Đề xuất doanh nghiệp tư nhân “rót” vốn xây dựng sân bay nhỏ
Trong khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước hạn chế thì việc huy động vốn tư nhân đầu tư xây dựng sân bay nhỏ là một hướng đi đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng hàng không
- 12-10-2022Địa phương duy nhất sở hữu cả sân bay quốc tế và cảng biển loại đặc biệt
- 11-10-2022Điểm nổi bật của địa phương đang nắm giữ hơn 90% trữ lượng dầu mỏ của cả nước
- 10-10-2022Quy mô GDP Việt Nam năm 2022 đạt bao nhiêu tỷ USD theo dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế?
Bước ngoặt thay đổi tư duy
TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: khác với trước đây, toàn cầu hoá và công nghệ phát triển khiến nhu cầu đi lại thay đổi, tần số di chuyển và vận động tốc độ cao tăng lên. Nhu cầu du lịch, khám phá những địa điểm mới, hẻo lánh là rất lớn. Ngành hàng không sẽ mang tính chủ lực và đang có sự thay đổi.
Sự thay đổi này, theo TS. Trần Đình Thiên là sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực đặc thù. Hàng không từ trước đến nay vẫn được mặc định là lĩnh vực chỉ dành cho các doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân bị “loại”. Vì vậy, việc cảng hàng không quốc tế Vân Đồn hiện đại do doanh nghiệp tư nhân đầu tư và vận hành đúng theo tiêu chuẩn quốc tế là bước tiến đánh dấu sự thay đổi căn bản và quan trọng trong nhận thức, tư duy phát triển vận tải hàng không.
TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Bên cạnh đó, theo TS. Trần Đình Thiên là sự lớn mạnh của các hãng hàng không tư nhân và thực tế đã chứng minh, các hãng hàng không tư nhân có tính cơ động, linh hoạt, khả năng tiếp cận hành khách tốt hơn hẳn, thậm chí còn phát triển vững chắc hơn hàng không Nhà nước. Điều này khiến cho cấu trúc phát triển hàng không đã thay đổi cơ bản. Tư nhân làm sân bay sẽ có độ mở cao hơn, quốc gia có cơ hội phát triển.
Chia sẻ thêm bước ngoặt trong tư duy, nhận thức, ông Nguyễn Văn Vịnh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung, theo tinh thần Nghị quyết XIII của Đảng là mở rộng thị trường đầu tư kết cấu hạ tầng để thu hút nguồn lực xã hội vì nguồn lực Nhà nước có giới hạn.
Vì vậy, trong những năm qua, chúng ta đã huy động khá nhiều nguồn lực bên ngoài tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng như việc các nhà đầu tư tư nhân xây dựng cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Theo ông Nguyễn Văn Vịnh, ước tính chưa đầy đủ, nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông chiếm 20% và kỳ vọng con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Làm thế nào để khơi thông vốn tư nhân?
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Nguyễn Văn Vịnh cho biết: vận tải hàng không và kết cấu hạ tầng hàng không là một phần của kết cấu hạ tầng giao thông. Trong những năm gần đây, ngoài thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh COVID - 19, tăng trưởng hàng không đạt trung bình từ 5-15% tuỳ theo từng năm. Riêng ở Việt Nam, tăng trưởng hàng không cao hơn, ở mức 20%. Điều này cho thấy thị trường vận tải hàng không tại Việt Nam là thị trường mới nổi và hấp dẫn.
Trong 10 năm, tăng trưởng của vận tải hàng không gắn liền với sự phát triển kết cấu hạ tầng hàng không. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh khiến cho một số sân bay hiện nay rơi vào tình trạng quá tải, theo ông Nguyễn Văn Vịnh, cần tính đến việc mở rộng sân bay hiện có và đầu tư thêm sân bay mới để đáp ứng yêu cầu phát triển.
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Nguyễn Văn Vịnh trao đổi về một số vấn đề phát triển sân bay nhỏ
“Theo quan điểm của chúng tôi, việc phát triển sân bay địa phương sẽ mang lại cơ hội tiếp cận và mở đường cho sự phát triển của các tỉnh, thành và các vùng lãnh thổ. Hiện nay, ở khu vực trung du miền núi phía Bắc, hệ thống hạ tầng vận tải hàng không còn hạn chế trong khi thực tế đã chứng minh hạ tầng luôn cần đi trước một bước để đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế xã hội” - ông Nguyễn Văn Vịnh.
Làm thế nào để phát triển sân bay nhỏ đạt được hiệu quả? Thước đo nào quyết định đầu tư sân bay nhỏ? Theo ông Nguyễn Văn Vịnh, đây là câu hỏi lớn nhất và được quan tâm nhiều nhất trong thời gian gần đây. Lời giải cho vấn đề này chính là hiệu quả tổng hợp để khai thác sân bay.
Ông Nguyễn Văn Vịnh đánh giá: hiện nay hệ thống hạ tầng giao thông đang tách rời giữa khai thác vận hành công trình hạ tầng và tổ chức hệ thống vận tải. Hệ thống đường sắt 100 năm nay vẫn như vậy, chưa có sự kết nối với vận tải biển. Hệ thống hàng không có 2 điểm hub là sân bay quốc tế Nội Bài ở phía Bắc và sân bay Tân Sơn Nhất ở phía Nam. Tuy nhiên, tổ chức vận tải giữa các điểm hub này với các tỉnh, thành hay khu vực lân cận chưa hiệu quả, chưa có sự kết nối vận tải đa phương thức bằng các loại hình phương tiện và hạ tầng để rộng mở hơn và tạo cơ hội để người dân tiếp cận điểm hub một cách nhanh chóng, tiện lợi và dễ dàng.
Do vậy, ông Nguyễn Văn Vịnh nhấn mạnh: quy mô, hiệu quả đầu tư xây dựng, khai thác, vận hành (gắn với tổ chức vận tải) sẽ quyết định việc đầu tư phát triển sân bay. Trong khi nguồn lực đầu tư Nhà nước hạn chế thì tạo không gian, điều kiện thu hút đầu tư của nguồn vốn tư nhân đầu tư sân bay là hướng đi đúng vì họ đánh giá phương án kinh doanh, phát triển đồng bộ cả vùng cũng như vận hành, khai thác sân bay quy mô nhỏ sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm nguồn lực.
Để làm được điều này, theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, cần quan tâm đến các vấn đề mang tính kỹ thuật như ngành hàng không có tiêu chuẩn kỹ thuật đặc thù, cần có quy định phù hợp kết hợp với việc giám sát thực thi; tiếp tục hoàn thiện về mặt thể chế nhằm tạo môi trường pháp lý minh bạch, rõ ràng để các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn vào các sân bay địa phương theo phương thức PPP.
Diễn đàn Doanh nghiệp