MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dệt may vượt khó: "Ăn cháo còn hơn nhịn đói" để giữ công nhân

19-08-2023 - 19:54 PM | Doanh nghiệp

Dệt may vượt khó: "Ăn cháo còn hơn nhịn đói" để giữ công nhân

Theo đại diện Bộ Công Thương, trong suốt 20 năm qua, ngay cả khi khủng hoảng kinh tế, xuất khẩu dệt may cũng chưa từng đối diện khó khăn như hiện nay.

Cả nước có hơn 10.000 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành dệt may. Đây là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực, sử dụng đến 30% lực lượng lao động công nghiệp.

Thế nhưng "gồng mình cầm cự" hay "thắt lưng buộc bụng" là những cụm từ được nhiều người sử dụng để nói về tình trạng khó khăn mà các doanh nghiệp dệt may đang phải đối mặt. Thậm chí có người còn nói rằng, doanh nghiệp dệt may đang "ngấm đòn" sau đại dịch COVID-19.

Nói vậy là bởi, dệt may luôn dẫn đầu trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước, có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thế nhưng nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành chỉ đạt hơn 18,6 tỉ USD, giảm hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dệt may vượt khó: Ăn cháo còn hơn nhịn đói để giữ công nhân - Ảnh 1.

Nửa đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của ngành chỉ đạt hơn 18,6 tỉ USD, giảm hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái

Và người lao động trong ngành, từ chỗ, có thời điểm phải tăng ca đến 40 giờ/tháng, thì cho đến hết quý II năm nay, các doanh nghiệp dệt may phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đơn hàng trầm trọng, thiếu hụt từ 30-70% đơn hàng. Trong bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp đang tìm mọi cách để duy trì sản xuất, đảm bảo doanh thu và đặc biệt giữ chân người lao động...

Ghi nhận tại Công ty TNHH Sangwoo Việt Nam, một trong những doanh nghiệp đầu tiên có mặt tại khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Hiện công ty này có gần 1.400 lao động ngay tại địa phương và chị Nguyễn Phương Thảo cũng là những công nhân đầu tiên của nhà máy. Hiện tại chị Thảo đang là thành viên tổ QA - tổ kiểm định chất lượng, một trong những khâu quan trọng nhất tại nhà máy.

"Mình vẫn muốn tiếp tục đóng góp lao động tại đây. Công ty cũng tạo điều kiện nếu mình làm tốt hơn sẽ được ở vị trí cao hơn", chị Thảo cho biết.

Mong mỏi của chị Thảo cũng là mong mỏi của gần 1.400 lao động tại đây bởi mỗi tháng, doanh này đang xuất khẩu gần 40.000 sản phẩm sang các nước Mỹ, Canada, EU... và mức lương vị trí của chị Thảo là 8-10 triệu đồng/ tháng. Con số này giúp gia đình chị ổn định và duy trì cuộc sống ngay tại quê nhà. Thế nhưng khó khăn cũng đã bắt đầu hiện hữu và lo lắng cũng đã xuất hiện với người chủ công ty Sangwoo Việt Nam.

"Đến tháng 9 này là chúng tôi hết đơn hàng, vì thế chúng tôi đang phải nỗ lực tìm thêm nhiều bạn hàng mới để tiếp tục duy trì sản xuất. Cũng có thể chưa gối đầu dây chuyền sản xuất ngay được bởi các đối tác cũng cần thời gian cân nhắc", ông Jun Huyn Soo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sangwoo Việt Nam cho biết.

Hay như tại Công ty CP may Minh Anh Đô Lương, từ đầu năm đến nay ghi nhận tình trạng sụt giảm mạnh đơn hàng ở các thị trường truyền thống như Đức, Mỹ… công ty đã phải mở rộng thị trường, tìm kiếm các đơn hàng mới từ các nước tại Trung Đông, Hàn Quốc... Và dù chấp nhận đơn hàng nhỏ, giá rẻ thế nhưng lượng đơn hàng vẫn sụt giảm đến 20 - 30% so với cùng kì. Bên cạnh việc cắt giảm các chi phí, doanh nghiệp đã buộc phải giảm giờ làm bằng cách cho sản xuất luân phiên, nghỉ cuối tuần. Thu nhập người lao động cũng phải cắt giảm 10%.

Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, sự phục hồi và giá trị xuất khẩu toàn ngành trong tháng 7 đã tăng 4,1% so với tháng trước, đạt 3,65 tỉ USD. Tuy nhiên, lũy kế 7 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu toàn ngành dệt may trong nước cũng đã giảm 16,7% so với cùng kỳ, tương đương 21,5 tỉ USD.

Bà Ngô Thu Hương - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu hàng Công nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong suốt 20 năm qua, ngay cả khi khủng hoảng kinh tế, xuất khẩu dệt may cũng chưa từng đối diện khó khăn như hiện nay.

"Xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm nay giảm đến 17% có nguyên nhân chủ yếu đến từ nhu cầu của các thị trường truyền thống giảm. Theo dự báo, tổng cầu dệt may của toàn cầu trong năm nay giảm khoảng 8%, riêng thị trường Mỹ giảm khoảng 3,5%, EU giảm 1,8%...", bà Hương cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên chia sẻ năm nay phải chấp nhận giá gia công giảm từ 20 - 30%, do đó năm nay xác định làm không có lãi.

"Điều quan trọng nhất chúng tôi xác định thà "ăn cháo còn hơn nhịn đói" chứ đừng để lao động mất việc", ông Dương nêu quan điểm và cho biết từ đầu năm đến nay vẫn duy trì đủ việc làm cho người lao động song thu nhập giảm từ 5-10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dệt may vượt khó: Ăn cháo còn hơn nhịn đói để giữ công nhân - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp dệt may xác định năm nay không có lãi thậm chí là lỗ

Ngoài khó khăn về đơn hàng, theo đánh giá, truy xuất nguồn gốc sản phẩm dệt may đang trở thành yêu cầu quan trọng hàng đầu ở các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Anh, EU… Đây đang là thách thức với ngành dệt may, bởi chủ yếu chúng ta nhập nguyên phụ liệu, trong đó riêng mặt hàng bông gần như phải nhập 100%. Do vậy, để tận dụng được hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và rộng cửa tiến vào nhiều thị trường lớn trên thế giới thì điều quan trọng là các doanh nghiệp phải chủ động để thích ứng trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của đối tác nước ngoài.

Về các đề xuất để cải thiện tình hình trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên cho rằng cần điều chỉnh tỷ giá cho hợp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may cũng như xuất khẩu nói chung. Ông Dương cũng đề xuất cần quy định rõ ràng, cụ thể liên quan đến phòng cháy chữa cháy giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Ngoài ra ông cũng đề xuất Chính phủ có các chính sách giảm thuế và lãi suất mạnh mẽ hơn để hỗ trợ doanh nghiệp…

Về phía Bộ Công Thương, bà Ngô Thu Hương - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu hàng Công nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu, cho rằng từ nay đến cuối năm để cải thiện tình hình, cần đẩy mạnh hơn hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương để các doanh nghiệp có thể ký kết được các hợp đồng. Còn trong dài hạn, các doanh nghiệp dệt may cần tổ chức lại sản xuất, phát triển sản phẩm theo xu thế mới của thị trường như: Giảm phát thải, tăng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu tái chế, sử dụng năng lượng sạch…

Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam từ nay đến 2030, tầm nhìn 2035 đã chỉ rõ, tiến trình xanh hoá là xu hướng tất yếu với ngành dệt may. Không chỉ nguyên liệu đầu vào, các mục tiêu về hạ tầng, môi trường, năng lượng tái tạo... sẽ dần được xác định, nhằm đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu, minh bạch hóa quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng trong tương lai.

VTV

VTV

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên