Đề xuất đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hơn 5 triệu chủ hộ kinh doanh cá thể
Đề xuất bổ sung chủ hộ kinh doanh các thể vào diện tham gia BHXH bắt buộc (ảnh minh hoạ).
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất đưa nhóm chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp và hợp tác xã không hưởng lương vào diện tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc.
- 11-03-2023Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo ‘nóng’ giữa khủng hoảng đăng kiểm
- 11-03-2023Phát triển TP. Hạ Long trở thành trung tâm du lịch mang tầm quốc tế
Tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Bộ LĐ-TB&XH xây dựng đang lấy ý kiến, dự kiến luật bổ sung thêm 3 nhóm tham gia BHXH bắt buộc , gồm: Chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian (làm việc bán thời gian).
Ba nhóm đề xuất tham gia BHXH bắt buộc kể trên, theo Bộ LĐ-TB&XH, luật hiện hành còn “bỏ sót” dù có nhu cầu và khả năng tham gia BHXH bắt buộc, nhưng chưa được luật hoá.
Với hộ kinh doanh cá thể, hiện cả nước có hơn 5,1 triệu hộ (gấp 6 lần số lượng doanh nghiệp). Trong đó có hơn 1,7 triệu lượt hộ kinh doanh kê khai và nộp thuế (theo dữ liệu thuế). Tuy nhiên, nhóm này hiện chỉ một số nhỏ tham gia BHXH tự nguyện, chưa bắt buộc tham gia BHXH.
Về hợp tác xã, số liệu từ Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy, năm 2022, cả nước có khoảng 29.000 hợp tác xã đang hoạt động, với gần 6 triệu thành viên. Các hợp tác xã đang sử dụng khoảng 970.000 người lao động. Tuy nhiên, tới nay chỉ có gần 7.000 hợp tác xã đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho khoảng 40.000 người lao động.
“Kết quả khảo sát tại một số địa phương cho thấy, nhiều người quản lý doanh nghiệp, người quản lý và điều hành hợp tác xã không hưởng lương có nguyện vọng tham gia BHXH bắt buộc”, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá.
Cơ quan soạn thảo Luật BHXH sửa đổi đánh giá, nếu bổ sung thêm 3 nhóm tham gia BHXH bắt buộc, với chủ hộ kinh doanh, sẽ có thêm khoảng 5,1 triệu người tham gia BHXH bắt buộc. Mức thu với mỗi người từ 500 nghìn đồng/tháng đến 9 triệu đồng/tháng (bằng 25% tiền thu nhập tính đóng BHXH, trong đó 22% vào quỹ hưu trí, tử tuất, và 3% vào quỹ ốm đau, thai sản). Mức đóng BHXH cụ thể theo lựa chọn của chủ hộ kinh doanh, trên cơ sở tiền lương (thu nhập) tính đóng BHXH được luật định từ 2-36 triệu đồng/tháng.
Với người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng lương, khi quy định tham gia BHXH bắt buộc, hàng tháng sẽ phát sinh thêm chi phí đóng BHXH tương tự như với chủ hộ kinh doanh cá thể.
Với người làm việc không trọn thời gian tham gia BHXH bắt buộc, người lao động và chủ sử dụng sẽ đóng dựa trên mức thu nhập hằng tháng (tối thiểu 2 triệu đồng/tháng trở lên). Trong đó, người lao động đóng 8% tính trên tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất; người sử dụng lao đóng cho người lao động 14% vào quỹ hưu trí tử tuất và 3% vào quỹ ốm đau thai sản.
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, quy định mới kể trên nếu được thông qua sẽ làm phát sinh thêm chi phí cho người lao động, người sử dụng lao động. Tuy nhiên, bù lại chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp và hợp tác xã không hưởng lương, người làm việc theo giờ sẽ được bảo vệ khỏi những rủi ro, được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất, mức hưởng theo mức đóng góp (như người lao động làm việc khu vực chính thức).
Tiền Phong