Đến lúc giảm thuế, phí để kìm giá xăng dầu?
Bộ Công Thương khẳng định việc đấu thầu hơn 101 triệu lít xăng là đảo hàng dự trữ theo định kỳ, không phải do thiếu nguồn cung.
- 22-02-2022Giá xăng dầu liên tục tăng mạnh: Chuyên gia tài chính tiền tệ lên tiếng
- 22-02-2022Mỗi lít xăng "gánh" hơn 9.000 đồng thuế, giá xăng dầu Việt Nam vẫn "đang thấp hơn nhiều nước trong khu vực"
- 21-02-2022Bộ Tài chính: Giá xăng, dầu Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực
Bộ Công Thương vừa xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) về việc sẽ bán đấu giá lô hàng hơn 101,9 triệu lít xăng RON92 (xăng nền để pha chế xăng E5RON92) dự trữ quốc gia tại 12 điểm kho dự trữ của 3 doanh nghiệp là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) và Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp.
Bảo đảm nguồn cung
Theo dự thảo kế hoạch của Bộ Công Thương, với giá khởi điểm tạm tính 14.058 đồng/lít, số tiền thu được sau bán đấu giá là trên 1.433 tỉ đồng. Tuy nhiên, mức trúng đấu giá có thể cao hơn so với mức giá tạm tính này.
Các tổ chức tham gia đấu giá đủ điều kiện tại vòng sơ tuyển hồ sơ sẽ nộp tiền đặt trước theo mức tương đương 10%. Các chi phí liên quan việc bơm rót lên phương tiện vận chuyển, xuất hàng, các khoản thuế phí... do bên mua hàng chi trả. Bên mua phải đặt cọc trước 10% và thanh toán hết sau khi trúng đấu giá 3 ngày.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Bộ Công Thương cho biết đây là việc đảo hàng dự trữ theo định kỳ, không phải do thiếu nguồn cung mới bán xăng dầu dự trữ. Bên cạnh đó, đợt bán đấu giá này khoảng trên 101,9 triệu lít xăng RON92, so với nhu cầu thực tế của thị trường thì chiếm một phần rất nhỏ. Đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh việc bán xăng dự trữ là đảo hàng định kỳ nên thông tin chính xác, đầy đủ để tránh gây tâm lý lo ngại, hoang mang cho người dân.
Theo Bộ Công Thương, việc thiếu xăng dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết, nguồn cung cho thị trường trong nước thời gian tới cơ bản ổn định. Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn báo cáo sẽ sản xuất 100% công suất từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5-2022. Trong bối cảnh Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã nâng công suất lên 103% và từ ngày 7-2 lên 105%.
Đến tháng 3-2022, tồn kho từ tháng 2 chuyển sang vẫn bảo đảm, bên cạnh việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch chạy 85% công suất từ ngày 15-3 và từ đầu tháng 4 sẽ chạy đủ 100% công suất. Các thương nhân đầu mối cũng sẽ tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước theo chỉ đạo.
Nhấn mạnh nguồn cung được bảo đảm, Bộ Công Thương cho biết các thương nhân đầu mối đã đẩy mạnh việc nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước. Chẳng hạn, PVOil đang nhập khẩu tăng thêm và dự kiến về cảng Việt Nam vào cuối tháng 2 là 26.000 m3 xăng, 40.000 m3 dầu; Petrolimex khoảng 100.000 m3 xăng và 200.000 m3 dầu. Công ty Hải Hà cũng nhập khẩu khoảng 90.000 m3 dầu; Công ty Xuyên Việt Oil nhập khoảng 20.000 m3 xăng và 60.000 m3 dầu...
Giá xăng dầu trong nước đang ở mức cao kỷ lục. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đưa thuế, phí lên "bàn cân"
Tại kỳ điều hành ngày 21-2, giá xăng tiếp tục tăng lần thứ 5 liên tiếp, xô đổ giá kỷ lục của nhiên liệu này vào năm 2014. Tại thời điểm đó, xăng E5RON92 có giá 25.640 đồng/lít, xăng RON 95 giá 26.140 đồng/lít. Hiện nay, xăng E5RON92 có giá bán tối đa 25.530 đồng/lít, RON 95 ở mức 26.280 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng giá mạnh.
Theo Bộ Công Thương, thời gian tới, nếu diễn biến giá xăng dầu quá cao, quá phức tạp có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống, sản xuất của người dân, DN, làm vô hiệu hóa một số công cụ, chính sách phục vụ việc phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch, trong bối cảnh công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu có hạn, thì cần sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu trong nước. Thực tế, Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ Tài chính và các bên liên quan trong những ngày qua và đưa vấn đề thuế, phí lên "bàn cân" để tính toán, xem xét. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng gặp những áp lực nhất định về vấn đề ngân sách.
Về phía Bộ Tài chính, cơ quan này cho rằng hiện các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu gồm: thuế nhập khẩu (đối với xăng dầu nhập khẩu), thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với xăng) và thuế bảo vệ môi trường là phù hợp thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn của Việt Nam. Trong khi đó, người dân cho rằng áp dụng cơ cấu tính giá xăng dầu đưa vào các loại thuế, phí quá cao, như: thuế nhập khẩu 10%, thuế GTGT 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5RON92 là 8%) và thuế bảo vệ môi trường 3.800-4.000 đồng/lít. Ngoài ra, mỗi lít xăng còn gánh chi phí định mức kinh doanh 1.050-1.250 đồng, lợi nhuận định mức 300 đồng và trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo điều hành thực tế.
Bộ Tài chính cho rằng so với nhiều nước trên thế giới, tỉ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỉ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 45%-60% (trừ một số nước có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỉ trọng thấp hơn). Trong khi đó, ở Việt Nam, tỉ trọng thuế đối với xăng khoảng 38% và dầu khoảng 20%. Ngoài ra, trong giá bán xăng dầu còn có khoản chi phí vận chuyển, lợi nhuận định mức nhưng các khoản này cũng chỉ chiếm 5%-8% mức giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu.
"Những khoản chi phí này được rà soát, đánh giá hằng năm trên cơ sở các chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ phát sinh tại các thương nhân, đầu mối kinh doanh xăng dầu" - Bộ Tài chính giải thích.
Chuyên gia kinh tế - PGS-TS Ngô Trí Long cũng nhắc đến những khó khăn của Bộ Tài chính trong vấn đề cân đối ngân sách khi giảm thuế, phí để "hạ nhiệt" giá xăng dầu. Tuy nhiên, theo ông Long, thuế bảo vệ môi trường có thể xem xét, cân nhắc giảm.
Nhấn mạnh cần sử dụng dư địa thuế, phí để kìm đà tăng giá xăng dầu, GS-TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XV, cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần tính toán cơ cấu thuế, phí phù hợp để bình ổn giá nhiên liệu trong nước.
Ngày 22-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện gửi các bộ, ngành, địa phương về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt trong công tác điều hành, cân đối cung - cầu thị trường; không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28-2.
Người lao động