Đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện lên 30%
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ 10% lên 30% tính trên thu nhập tháng bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn...
- 07-06-2021Tăng đột biến thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán, ô tô...
- 03-06-2021Vingroup đề xuất thí điểm ưu đãi thuế, phí cho ô tô điện
- 01-06-2021Từ 1/6, YouTuber tại Việt Nam chịu thêm đến 30% thuế trên tổng thu nhập từ lượt xem tại Mỹ
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa hoàn thiện dự thảo đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét. Trong đó, Bộ đề xuất tăng mức hỗ trợ bằng 30% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người tham gia.
SỬA ĐIỀU KIỆN HƯỞNG BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN
Trong dự thảo mới nhất, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục cho rằng, quy định về điều kiện hưởng lương hưu và nhận bảo hiểm xã hội một lần còn bất cập. Cùng với đó, hệ thống bảo hiểm xã hội về cơ bản còn thiết kế đơn tầng, kết nối giữa chính sách bảo hiểm xã hội với các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ; còn bỏ sót một số nhóm đối tượng...
Vì vậy, ở lần sửa đổi này, Bộ đề xuất thiết kế hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng có bổ sung quy định về trợ cấp hưu trí xã hội đối với người cao tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; có lộ trình điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Đồng thời, bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất điều chỉnh quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Theo đó, nếu người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà sau một năm không tham gia bảo hiểm xã hội đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần, thì mức hưởng cho mỗi năm đóng bằng 1 lần mức tiền lương bình quân tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
Trường hợp người lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng hoặc người lao động mắc bệnh hiểm nghèo, hoặc ra nước ngoài để định cư hợp pháp thì mức hưởng cho mỗi năm đóng bằng 2 lần mức tiền lương bình quân tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
Mức này áp dụng đối với thời gian đóng từ năm 2014 trở đi; còn thời gian đóng trước năm 2014 thì vẫn giữ như hiện hành là một năm đóng được hưởng 1,5 lần mức bình quân tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất tăng mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cụ thể, tăng mức hỗ trợ bằng 30% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tính trên thu nhập tháng bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn (hiện hành là 10%).
Bộ cũng đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm. Mục đích là tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Một điểm mới là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung quy định giao Chính phủ nghiên cứu thực hiện thí điểm chế độ trợ cấp trẻ em. Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà có con dưới sáu tuổi thì được hưởng trợ cấp hằng tháng tính trên mỗi con cho đến khi con đủ 6 tuổi.
Lao động trong ngành dệt may. Ảnh - Mạnh Dũng.
DỰ KIẾN TĂNG CHI NGÂN SÁCH HƠN 7.000 TỶ ĐỒNG MỖI NĂM
Đánh giá về tác động của các chính sách đề xuất trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tính toán sẽ phát sinh tăng chi ngân sách Nhà nước 49.521 tỷ đồng trong giai đoạn 2024 - 2030 (bình quân mỗi năm 7.074 tỷ đồng).
Đối với Quỹ Bảo hiểm xã hội, đối tượng tham gia mở rộng sẽ làm tăng nguồn thu vào Quỹ trong ngắn hạn và trung hạn, nhưng cũng làm tăng nguồn chi từ Quỹ trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Với người sử dụng lao động, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ tăng chi phí tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, do đối tượng này ở mỗi đơn vị là không nhiều nên chi phí tăng thêm là không đáng kể; nhưng giảm chi phí phải trả cho các rủi ro mà người lao động của mình gặp phải vì có sự chi trả từ quỹ.
Bộ cũng đánh giá, việc đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động giúp tăng cường quan hệ lao động hài hòa, giúp doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững.
Với người lao động, chính sách sẽ giúp họ được bảo vệ tốt hơn trước những rủi ro trong quá trình lao động, cũng như hướng tới tuổi già có lương hưu. Việc bổ sung chế độ trợ cấp trẻ em có thể giúp người lao động giảm bớt khó khăn trước mắt, giữ chân họ ở lại hệ thống thay vì hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
"Nhiều người lao động có cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội thông qua chính sách hỗ trợ hợp lý từ ngân sách Nhà nước. Nhiều người hơn có cơ hội hưởng lương hưu hàng tháng khi về già, đặc biệt là những người có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội ngắn", Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá.
Tuy nhiên, với việc điều chỉnh quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Bộ cho rằng có thể vẫn gặp phải phản ứng của một bộ phận người lao động.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định số 20 thì người từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng thì được trợ cấp với mức hưởng 360.000 đồng/tháng kể từ ngày 1/7/2021.
Độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng giảm xuống còn 75 đối với người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn…
Theo VnEconomy