MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dệt may Việt Nam vượt khó để phát triển bền vững - Bài 1: Chủ động linh hoạt thích ứng

Dệt may là ngành công nghiệp xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2023, kinh tế thế giới suy thoái đã khiến ngành dệt may xuất khẩu không đạt được mục tiêu đề ra như kỳ vọng.

Nhiều doanh nghiệp phải chật vật tìm cách để tồn tại trong bối cảnh tổng cầu giảm, chi phí đầu vào và cạnh tranh của các quốc gia khác tăng.

Dự báo năm 2024, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục biến động khó lường. Thách thức với doanh nghiệp dệt may chưa dừng lại khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải.

Do vậy, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2035 xây dựng được thương hiệu Dệt may Việt Nam phát triển bền vững, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn không chỉ của doanh nghiệp mà rất cần sự hỗ trợ của nhiều bên liên quan.

Dệt may Việt Nam vượt khó để phát triển bền vững - Bài 1: Chủ động linh hoạt thích ứng - Ảnh 1.

Công nhân dệt may tại Công ty CP May mặc Dony, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Các số liệu thống kê thời gian gần đây cho thấy, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do kinh tế toàn cầu suy thoái, cầu tiêu dùng còn yếu, sự cạnh tranh từ các quốc gia đối thủ. Trong khi đó, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, doanh nghiệp không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng... Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn ấy, vẫn có một số tín hiệu tích cực, tạo động lực cho doanh nghiệp dệt may tiếp tục có giải pháp linh hoạt, chủ động thích ứng, tìm cách vượt qua khó khăn.

Tín hiệu tích cực trong khó khăn

Theo Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền, kết quả khảo sát tháng 10 vừa qua của Hội Dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh (AGTEK) với các doanh nghiệp thành viên cho thấy, doanh nghiệp dệt may vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo đó, chỉ có 15% doanh nghiệp có doanh thu tăng trong 10 tháng năm. Số còn lại đều giảm doanh thu. Số có doanh thu giảm trên 40% chiếm 15%. Số doanh nghiệp có lợi nhuận tăng chỉ chiếm 27%. Ngoài ra, đối với ngành may, đơn hàng thường phải có trước 6 tháng, doanh nghiệp mới có khả năng chuẩn bị kịp.

Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp chưa có đơn hàng trong quý IV, số có đơn hàng nhưng không lấp đầy công suất là khá phổ biến; trong đó, số có đơn hàng đạt 90-100% công suất chỉ chiếm 21%; số có đơn hàng quý I năm sau chỉ chiếm 36%; số có đơn hàng từ quý II/2024 trở đi hầu như chưa có.

Có đến 86% doanh nghiệp cho biết khó khăn chủ yếu là do đơn hàng giảm, 57% do giá giảm, 50% do chi phí tăng và 36% doanh nghiệp khó khăn do áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp nước khác.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm nay là năm khó khăn nhất của ngành dệt may Việt Nam từ trước đến nay. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu dệt may năm nay chỉ đạt khoảng 40,3 tỷ USD, tương đương với giá trị xuất khẩu của năm 2021, giảm 9,2% so với năm ngoái.

Nhưng trong khó khăn vẫn có điểm sáng. Đó là năm nay, lần đầu tiên hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu đến 104 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo bà Mai, các doanh nghiệp dệt may đã rất nỗ lực, bằng mọi cách đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng, chấp nhận làm những đơn hàng không lãi để tồn tại, duy trì lao động, để cho dòng tiền vẫn chảy.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê và thông tin từ Bộ Công Thương, mặc dù lũy kế 11 tháng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vẫn bị giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 30,27 tỷ USD. Nhưng có tín hiệu tích cực là, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất dệt, may, giày, dép tháng 11 đã tăng 30,9% so với tháng trước, đạt 650 triệu USD và tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước. Xơ sợi dệt các loại tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo của AGTEK, xu hướng thị trường quý IV có những chuyển biến tích cực khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) phát đi thông tin tạm dừng tăng lãi suất. Động thái này sẽ hỗ trợ thị trường hàng tiêu dùng trong đó có hàng dệt may. Cùng với đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng của Hoa Kỳ và Trung Quốc đều trên 50 điểm, lạm phát tiếp tục được kiểm soát… là những thông tin tích cực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Theo Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền, ngoài nguyên nhân từ phía cầu là các thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn của Việt Nam đều gặp khó khăn, nhu cầu giảm, còn có nguyên nhân từ phía cung. Do Trung Quốc mở cửa trở lại, khiến nguồn cung cạnh tranh tăng lên. Hai là, ngoài cạnh tranh với các doanh nghiệp trong ngành, doanh nghiệp dệt may còn phải cạnh tranh về lao động với doanh nghiệp ngành khác.

Do người lao động có xu hướng ít chọn ngành may hơn. Ngoài ra, các tiêu chuẩn xanh của EU trong Chiến lược xanh hóa được công bố thời gian gần đây đã tạo ra rào cản và áp lực rất lớn, khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa chuyển đổi chưa kịp.

Theo bà Mai, để đạt được các tiêu chuẩn xanh hóa là thách thức lớn của các doanh nghiệp dệt may vì 80% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp thiếu vốn để đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh như xử lý nước thải, sử dụng năng lượng tái tạo… Nhiều doanh nghiệp hoang mang khi thấy có quá nhiều quy định cho việc chuyển đổi xanh như Chứng chỉ LEED, Quy định về Thẩm định chuỗi cung ứng (Due Diligence),... Chưa kể, thông tin trên báo chí còn cho rằng Bangladesh - đối thủ cạnh tranh của dệt may Việt Nam, giành được nhiều đơn hàng hơn do họ có nhiều nhà máy xanh hơn.

Bà Mai khẳng định, đó là thông tin chưa đúng. Bangladesh có đơn hàng do giá nhân công đang thấp hơn Việt Nam. Đơn hàng của họ không phải là đơn hàng cao cấp, kỹ thuật cao như của Việt Nam. Các nhãn hàng lớn của thế giới vẫn lựa chọn Việt Nam để đặt hàng cao cấp như veston, áo sơ mi, hàng thể thao... Hiện nhiều nhà máy tại Bangladesh đã phải đóng cửa do công nhân biểu tình đòi tăng lương. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang làm tốt việc đảm bảo nguồn sống cho người lao động.

Linh hoạt chủ động thích ứng

Theo Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền, mặc dù có đến 43% doanh nghiệp thuộc hội viên AGTEK được khảo sát có nhận định chưa lạc quan về triển vọng thị trường năm 2024. 36% cho rằng tình hình vẫn tương tự năm 2023 và chỉ có 21% có đánh giá lạc quan. Nhưng đáng chú ý là, không có doanh nghiệp nào có ý định chuyển đổi sản phẩm hoặc lựa chọn không thay đổi gì so với trước. Mà có đến 50% cho biết sẽ chuyển đổi xanh, 36% sẽ chuyển đối số, 29% sẽ chuyển đổi thị trường,.71% cho biết sẽ sản xuất linh hoạt, đáp ứng đơn hàng nhỏ.

Điều này cho thấy, các doanh nghiệp dệt may đã nhận thức được vấn đề cần phải chuyển đổi để tồn tại. Đó chính là động lực để cho các doanh nghiệp có quyết tâm và tìm ra được giải pháp để vượt qua khó khăn, thách thức.

Chia sẻ ở góc độ doanh nghiệp, bà Lê Nguyên Trang Nhã - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Viking Việt Nam cho biết, mặc dù đơn hàng khó khăn, nhưng những yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường đặt ra ngày càng nhiều và khắt khe hơn. Doanh nghiệp đã phải rất nỗ lực mới có thể tồn tại và vượt qua được khó khăn, đảm bảo được thu nhập cho người lao động.

Lãnh đạo doanh nghiệp đã phải chủ động lăn xả nhiều hơn các năm trước gấp 5-10 lần. Theo đó, chủ động trực tiếp tham gia các hội chợ để tìm kiếm khách hàng, chủ động học hỏi, xây dựng 2-3 kế hoạch dự phòng trong trường hợp không đủ đơn hàng để xoay sở duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp trong thời kỳ đang có rất nhiều sự chuyển biến.

Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền dự báo, triển vọng kinh tế năm 2024 sẽ phục hồi tốt, do hiện nay Chính phủ đang mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ, việc này sẽ giúp kích thích đầu tư. Triển vọng thu nhập và tiêu dùng sẽ tăng trở lại khi đó nhu cầu hàng dệt may sẽ tăng.

Theo đánh giá của AGTEK, dự báo của các chuyên gia cho thấy, tổng cầu hàng dệt may 2024 dự kiến cải thiện hơn so với năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn 5-7% so với năm 2022. Khó khăn với ngành dệt may Việt Nam có thể kéo dài khi những yếu tố bất lợi vẫn hiện hữu như khủng hoảng địa chính trị lan rộng, suy thoái kinh tế thế giới, các thị trường xuất khẩu chính vẫn chưa phục hồi. Trong khi đó, cạnh tranh về giá từ quốc gia đối thủ, cạnh tranh ở thị trường nội địa vẫn diễn ra gay gắt với sự tham gia của nhiều thương hiệu, doanh nghiệp nước ngoài. Hành vi người tiêu dùng thay đổi. Chi phí đầu vào tăng cao,…

Do vậy, AGTEK khuyến cáo các doanh nghiệp phải thận trọng trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, chủ động tìm cơ hội từ các thị trường lớn, còn nhiều dư địa, tiềm năng như thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc, nâng cao năng suất, phát triển những mặt hàng mới.

Bên cạnh đó, ngành may cần linh hoạt cơ cấu chuyển đổi mặt hàng để đảm bảo đơn hàng đáp ứng nhu cầu thị trường; ngành sợi nghiên cứu các mặt hàng mới, thị trường mới để đón đầu xu hướng. Đổng thời, phát triển đồng bộ về công nghệ và kỹ thuật cho ngành dệt nhuộm, nâng cao chất lượng sản phẩm; tập trung cho các chỉ tiêu xanh, sản xuất sạch, nguyên liệu và sản phẩm tuần hoàn.

Bài cuối: Đồng bộ các giải pháp

Theo Lâm Nguyên

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên