MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất nâng cấp hai tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc

Đề xuất nâng cấp hai tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc

Đại biểu Quốc hội cho rằng hai tuyến đường sắt khổ 1,43m kết nối trực tiếp với Trung Quốc có tiềm năng kinh tế, du lịch lớn nhưng chưa được quan tâm đầu tư.

Tại phiên thảo luận về tình hình ngân sách, đầu tư công tại Quốc hội sáng 2/11, đại biểu Phạm Văn Thịnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang, cho biết hiện có hai tuyến đường sắt kết nối trực tiếp với Trung Quốc tiềm năng kinh tế lớn nhưng chưa được khai thác, dù Chính phủ tập trung nghiên cứu, đề xuất các dự án đầu tư lớn cho đường sắt.

Đó là tuyến đường sắt Yên Viên - Kép (Bắc Giang) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Lưu Xá (Thái Nguyên) - Kép - Cái Lân (Quảng Ninh).

Đề xuất nâng cấp hai tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh phát biểu sáng 2/11. (Ảnh: Quochoi.vn)

“Ngay trong thời điểm này, tôi thấy có hệ thống đường sắt có nhiều tiềm năng nhưng chưa được tập trung khai thác. Đó là hai tuyến đường sắt khổ 1,43m Yên Viên - Kép (Bắc Giang) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Lưu Xá (Thái Nguyên) - Kép - Cái Lân (Quảng Ninh). Đây là hai tuyến đường sắt có khổ 1,43m duy nhất của cả nước được kết nối trực tiếp với hệ thống đường sắt của Trung Quốc, cách đầu mối trung tâm vận tải Trùng Khánh chưa đến 1.200 km.

Đồng thời, ở phía Việt Nam, tuyến được kết nối trực tiếp ra biển với cảng nước sâu Cái Lân, có năng lực đón tàu container lên đến 70.000 tấn” , ông Thịnh nói.

Đại biểu Thịnh phân tích, hai tuyến đường sắt này có tiềm năng rất lớn về vận tải hàng hóa, đi xuyên qua nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh.

Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị Chính phủ nghiên cứu và đề ra các biện pháp, trong đó có bổ sung dự án nâng cao năng lực vận tải của hai tuyến đường sắt trên và cảng nước sâu Cái Lân vào đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để nhanh chóng khai thác tiềm năng to lớn về tuyến vận tải đã có sẵn này.

Ngành đường sắt đã bắt đầu khai thác tuyến tàu container từ ga Yên Viên hoặc Sóng Thần qua Đồng Đăng đi Trung Quốc và sang châu Âu, cho thấy tiềm năng to lớn của vận tải đường sắt trong thương mại quốc tế.

Về vận tải hành khách, ông Thịnh đánh giá nếu làm tốt thủ tục xuất nhập cảnh, cải thiện hạ tầng để nâng tốc độ tàu chạy, du khách ở sâu nội địa Trung Quốc có thể đến Hạ Long, Hà Nội rất thuận tiện, đi về trong ngày.

Cũng quan tâm đến hạ tầng đường sắt, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Phó viện trưởng Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề xuất tăng bội chi để thực hiện một số dự án đầu tư công có tác động lớn đến nền kinh tế. Đó là hai tuyến đường sắt Lào Cai - cảng Hải Phòng và Đồng Nai - cảng Cái Mép Thị Vải.

Theo ông Minh, hai cảng này xuất hàng trăm triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Hai tuyến đường sắt đã có kế hoạch đầu tư giai đoạn 2025 - 2030, song cần đầu tư sớm hơn. Hai tuyến đường sắt này có ý nghĩa lớn cho nền kinh tế. Khi được triển khai sẽ là cú hích về hạ tầng giao thông cho quốc gia, nhất là khi đất nước đang tăng trưởng chậm lại.

Theo ông Minh, dự án sẽ giảm đáng kể chi phí logistic cho doanh nghiệp, với ước tính sơ bộ, nếu giảm được 2% chi phí logistic thì doanh nghiệp có thêm 10 tỷ USD lợi nhuận mỗi năm.

Lĩnh vực hạ tầng giao thông nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu trong phiên thảo luận sáng nay. Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) kiến nghị Chính phủ nên cho phép kéo dài nguồn tăng thu tiết kiệm chi để đầu tư cho xây dựng, tu bổ các tuyến đường cao tốc...

Đề xuất nâng cấp hai tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh: Quochoi.vn).

Theo đại biểu Yến, việc đầu tư cho các đường cao tốc như:  Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng  và một số dự án khác có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Theo quy định của Luật Ngân sách, nếu các khoản chi không hết trong năm thì địa phương phải trả về ngân sách hoặc Nhà nước phải thu hồi.

" Qua tình hình thực tiễn hiện nay, các đường cao tốc đang tiến hành cũng rất thuận lợi cho việc đảm bảo cơ bản về tiến độ các tuyến đường. Tuy nhiên, nếu chúng ta thu hồi lại thì các đường này sẽ gặp khó khăn trong nguồn vốn.

Chúng ta phải làm lại các thủ tục để lấy một nguồn vốn khác phục vụ cho việc đầu tư. Mặt khác, việc xây dựng các tuyến đường cao tốc cũng không thể nào ngưng được.

Do vậy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài nguồn tăng thu tiết kiệm chi khoảng 13.000 tỷ đồng cho các đường cao tốc này để tiếp tục thực hiện ", bà Yến nói.

Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cũng cùng chung kiến nghị này.

Theo Công Hiếu - Phạm Duy

VTC News

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên