MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đến thời, lãnh đạo ngân hàng cũng “nhấp nhổm không yên”

07-08-2016 - 10:50 AM | Tài chính - ngân hàng

Có vẻ khá giống bóng đá Việt Nam, chặng đường thay tướng cầm quân của các ngân hàng trong thời gian qua cũng thử thách hết tướng “ngoại” rồi lại “nội”, từ “tướng nội” này sang “tướng nội” khác. Nhưng, có ngân hàng thay “sao” thì đổi được “vận”, có ngân hàng thì không!

Trong những năm gần đây, ngành ngân hàng đang phải tái cấu trúc, xử lý sở hữu chéo và làn sóng sáp nhập diễn ra mạnh mẽ, cùng với đó nhân sự cấp cao ngành ngân hàng cũng liên tục thay đổi tại nhiều ngân hàng lớn và nhỏ.

Bên cạnh đó, hàng loạt lãnh đạo ngân hàng vướng vòng lao lý và cũng không ít người phải rời ghế đương nhiệm. Theo nhiều nhận định, sắp tới, làn sóng biến động nhân sự cấp cao ngân hàng sẽ còn tiếp tục biến động.

Không còn là “sóng ngầm”

Chuyện đấu đá, tranh giành quyền lực cho các vị trí cấp cao trong ngân hàng xưa nay không phải là hiếm nhưng chưa hề được công khai rõ rệt và gay gắt như thời điểm hiện nay.

Cuộc tranh giành quyền lực nội bộ ở Eximbank được thị trường biết đến đã hơn 1 năm nay. Tình hình căng thẳng vì vấn đề nhân sự cấp cao bởi nhóm cổ đông nào cũng muốn có chân trong Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát khiến cho ngân hàng năm ngoái đã phải trì hoãn đại hội cổ đông tới hơn 3 lần, mãi đến gần cuối tháng 7 mới tổ chức được. Nhưng đại hội vẫn chưa quyết định được vấn đề quan trọng nhất.

Đến tháng 12/2015, đại hội phải tổ chức bất thường để bầu nhân sự, nhưng đại diện của một nhóm cổ đông lớn vẫn không được gọi tên. Lùm xùm về nhân sự cấp cao còn bị đẩy lên căng thẳng hơn nữa vì người ta nghi ngờ có sự gian lận trong quá trình bỏ phiếu, khi có ứng viên (ông Lê Minh Quốc ứng cử vào vị trí thành viên độc lập) tại lần công bố đầu tiên chỉ đạt chưa đến 46% số phiếu ủng hộ nhưng sau khi được “bỏ phiếu lại” thì đạt tỷ lệ hơn 58% và trúng cử.

Sau đại hội, ông Lê Minh Quốc được đề cập ở trên được bầu làm chủ tịch Hội đồng quản trị, còn vị đại diện đến từ Vietcombank làm trưởng Ban kiểm soát. Ngân hàng cũng thay cả Tổng giám đốc, ông Lê Văn Quyết, từng công tác tại NHNN (được cho là đại diện của Vietcombank) nhận vị trí “thuyền trưởng” từ trung tuần tháng 3/2016.

Sóng gió vẫn chưa thể yên, đến đầu tháng 4, ông Cao Xuân Ninh, người cũng từng công tác tại NHNN, bất ngờ từ nhiệm. Sang trung tuần tháng 5, ông Đặng Phước Dừa cũng xin thôi làm cố vấn HĐQT.

Khi mà các ngân hàng khác lần lượt tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên năm 2016, Eximbank vẫn chưa thể tiến hành trọn vẹn. Sau hai lần tổ chức ĐHCĐ bất thành, lần đại hội bất thường theo kế hoạch vào ngày 2/8 vừa qua cũng không thể diễn ra do NHNN chỉ đạo Eximbank kiểm tra, rà soát một số thông tin liên quan đến quyền đề cử và ứng cử của các nhóm cổ đông và báo cáo trước khi cơ quan này phê duyệt nhân sự bầu bổ sung HĐQT.

