Đề xuất sáp nhập Bộ Kế hoạch và đầu tư với Bộ Tài chính: Bộ trưởng Dũng nói gì?
"Việc sáp nhập cần được nghiên cứu kỹ, một cách thận trọng, dựa trên cơ sở khoa học, có luận cứ, có phương pháp luận và phải đảm bảo tính bền vững chứ không phải nay nhập, mai tách", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí bên hành làng Quốc hội ngày 2/11 về đề xuất sáp nhập bộ.
Bộ trưởng thấy thế nào về chủ trương sáp nhập một số bộ ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trong đó có sáp nhập Bộ Kế hoạch và đầu tư với Bộ Tài chính ?
Cái đó chưa ai bàn cả. Nghị quyết nói là có thể đề xuất, cái này phải nghiên cứu kỹ, một cách thận trọng để đảm bảo chuyện có nhập hay không phải dựa trên cơ sở khoa học, có luận cứ, có phương pháp luận và phải đảm bảo tính bền vững chứ không phải nay nhập, mai tách.
Chẳng hạn Bộ Kế hoạch và đầu tư trong tương lai cũng có thể tập trung làm những vấn đề vĩ mô, chiến lược, cơ chế chính sách, có tính chất hoạch định tham mưu cho Đảng những vấn đề về định hướng phát triển.
Có đại biểu cho rằng Bộ Kế hoạch và đầu tư và Bộ Tài chính có chức năng, nhiệm vụ tương đồng nhưng khi làm chính sách thường hay vênh nhau nên nhập lại để thống nhất, tinh gọn đầu mối. Ông có bình luận gì?
Tôi cho rằng ý kiến này cũng không hoàn toàn chính xác. Cái này phải nói theo chức năng, nhiệm vụ chứ đừng nói bộ với bộ. Chức năng nào, nhiệm vụ nào thì thuộc bộ ấy.
Mô hình như Bộ Kế hoạch và đầu tư có nhiều nước áp dụng không, thưa ông?
Hiện nay vẫn còn một số nước áp dụng. Có thể tên gọi khác nhưng chức năng nhiệm vụ như nhau, cùng làm chức năng tham mưu hoạch định chính sách, đường lối phát triển, quy hoạch phát triển…
Các nước thường gọi là Bộ Phát triển, Bộ Kinh tế. Trung Quốc gọi là Uỷ ban Phát triển tài chính. Tất cả các nước đều có cơ quan làm những nhiệm vụ này.
Chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và đầu tư và Bộ Tài chính có trùng nhau?
Cùng liên quan đến ngân sách, cân đối ngân sách nhưng Bộ Kế hoạch và đầu tư là phân bổ nguồn lực cho đầu tư phát triển, còn Bộ Tài chính làm về phân bổ nguồn lực cho chi thường xuyên.
Xin cám ơn ông!
BizLive