MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ Vietcombank: Kế hoạch lãi 20.000 tỷ, tiếp tục chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài

26-04-2019 - 09:42 AM | Tài chính - ngân hàng

Lãnh đạo Vietcombank cho biết trong những năm vừa qua đã tiếp cận với các nhà đầu tư lớn và có nhiều nhà đầu tư cũng muốn tham gia vào Vietcombank, nên khả năng đợt tăng vốn tới sẽ có sự tham gia của các cổ đông này.

Sáng nay 26/4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2019.

Đạt và vượt kế hoạch 2018

Theo báo cáo trình bày tại đại hội, ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch HĐQT cho biết, năm 2018 quán triệt phương châm hành động "Chuyển đổi - Hiệu quả - Bền vững"và quan điểm chỉ đạo điều hành "Đổi mới - Kỷ cương - Trách nhiệm"với trọng tâm kinh doanh chuyển định hướng vào các trụ cột: Bán lẻ, Kinh doanh vốn và Dịch vụ; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu hoạt động; đảm bảo chất lượng tăng trưởng, an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững, Hội đồng quản trị đã quyết liệt chỉ đạo ngay từ đầu năm, linh hoạt và kịp thời định hướng hoạt động của Vietcombank trong cả năm. 

Với nỗ lực và quyết tâm của toàn hệ thống, kết thúc năm 2018, Vietcombankđã đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch ĐHĐCĐ giao, vươn lên dẫn đầu hệ thống ngân hàng về quy mô lợi nhuận, chất lượng tài sản.

Tổng tài sản đến 31/12/2018 đạt 1.074.027 tỷ đồng, tăng 3,7% so với 31/12/2017. Tổng huy động vốn năm 2018 đạt 823.390 tỷ đồng, tăng 13,3% so với 2017. Dư nợ tín dụng đạt 639.370 tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm 2017, nằm trong mức trần định hướng tăng trưởng tín dụng của Thống đốc NHNN giao.

Trong năm 2018, Vietcombank tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu. Dư nợ nhóm 2 là 3.781 tỷ đồng, giảm 1.002 tỷ đồng so với năm 2017. Tỷ lệ nợ nhóm 2 chỉ còn ở mức 0,59%. Kể từ khi cổ phần hóa, năm 2018 là năm đầu tiên Vietcombank đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 1%. Dư nợ xấu nội bảng là 6.223 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 0,97%, trong khi dư quỹ dự phòng rủi ro ở mức 10.294 tỷ đồng. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng là 165%, đạt mức cao nhất trong hoạt động của VCB. Thu hồi nợ ngoại bảng đạt 3.272 tỷ đồng, hoàn thành 116,8% kế hoạch HĐQT giao. 

Lợi nhuận trước thuế đạt 18.269 tỷ đồng, tăng 61,1% so cùng kỳ, đạt 137% kế hoạch năm 2018 do Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) giao.

Mục tiêu lợi nhuận 2019 là 20.000 tỷ

Năm 2019, ngân hàng sẽ tiếp tục phương châm hành động Chuyển đổi - Hiệu quả - Bền vững và đổi mới quan điểm điều hành Kỷ cương - Hành động - Trách nhiệm, toàn hệ thống Vietcombank tiếp tục nỗ lực thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phấn đấu hoàn thành kế hoạch theo đúng định hướng nhiệm vụ của NHNN.

Vietcombank sẽ tập trung nguồn lực, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu mà ĐHĐCĐ giao, đưa Vietcombank phát triển hơn nữa và tiến gần hơn tới mục tiêu chiến lược là trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 100 ngân hàng hàng đầu khu vực,một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, được quản trị theo các thông lệ tốt nhất.

Chỉ tiêu năm 2019 tổng tài sản sẽ tăng thêm 12% đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 15% đạt hơn 735 nghìn tỷ; huy động vốn tăng 11 – 13% và lợi nhuận trước thuế là 19.500 tỷ đồng cho ngân hàng riêng lẻ và 20.000 tỷ của ngân hàng hợp nhất. Số chi nhánh dự kiến tăng thêm là 5, và nếu được NHNN chấp thuận thì sẽ mở rộng thêm 1 chi nhánh ở Úc tức tổng cộng tăng thêm 6.

Như vậy đáng chú ý trong nội dung được trình ĐHCĐ hôm nay, lợi nhuận của Vietcombank thấp hơn so với con số 20.500 tỷ mà ngân hàng đã gửi tới cổ đông trước đó.

Riêng về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết chỉ tiêu tăng trưởng của Vietcombank được giao là 15% - cao nhất trong số 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, và sẽ phấn đấu tăng trưởng cao hơn nếu được NHNN cấp thêm room tăng trưởng.

ĐHCĐ Vietcombank: Kế hoạch lãi 20.000 tỷ, tiếp tục chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh 1.

Ông Nghiêm Xuân Thành điều khiên đại hội

Vì sao giảm mục tiêu lợi nhuận?

Vấn đề giảm lợi nhuận được cổ đông hỏi và ông Nghiêm Xuân Thành cho biết trước khi đại hội, cơ quan quản lý yêu cầu các ngân hàng phải rà soát lại kế hoạch kinh doanh, đặc biệt là việc trích lập dự phòng đầy đủ, nhất là các khoản nợ đã bán cho VAMC. Nếu các ngân hàng đã trích lập đủ rồi thì yêu cầu chia sẻ với doanh nghiệp, tức là chia sẻ lợi nhuận bằng việc giảm lãi suất. Vietcombank rơi vào trường hợp thứ 2.

Cũng theo ông Thành, hiện Vietcombank có tỷ lệ bao nợ xấu 170% - cao nhất trong số các tổ chức tín dụng, tức là 100 đồng nợ xấu thì dự phòng đến 170 đồng. Vietcombank đã rất thận trọng, an toàn theo chuẩn mực quốc tế, và không còn nợ xấu ở VAMC. Ban lãnh đạo ngân hàng cũng có rà soát và điều chỉnh giảm lợi nhuận để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Đối tượng được giảm lãi suất là những khách hàng sử dụng các sản phẩm dịch vụ của VCB (tức là dùng các dịch vụ như thanh toán, gửi tiền chứ không phải chỉ vay của VCB mà đi dùng dịch vụ khác ở ngân hàng khác.

Song ông Thành cũng cam kết với cổ đông lợi nhuận năm 2019 sẽ vượt 20.000 tỷ đồng, mức 20.000 tỷ trong tờ tình gửi đại hội là mức tối thiểu.

Tiếp tục tăng vốn bằng phát hành riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu và cổ đông mới

Cổ đông hỏi các phương án tăng vốn điều lệ mà HĐQT trình cổ đông trong hôm nay có khác so với các phương án phát hành mà ngân hàng đã thực hiện phát hành cho cổ đông chiến lược đã thực hiện từ đầu năm đến nay hay không?

Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, việc tăng vốn từ 2 cấu phần là chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ. Đối với việc phát hành riêng lẻ, đây là phương án tiếp theo của kế hoạch phát hành năm trước đã thực hiện (mới làm được hơn 3%) cho GIC, sẽ phát hành tiếp hơn 6% trong năm nay.

Song hình thức tăng vốn năm nay sẽ khác, bao gồm phát hành cho cổ đông hiện hữu và cổ đông mới chứ không chỉ riêng cổ đông mới như năm ngoái, việc này HĐQT sẽ thực hiện sau khi cổ đông thông qua.

Ông Dũng cho biết thêm, trong những năm vừa qua, Vietcombank tiếp cận với các nhà đầu tư lớn và có nhiều nhà đầu tư cũng muốn tham gia vào Vietcombank, nên khả năng đợt tăng vốn tới sẽ có sự tham gia của các cổ đông này.

Mảng ô tô nhiều tiềm năng, chú trọng tín dụng tiêu dùng an toàn hiệu quả

Cổ đông hỏi Vietcombank có kế hoạch phát triển bán lẻ và tín dụng tiêu dùng như các ngân hàng khác không?

Ông Phạm Quang Dũng cho biết, mảng bán lẻ của Vietcombank đang tăng trên 30% mỗi năm, hiện chiếm 40% tổng quy mô tín dụng của ngân hàng, đóng góp 46% tổng doanh thu của ngân hàng. Các năm trước Vietcombank làm bán buôn mạnh nhưng hiện tại đẩy mạnh bán lẻ và thu hẹp khoảng cách đáng kể với các đối thủ đi trước. Ngân hàng đánh giá sẽ có khả năng phát triển lớn đó là cho vay ô tô, bởi đời sống ngày càng tăng thì nhu cầu sẽ cao, nên ngân hàng sẽ chú trọng. Hiện quy mô cho vay ô tô của Vietcombank chỉ khoảng 1.000 tỷ đồng, trong tổng 300.000 tỷ cho vay bán lẻ, còn chưa thấm vào đâu.

Còn với chiến lược phát triển tiêu dùng, từ 2012 thì đại hội cổ đông đã thông qua chủ trương mở công ty tín dụng tiêu dùng nhưng đến nay chưa làm. Theo quy định mỗi ngân hàng có 1 công ty tài chính, mà Vietcombank đã có công ty cho thuê tài chính nên sẽ không thể có công ty tài chính nữa. Không có công ty riêng về tài chính không có nghĩa là không phát triển mảng này, trong thời gian tới đây, cùng sự hỗ trợ của Mizuho, chắc chắn sẽ mở rộng thị trường tín dụng nhưng theo hướng vừa đảm bảo hiệu quả vừa đảm bảo an toàn.

Góp vốn vào MB, Eximbank, Vietnam Airlines lãi lớn

Cổ đông hỏi, hiện Vietcombank vẫn đang nắm MBB và Eximbank, lộ trình thoái vốn thế nào? Ông Dũng cho biết, hoạt động thoái vốn đã đạt hơn 1.600 tỷ đóng góp vào lợi nhuận năm 2018. Hiện nay còn một số khoản đầu tư lớn ở MB và Eximbank, khoảng 4,5% ở mỗi đơn vị này, ngoài ra còn Vietnam Airlines cũng là khoản đầu tư lớn. Nếu định giá thị trường đến ngày hôm nay thì Vietcombank có lãi khoảng 2.000 tỷ. Tuy nhiên căn cứ vào hoạt động kinh doanh 2019 thì sẽ có kế hoạch thoái vốn hiệu quả nhất. Hiện ngân hàng không có sức ép thoái vốn vì đều đã đáp ứng các yêu cầu về sở hữu.

...

Thông qua các tờ trình và bầu bổ sung thành viên HĐQT

Sau phần thảo luận, đại hội cổ đông Vietcombank thông qua các tờ trình với tỷ lệ trên 98% số cổ phiếu có quyền biểu quyết tại đại hội.

ĐHCĐ cũng đồng thuận với tỷ lệ 99,6% bầu ông Đỗ Việt Hùng vào HĐQT đương nhiệm.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên