Đề xuất doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi đầu tư bất động sản
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi để đầu tư bất động sản và quy định bảo hiểm bắt buộc trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bảo lãnh ngân hàng khi bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan đề xuất cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi để đầu tư bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, hiệp hội tán thành việc bãi bỏ quy định về việc cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để "kinh doanh bất động sản", nhưng đề nghị cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để "đầu tư bất động sản" theo quy định của Chính phủ để phù hợp với nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.
Theo ông Châu, dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) quy định doanh nghiệp bảo hiểm "không được phép đầu tư bất động sản" là chưa phù hợp với chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế.
Hiệp hội cho rằng rất cần thiết cho phép doanh nghiệp bảo hiểm dùng vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ để đầu tư tài chính, đầu tư vốn vào một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bất động sản (nhưng không được thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản), tương tự như nhiều nước cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được đầu tư tài chính.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM.
Theo ông Châu, nguồn vốn bảo hiểm cũng là một nguồn vốn xã hội hóa rất lớn cần được khai thác, sử dụng hiệu quả sẽ bổ sung một nguồn vốn đầu tư, góp phần chia sẻ bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng.
Đồng thời, việc cho phép doanh nghiệp bảo hiểm dùng vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ để đầu tư tài chính, đầu tư vốn vào lĩnh vực bất động sản vẫn đảm bảo phù hợp với quy định "không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để kinh doanh bất động sản".
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp bảo hiểm không được trực tiếp kinh doanh bất động sản mà chỉ được đầu tư vốn, được phân chia lợi nhuận (hoặc chịu lỗ) theo hợp đồng góp vốn đầu tư.
Về mức vốn mà doanh nghiệp bảo hiểm được phép đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, theo HoREA, quy định doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư tài chính, góp vốn vào lĩnh vực bất động sản với mức tối đa 10% đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, tối đa 20% đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là phù hợp và đảm bảo thực hiện nguyên tắc doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư, bảo đảm tính an toàn, hiệu quả và thanh khoản.
Ngoài ra, ông Châu cho hay HoREA cũng lần nữa kiến nghị bổ sung quy định về "bảo hiểm nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai" để bảo vệ quyền lợi người mua nhà.
Nói về lý do đưa ra đề xuất này, ông Châu cho hay trong thị trường bất động sản thì khách hàng thường là bên yếu thế, nhất là người tiêu dùng mua nhà để ở, hoặc là nhà đầu tư nhỏ lẻ so với chủ đầu tư dự án bất động sản thường là bên có lợi thế.
Theo ông Châu, rất cần thiết bổ sung biện pháp "bảo hiểm rủi ro" cho khách hàng mua, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai thông qua cơ chế hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm “bảo hiểm rủi ro” là chủ đầu tư trong trường hợp “không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng”. Đây cũng là một “biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”, mà biện pháp “bảo hiểm rủi ro” theo quy định của pháp luật về bảo hiểm chính là một “biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” được thực hiện ngoài hệ thống tổ chức tín dụng, theo phương thức “xã hội hóa”, giúp giảm tải, giảm áp lực cho hệ thống tổ chức tín dụng.