MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dệt may Việt Nam chinh phục mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD năm 2024

16-12-2023 - 13:27 PM | Thị trường

Dệt may Việt Nam đưa ra mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023 bằng các giải pháp về đầu tư, thị trường, ứng dụng công nghệ, vốn và nguồn nhân lực.

Tại Hội nghị tổng kết Hiệp hội dệt may Việt Nam năm 2023 diễn ra sáng 16/12, tại Hà Nội, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, sản xuất và xuất khẩu dệt may trong năm 2023 chịu nhiều áp lực, thách thức lớn từ suy thoái kinh tế toàn cầu, dư âm của đại dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu, lượng hàng tồn kho lớn do nhu cầu sụt giảm… Từ những khó khăn này, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may năm 2023 ước đạt 40,324 tỷ USD, giảm hơn 9% so với năm 2022.

Căn cứ vào triển vọng phục hồi kinh tế thế giới cũng như dự báo tình hình kinh tế Việt Nam, VITAS đưa ra mục tiêu phấn đấu tăng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023. Phân tích những cơ hội cho mục tiêu này, ông Cẩm cho rằng, hiện nay tình hình kinh tế tại các thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, điều này làm tăng khả năng cải thiện nhu cầu về hàng dệt may cao hơn năm 2023.

Dệt may Việt Nam chinh phục mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD năm 2024 - Ảnh 1.

Hội nghị tổng kết Hiệp hội dệt may Việt Nam năm 2023 diễn ra sáng 16/12, tại Hà Nội

“Cùng với đó, mặt bằng lãi suất cho vay tại Việt Nam hiện đã giảm đáng kể, giúp giảm sức ép chi phí lãi vay lên các DN. Các chính sách hỗ trợ DN của Chính phủ hiện nay có thể được kéo dài trong năm 2024. Đặc biệt, Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 đã được phê duyệt sẽ là 1 trong những lợi thế lớn”, ông Cẩm nêu những cơ hội lớn.

Tuy nhiên, để chinh phục mục tiêu năm 2024, Phó Chủ tịch VITAS cho rằng, ngành dệt may sẽ đối diện với những khó khăn thách thức lớn về yêu cầu của thị trường. Cụ thể như việc áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như Chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”.

Hay như Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức; Đạo luật chống lao động cưỡng bức của Mỹ (UFLPA) cho ngành sợi. Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế thế giới trong 2 năm tới còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó tâm điểm là xung đột Trung Đông giữa Israel và lực lượng Hamas cùng những chính sách kiềm chế lạm phát của một số nước.

 5 giải pháp chính cho mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD  

Đề ra 5 giải pháp chính đảm bảo mục tiêu xuất khẩu đề ra trong năm 2024, ông Trương Văn Cẩm cho biết, đối với giải pháp về đầu tư phát triển bền vững, VITAS sẽ thu hút các dự án dệt-nhuộm-hoàn tất công nghệ cao vào các KCN. Mạnh dạn đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường cũng như phát triển ngành thời trang dệt may.

“Đối với giải pháp về thị trường, ngành dệt may tiếp tục đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu, bằng cách nâng cao năng lực marketing, tìm kiếm khách hàng trực tiếp. Tăng cường liên kết chuyển dần từ gia công (CMT) sang FOB, ODM, OBM và tập trung phát triển thương hiệu, sản phẩm mới…”, ông Cẩm cho hay.

Dệt may Việt Nam chinh phục mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD năm 2024 - Ảnh 2.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS phát biểu khai mạc

Giải pháp về phát triển ứng dụng công nghệ, ngành dệt may đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ, vật liệu, nguyên liệu mới thân thiện môi trường hoặc chuyển giao công nghệ. Quản lý chất lượng sản phẩm toàn diện, nâng cao năng lực các cơ sở nghiên cứu, chất lượng các đề tài... nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi số, xanh hóa ngành dệt may...

“Riêng giải pháp về vốn, VITAS có chính sách huy động vốn, cấp tín dụng cho xây dựng hạ tầng, xử lý nước thải tại các KCN. Triển khai các chương trình về tín dụng xanh, cho thuê tài chính chuyển đổi công nghệ xanh và vốn cho phát triển cây nguyên liệu sẵn có trong nước (tơ tằm, đay, gai, chuối, dứa...)”, ông Cẩm nêu điểm nhấn, đồng thời lưu ý đến giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho quản trị, quản lý kỹ thuật, thiết kế ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. “Ngành dệt may cần xây dựng Chiến lược nhân sự trong nâng cao năng lực quản lý sản xuất, chuỗi giá trị, nhân lực đào tạo cho các trường Đại học, Cao đẳng và dạy nghề”, ông Cẩm nêu trọng tâm.

Với mục tiêu đề ra tăng kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 lên 44 tỷ USD, đại diện VITAS cũng kiến nghị Nhà nước sớm triển khai sớm gói 120.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi cho xây nhà ở xã hôi, nhà ở công nhân, qua đó ban hành các tiêu chí phù hợp để người có thu nhập thấp được thụ hưởng chính sách. Tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho DN để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là cho các ngành nghệ khó đào tạo như kỹ sư dệt, nhuộm, thiết kế, cho đổi mới công nghệ, kỹ năng xanh, kỹ năng chuyển đổi số.

Ông Trương Văn Cẩm cũng đề cập đến gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng lãi suất 2% đang triển khai rất chậm tại các ngân hàng thương mại, nên đề nghị Nhà nước nghiên cứu chuyển sang hỗ trợ các dự án chuyển đổi xanh để đáp ứng các quy định mới của thị trường. Đồng thời, ông Cẩm đề nghị bỏ thuế VAT và thuế nhập khẩu chỗ cho hàng hóa sản xuất xuất khẩu quy định tại Nghị định 18/2021/NĐCP; Cho phép thương nhân nước ngoài có hiện diện hoặc không có hiện diện tại Việt Nam được áp dụng quy định XNK tại chỗ.

“Giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, sửa đổi quy định hưởng lương hưu để giảm số lao động rút BHXH 1 lần, sửa đổi quy định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp để tránh lao động nhảy việc, giảm tỷ lệ DN đóng kinh phí công đoàn về tối đa 1% và giảm tỷ lệ nộp lên công đoàn cấp trên tối đa 15%”, Phó Chủ tịch VITAS kiến nghị.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

Trở lên trên