì cho rằng tình hình an ninh trật tự, xã hội tại một số địa phương có xu hướng ngày một phức tạp, có thể đe dọa tới tính mạng của những cán bộ này.

Còn đại biểu Đỗ Văn Bình (TP. Hải Phòng) cho rằng dự thảo Luật nên quy định cho phép áp dụng các biện pháp cảnh vệ đối với một số chức danh lãnh đạo chủ chốt ở cấp tỉnh trong một số thời điểm nhất định.

Phát biểu tại hội trường về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt phân tích, nếu đưa “Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao” và danh sách đối tượng cảnh vệ theo ý kiến của một số đại biểu thì sẽ phải cân nhắc rất nhiều đề nghị về việc đưa Tổng Kiểm toán, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vào danh sách này.

"Bởi đây cũng là những chức danh có vị trí nhạy cảm và có nhiệm vụ quan trọng", ông Việt nói và cho rằng việc mở rộng hay thu hẹp đối tượng cảnh vệ cần xem xét trên các nội dung, tiêu chí cụ thể, đồng thời cần phải phân định rõ “hoạt động cảnh vệ” và “hoạt động bảo vệ” trước khi đề nghị mở rộng hay bổ sung đối tượng cảnh vệ, bởi “cảnh vệ” là bảo vệ đặc biệt áp dụng với đối tượng đặc biệt quan trọng.

Cũng theo ông Việt, sau sự vụ xảy ra ở một tỉnh năm ngoái, nhiều tỉnh đề nghị bí thư, chủ tịch tỉnh cũng phải nằm trong diện được trang bị cảnh vệ.

"Tuy nhiên, qua thực tiễn tổng kết cho thấy, các đối tượng cảnh vệ được quy định tại dự thảo luật Luật là kế thừa Pháp lệnh Cảnh vệ, đã thực hiện ổn định, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình", ông Việt cho biết.

Theo N.Mạnh

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên