MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đến thú cưng cũng trở thành nạn nhân của Chiến tranh Thương mại Mỹ - Trung

24-10-2018 - 07:40 AM | Tài chính quốc tế

Ở một quốc gia mà ngay cả sữa và vắc-xin cho trẻ em cũng đều gặp quá nhiều vấn đề về chất lượng thì rõ ràng rằng, những người nuôi thú cưng sẽ thấy đồ nhập khẩu là an toàn hơn.

Olivia Ren (Trung Quốc), không bao giờ nghĩ rằng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến Dada - chú chó cưng của Olivia thuộc giống Golden Retriever.

Ren sống tại Thượng Hải và phải chi trả rất nhiều cho một thương hiệu đồ ăn cho thú cưng của Mỹ, là Canidae, để Dada có thể ăn loại đồ ăn chất lượng nhất. Ren thường tự nếm thử đồ ăn trước để đảm bảo rằng nó không có mùi ôi thiu hay nhiễm độc, bởi cô nghĩ rằng đồ ăn do Trung Quốc sản xuất không đảm bảo chất lượng.

Hiện tại, Canidae và những thương hiệu đến từ Mỹ khác đã trở thành một "nạn nhân" khác của thuế quan áp lên 1 tỷ USD giá trị hàng hoá được vận chuyển giữa Mỹ và Trung Quốc. Các chuyên gia ngành thực phẩm của thú cưng cho biết, giới chức Trung Quốc đã trì hoãn việc giao hàng tại hải quan để đáp trả những động thái từ phía Mỹ. Mức thuế quan mới được đưa ra hồi tháng 7 cũng khiến thức ăn cho thú cưng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.

Không tin tưởng vào sản phẩm được sản xuất trong nước, những người nuôi thú cưng ở Trung Quốc trở thành nạn nhân kế tiếp của cuộc chiến thương mại - Ảnh 1.

Ren tự nếm thử trước khi đưa cho chú chó của mình

Hồi tháng 6, do nguồn cung quá khan hiếm, Ren đã mua đến hơn 90kg Candae cho Dada và chú chó của bạn trai cô. Cô chia sẻ: "Tôi gặp những cơn ác mộng và tỉnh dậy với nỗi lo lắng rằng mình không thể mua Canidae được nữa."

Ren không phải là người nuôi thú cưng duy nhất ở Trung Quốc làm như vậy. Austin Chen, sống ở Quảng Châu, cũng mua một số lượng lớn đồ ăn dự trữ cho chú mèo của mình - Ferra, phòng trước hợp thức ăn cho mèo là "nạn nhân" kế tiếp. Anh cho hay: "Đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được cuộc chiến thương mại đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của tôi và chú mèo của tôi."

Những chủ vật nuôi khó tính như Chen chỉ chiếm một số lượng nhỏ ở Trung Quốc, nhưng sự khó khăn của họ chính là "điềm báo" cho những căng thẳng mang tính sâu rộng hơn của cuộc chiến thương mại ngày một căng thẳng. Thuế quan trả đũa của Trung Quốc đã khiến đậu nành nhập khẩu và thịt lợn đắt đỏ hơn, trong khi Trung Quốc là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu do nhu cầu thực phẩm cao.

Tình hình ở Trung Quốc có thể trở nên khó khăn hơn nếu cuộc chiến thương mại kéo dài khiến giá thành của các sản phẩm bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, việc này cũng có thể gây áp lực cho Bắc Kinh trong việc giành được sự nhượng bộ, và cả hai lựa chọn đều mang lại nhiều rủi ro cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Đồ ăn cho thú cưng có vẻ là một mục tiêu không bền vững của cuộc chiến thương mại, nhưng lại cho thấy rằng giới chức Trung Quốc phải "sáng tạo" như thế nào nếu muốn đáp trả ông Trump.

Thú cưng ở Trung Quốc đã trở thành một ngành kinh doanh lớn. Giá bất động sản tăng vọt cùng các loại chi phí khác đã khiến cho nhiều người dân nơi đây trì hoãn việc lập gia đình. Vì vậy, rất nhiều người lựa chọn cách nuôi thú cưng. Theo China Securities, một công ty môi giới ở Bắc Kinh, lượng chi tiêu cho thú cưng ở Trung Quốc đã tăng đến hơn 8 lần kể từ năm 2010, tăng lên khoảng 25 tỷ USD một năm, họ chủ yếu nuôi chó và mèo. Thị trường này vẫn tiếp tục phát triển. Trung Quốc có số lượng dân cư lớn gấp 4 lần Mỹ nhưng gần bằng một nửa số lượng vật nuôi trong gia đình, với 51 triệu con chó và 41 triệu con mèo.

Không tin tưởng vào sản phẩm được sản xuất trong nước, những người nuôi thú cưng ở Trung Quốc trở thành nạn nhân kế tiếp của cuộc chiến thương mại - Ảnh 2.

Một chú chó đang tập bơi ở cửa hàng bán đồ thú cưng tại Thượng Hải

Và nhiều người chỉ đơn giản là không tin tưởng vào đồ ăn cho thú cưng của Trung Quốc sản xuất. Ở một quốc gia mà ngay cả sữa và vắc-xin cho trẻ em cũng đều gặp rất nhiều vấn đề về chất lượng thì rõ ràng rằng, những người nuôi thú cưng sẽ thấy đồ nhập khẩu là an toàn hơn.

Bất kể nguồn gốc của những gói đồ ăn đó đến từ đâu, thì những người như Ren cũng đều tự nếm thử trước. Nếu mùi hoặc vị của nó giống thịt cá, thịt gà đã hỏng hoặc mùi vị khó chịu khác thì họ sẽ không để thú cưng của mình ăn dù chỉ một miếng.

Cho đến nay, vẫn không có nghiên cứu nào cho thấy thức ăn cho thú cưng do Trung Quốc sản xuất có vấn đề. Nhưng người tiêu dùng nước này vẫn rất cảnh giác với thực phẩm trong nước, sau những bê bối về vắc-xin và sữa thời gian gần đây.

Tại Mỹ, từ năm 2014, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm đã đưa ra những cảnh báo về việc ngừng nhập khẩu thức ăn cho thú cưng từ 6 công ty của Trung Quốc. Cùng năm đó, chuỗi bán lẻ Petco cho biết họ cũng ngừng bán thức ăn cho thú cưng nhập khẩu từ Trung Quốc. Một vụ bê bối khác, đó là hoá chất thải ra từ quá trình sản xuất nhựa đã được tìm thấy trong một chất độn rẻ tiền trong thức ăn cho thú cưng của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ.

Elaine Sun, một người nuôi thú cưng sống tại Wuxi - một thành phố gần Thượng Hải, cho biết: "Thức ăn cho vật nuôi được sản xuất trong nước rất độc hại. Cho dù họ có nói rằng sản phẩm đó tốt đến thế nào, tôi cũng không bao giờ tin tưởng mà sử dụng."

Ding Limin, một chuyên gia dinh dưỡng thú y tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết dưỡng chất và chất lượng trong thức ăn nhập khẩu và được sản xuất trong nước cho hơi khác biệt.

Không tin tưởng vào sản phẩm được sản xuất trong nước, những người nuôi thú cưng ở Trung Quốc trở thành nạn nhân kế tiếp của cuộc chiến thương mại - Ảnh 3.

Việc nhập khẩu thức ăn cho thú cưng bị trì hoãn do các khâu kiểm tra được thực hiện chặt chẽ hơn

Các chính sách thương mại từ lâu đã ảnh hưởng đến thức ăn cho vật nuôi. Bắc Kinh ban hành lệnh cấm nhập khẩu thức ăn cho vật nuôi với thịt bò và thịt gà, nhấn mạnh những lo ngại về bệnh bò điên hoặc cúm gia cầm. Một phần do những quy định hạn chế này, vào năm ngoái, Trung Quốc đã xuất khẩu 148 triệu USD giá trị thức ăn cho vật nuôi sang Mỹ nhưng nhập khẩu chỉ là 6,5 triệu USD. Vào năm ngoái, Trung Quốc cũng bắt đầu cho phép nhập khẩu thịt bò Mỹ.

Các quan chức ngành công nghiệp ở Trung Quốc nói rằng việc nhập khẩu thức ăn cho thú cưng từ Mỹ đã trở nên khó khăn hơn kể từ tháng 5, do tác động của cuộc chiến thương mại. EPet, một trang bán hàng trực tuyến của Trung Quốc, nói rằng các biện pháp kiểm soát nhập khẩu đang được thắt chặt hơn và giới chức đang tiến hành kiểm tra nhiều hơn. Công ty này cho hay: "Đáng buồn, ngành công nghiệp thức ăn cho vật nuôi đang bị ảnh hưởng bởi "cơn bão" thương mại."

Roy Cheng, một đại lý nhập khẩu thức ăn cho thú cưng từ Mỹ sang Trung Quốc, cho hay các sản phẩm của ông được kiểm tra ít nhất 6 lần trong vòng 2 tháng qua. Trước khi cuộc chiến thương mại xảy ra, các thanh tra chỉ kiểm tra chưa đến một lần mỗi tháng. Anh nói: "Tôi đang trở thành một chính trị gia, tôi đọc tin về chiến tranh thương mại mỗi ngày, dù tôi chỉ là một người bán thức ăn cho thú cưng."

Rober B. Zoellick, một cựu đại diện thương mại Mỹ, cho biết thức ăn cho thú cưng có thể là một yếu tố thảo hiệp giữa hai quốc gia. Ông nói: "Văn hoá về thú cưng đã mở rộng, vậy chẳng phải là chúng ta muốn chúng luôn khoẻ mạnh?"

Nhưng hiện tại, thức ăn cho thú cưng có thể vẫn là "con tin" của cuộc chiến thương mại. Trở lại với Ren, chủ của chú chó Dada, gần đây đã tìm thấy Canindae trên mạng và đặt mua một bịch, tuy nhiên đơn hàng bị từ chối do nhà nhập khẩu và cô phải huỷ bỏ nó.

Ren cho hay: "Tôi thà tự nấu đồ ăn cho chú chó của tôi. Những chú chó cũng như người. Nếu bạn có thức ăn chất lượng tốt, bạn sẽ không thường xuyên bị bệnh."

Hương Giang

The New York Times

Trở lên trên