Đến nay, ngân hàng vẫn chưa cho cổ đông biết khi nào sẽ xác định được thời gian tổ chức ĐHCĐ. Song chắc hẳn, không khí tại đại hội sắp tới cũng sẽ rất “nóng” và căng thẳng không kém những lần trước.

Lạc dòng như Eximbank, Sacombank vẫn chưa tiến hành ĐHCĐ, trong đó có nguyên nhân liên quan đến vấn đề nhân sự. Sau khi được gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2015, HĐQT Sacombank đã xin phép các cơ quan quản lý được tổ chức ĐHCĐ dự kiến trong tháng 6/2016 với lý do ngân hàng này đã nhận sáp nhập SouthernBank và đang chờ hướng dẫn và phê duyệt đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập của NHNN. Tuy nhiên, đến nay, cổ đông của họ vẫn chưa biết bao giờ sẽ được mời họp.

Xáo trộn mạnh mẽ ở hàng loạt ngân hàng

Những người đi lại quay về - tình xưa nghĩa cũ là câu chuyện tại Nam A Bank. Vài tháng trước, tại ĐHCĐ, ông Nguyễn Quốc Toàn được bầu lại làm Chủ tịch HĐQT và bà Triệu Kim Cân trở thành Trưởng ban Kiểm soát. Như vậy, sau 9 tháng rời “ghế nóng” (ông Toàn xin từ nhiệm Chủ tịch HĐQT Nam A Bank tại cuộc họp ĐHCĐ bất thường tháng 7/2015), ông Toàn đã quay trở lại điều hành Nam A Bank. Ngoài ra, ông Trần Ngô Phúc Vũ cũng trở lại Nam A Bank với tư cách thành viên HĐQT, Ông Trần Ngọc Tâm cũng đã được bổ nhiệm lại làm Phó Tổng Giám đốc NamA Bank.

VietA Bank được xem là ngân hàng có sự thay đổi đồng bộ về lãnh đạo. Trong 1 năm trở lại đây, ngân hàng Việt Á đã miễn nhiệm 6 Phó tổng giám đốc, không những vậy, ngân hàng còn thay trưởng ban kiểm soát và miễn nhiệm thành viên HĐQT.

Trước đó, Việt Á đã miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với bà Phương Thanh Nhung và bổ nhiệm bà Nhung làm Phó chủ tịch HĐQT. Đồng thời, ngân hàng Việt Á bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Hảo giữ chức vụ Phó tổng giám đốc điều hành ngân hàng kể từ ngày 6/5/2016. Trước đó ông Hảo đảm nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực ngân hàng Việt Á.

Như vậy ban điều hành ngân hàng hiện nay còn 2 thành viên ngoài ông Hảo còn 1 Phó Tổng giám đốc khác là ông Phạm Linh. Số lượng thành viên trong HĐQT của Việt Á đang là 6 người.

Năm nay, hàng loạt ngân hàng khác cũng công bố thông tin thay đổi nhân sự cấp cao với nhiều sự miễn nhiệm, bổ nhiệm mới các Phó tổng giám đốc như tại VietinBank, VIB, SeABank, TPBank, Techcombank,…

Có vẻ khá giống bóng đá Việt Nam, chặng đường thay tướng cầm quân của các ngân hàng trong thời gian qua cũng thử thách hết tướng “ngoại” rồi lại “nội”, thậm chí từ “tướng nội” này sang “tướng nội” khác. Nhưng, có ngân hàng thay “sao” thì đổi được “vận”, có ngân hàng thì không!

Một chuyên gia tài chính ngân hàng từng chia sẻ với chúng tôi rằng, việc ra đi của các sếp ngân hàng xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, khi mà lĩnh vực ngân hàng vốn nhiều áp lực lại đang trải qua giai đoạn khó khăn như lợi nhuận sụt giảm, nợ xấu tăng cao, tăng trưởng tín dụng thấp. Phải nhìn nhận đây là điều tất yếu. Sự xáo những trộn chiếc ghế nóng trong ngành ngân hàng gắn liền với mục tiêu, chiến lược mới của các nhà băng và được dự báo sẽ còn rầm rộ hơn trong thời gian tới.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên