Đề xuất nhập khẩu xăng dầu dự trữ, Bộ Công Thương, chuyên gia nói gì?
Về đề xuất nhập khẩu dầu dự trữ trong những ngày qua của Hiệp hội Năng lượng trong khi PVN và một số doanh nghiệp lại muốn tạm dừng nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay đã có văn bản báo cáo và kiến Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp liên quan đến tài chính, đầu tư, thị trường, kinh doanh,… nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành dầu khí giai đoạn này.
- 21-04-2020Giá dầu thế giới âm 40 USD/thùng, giá xăng trong nước có giảm mạnh?
- 20-04-2020Giá xăng, thịt heo và ẩn số lạm phát
- 15-04-2020Đại dịch COVID-19 có được giảm phí BOT, ổn định giá xăng dầu?
Ông Nguyễn Việt Sơn Vụ trưởng Vụ Dầu khí than (Bộ Công Thương) cho biết, để đối phó với giá dầu giảm sâu, Bộ Công Thương đã có các văn bản chỉ đạo ngành dầu khí, PVN triển khai các giải pháp đối phó với tác động kép của dịch COVID-19.
Theo đó phải rà soát tổng thể kế hoạch các lô dầu khí, các giếng khoan khai thác, xác định mức giá dầu khả thi để có các quyết sách tiếp tục thực hiện hay ngừng các giếng có sản lượng khai thác thấp trên cơ sở hiệu quả, bảo vệ tài nguyên, đảm bảo lợi ích nhà nước, lợi ích nhà đầu tư. Cùng đó, cân đối sản lượng các mỏ có giá thành tốt để bù đắp cho phần thiếu hụt sản lượng ở những mỏ phải đóng hoặc giảm sản lượng.
Theo ông Sơn, hiện tại, Việt Nam có hai Nhà máy lọc dầu là Dung Quất và Nghi Sơn (đều có vốn góp của PVN), đáp ứng trên 80% nhu cầu xăng dầu trong nước. “Để tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm của các nhà máy trong nước cũng như khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cần phải có giải pháp tổng thể trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và của người dân, đồng thời các giải pháp phải phù hợp với quy định hiện hành và các Thỏa thuận, Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết”, ông Sơn nói.
Trong văn bản gửi các cơ quan chức năng cách đây ít ngày, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho hay, PVN cho biết, kịch bản mua dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu từ hai nhà máy lọc dầu trong nước, chờ thị trường ấm lại đã từng được PVN tính tới khi giá dầu ở ngưỡng 20 USD/thùng. Tuy nhiên, hiện biến động thị trường rất khó lường. Việc dự trữ cần tính toán cẩn trọng về hiệu quả kinh tế và đặc biệt phải tính đến khả năng tồn chứa của các kho dự trữ đến đâu.
Đại diện PVN cho rằng, trữ xăng dầu không như những hàng hoá khác cứ rẻ thì mua về trữ lại đợi giá cao thì bán, do kho chứa phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn nghiêm ngặt. Đó là lý do mà các doanh nghiệp dầu khí trên thế giới đã phải hạ giá thấp, thậm chí chấp nhận bán mức “giá âm” để đẩy hàng, giảm tồn kho xăng dầu vì chi phí thuê kho dự trữ, hay ngừng khai thác, đóng cửa/mở lại một giếng khoan dầu không dễ dàng và sẽ thiệt hại hơn nhiều lần việc bán dầu giá rẻ.
PVN cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho phép PVN và các đơn vị thành viên được sử dụng khoản tiền gửi của PVN và các đơn vị thành viên tại Ocean Bank hoặc cho phép được sử dụng khoản tiền này để thanh toán các nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước. Cùng đó, điều tiết thị trường bán lẻ xăng dầu, xem xét tạm dừng nhập khẩu xăng dầu, xem xét cân đối cung cầu giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu cứu nền kinh tế chung của đất nước, duy trì công ăn việc làm của người lao động.
“Trong tình hình giá dầu thấp như hiện nay, việc mua dầu thô để tích trữ là hướng đi đúng đắn và hợp lý, mang lại nhiều cơ hội cho đất nước. Tuy nhiên thực tế có một số khó khăn như chưa có cơ chế chính sách về rủi ro cho hoạt động này như khi mua bắt đáy dẫn đến thua lỗ; Không có kho dự trữ quốc gia, hiện nay chỉ có 2 kho chứa dầu thô của 2 nhà máy Dung Quất, Nghi Sơn phục vụ cho sản xuất của nhà máy là chính. Việc thuê tàu trữ dầu không khả thi vào thời điểm này do tiềm lực tài chính còn khó khăn”, PVN đề xuất.
Về đề xuất nhập khẩu dự trữ xăng dầu, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khi xảy ra tình thế đặc biệt như tình trạng khủng hoảng giá dầu thô thế giới hiện nay, phải chấp nhận một sự đánh đổi. Sự đánh đổi này sẽ có người được lợi, sẽ có người chịu thiệt, nhưng tổng thể lợi ích chung phải được bảo đảm. "Nếu ngưng nhập khẩu xăng dầu ở thời điểm này - chắc chắn có lợi cho PVN, còn những đơn vị đang nhập khẩu xăng dầu về bán sẽ chịu thiệt, nhưng phải thấy được tổng thể lợi ích trong tình thế này để bảo vệ lập luận nhập khẩu”, ông Thiên nói.
Ông Thiên cũng cho rằng, tình thế thị trường không bình thường thì không thể sử dụng nguyên tắc lưu thông bình thường để giải quyết. Trong thời điểm này, cần coi các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước là những tài sản quốc gia vì đóng góp của họ cho quốc gia rất lớn.
Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về có nên mua dầu dự trữ lúc này, Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp top 3 ngành xăng dầu cho rằng, việc đầu cơ xăng dầu khi giá xuống những ngày qua tất cả đều là lý thuyết. Một tuần trước cũng có ý kiến mua vào để dự trữ nhưng đến giờ các lô hàng đặt mua thời điểm đó đều đã lỗ. Không ai biết lúc nào mới là đáy. Mua vào bao nhiêu, số lượng thế nào lúc này là câu hỏi không ai trả lời được. Sợ nhất là bị quy trách nhiệm lúc nào vì mua vào bị lỗ.
Tại thời điểm ngày 30/3/2020, tồn kho các sản phẩm (trừ DO) đều vượt ngưỡng nguy cơ vượt giới hạn tồn trữ. Cụ thể, tồn kho dầu thô tại Nhà máy dầu Dung Quất và Nghi Sơn lần lượt là 384,256 m3 và 533,500 m3 với tỷ lệ tồn kho lần lượt là 76% và 64%; tồn kho xăng tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là 138,242 m3, chiếm tỷ lệ 87%, còn tại Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn là 167,520 m3, chiếm tỷ lệ 81%.
Tiền phong