ĐHCĐ Viglacera: Cổ đông lớn đặc biệt quan tâm đến đợt phát hành 120 triệu cổ phiếu
Ông Luyện Công Minh, Chủ tịch HĐQT Viglacera cho biết, Tổng Công ty sẽ đầu tư vào các lĩnh vực sen vòi, gạch ốp lát và kính nổi, hợp tác đầu tư khách sạn ở Cuba.
9h15: Sẽ thành lập công ty kinh doanh vật liệu xây dựng và khách sạn tại Cuba
Sáng 25/4, Tổng Công ty Viglacera -CTCP (VGC) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2017. Ông Luyện Công Minh, Chủ tịch HĐQT Viglacera báo cáo trước Đại hội những kết quả đạt được năm 2016 và kế hoạch đầu tư năm 2017.
Đáng chú ý, năm 2017 Viglacera sẽ đầu tư vào lĩnh vực vật liệu xây dựng và đầu tư vào lĩnh vực khách sạn tại Cuba.
Báo cáo cho thấy, năm 2016, Viglacera đạt kết quả kinh doanh khả quan với 768,7 tỷ đồng tăng 46% so với năm 2015, vượt 37% so với kế hoạch ĐHCĐ thông qua. Lợi nhuận đạt 440,8 tỷ đồng tăng 79% và vượt 57% so với kế hoạch. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 1.826 đồng tăng 47,3%, mức chia cổ tức dự kiến 9,5% (ĐHCĐ năm ngoái đề ra là 7%).
Tình hình tài chính của Viglacera lành mạnh, sử dụng và bảo toàn vốn hiệu quả. Tổng tài sản năm 2016 của Viglacera tăng hơn 1.163 tỷ đồng đạt 9.938 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính đến hết năm 2016 đạt 3.832 tỷ đồng tăng gần 845 tỷ. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đạt 13% tăng 4,4% so với năm ngoái. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu đạt 13,8% tăng 7% so với 2015.
Theo ông Luyện Công Minh, Chủ tịch HĐQT Viglacera, kết quả kinh doanh tích cực năm qua nhờ hoạt động kinh doanh ở nhiều mảng đạt hiệu quả cao. Trong đó, nhóm kính có sự phát triển vượt bậc. Năm ngoái, riêng lợi nhuận của kính đạt 256 tỷ đồng tăng 2,1 lần so với 2015, vượt 226% kế hoạch. Lợi nhuận chủ yếu đến từ công ty kính nổi Viglacera.
Một số lĩnh vực khác của Viglacera cũng đạt hiệu quả kinh doanh tốt như sứ vệ sinh, sen vòi, gạch ốp lát lợi nhuận tăng khoảng 35% so với năm ngoái đạt 182,6 tỷ; kinh doanh gạch gói có lợi nhuận tăng 59% so với năm 2015 đạt 196,5 tỷ đồng;
Ngoài ra, lĩnh vực kinh doanh bất động sản của Viglacera cũng đã đạt kết quả tốt với mức lợi nhuận đạt 179 tỷ đồng từ một số dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội. Năm ngoài Viglacera đã khởi công 3 dự án KCN mới, và đầu tư xây dựng hạ tầng ở nhiều KCN hiện có.
Năm 2016, đánh dấu 2 năm Viglacera hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Thực hiện thành công việc tăng vốn điều lệ giai đoạn 1 từ 2.645 tỷ đồng lên 3070 tỷ đồng, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước từ 91,49% xuống còn 78,82% thông qua việc chào bán cổ phiếu ra công chúng và phát hành ESOP 2016.
Năm ngoái Viglacera đã thoái 100% vốn tại CTCP Giấy Tây Đô và CTCP Viglacera Đông Triều, giảm sở hữu vốn tại CTCP Cơ khí và Xây dựng Viglacera xuống còn 26%.
Trong năm 2016, Viglacera đã triển khai đầu tư xây dựng nhiều dự án nhà máy lớn như dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng công suất 2,3 triệu m2/năm, dự án kính nổi siêu trắng công suất 600 tấn/ngày; Dự án nhà máy sứ Viglacera Mỹ Xuân công suất 750.000 sp/năm; Dự án dây chuyền sản xuất kính cán siêu trắng công suất 250 tấn/ngày…Viglacera cũng đã triển khai đầu tư liên doanh hợp tác đầu tư sứ vệ sinh và gạch ốp lát ở Cuba, hợp tác đầu tư khách sạn tại Cuba.
Về lĩnh vực BĐS, Viglacera đầu tư xây dựng thêm 3 KCN mới nâng tổng số KCN sở hữu lên 10 KCN với quỹ đất lên tới 3.580 ha.
Với những kết quả tích cực trên, năm 2017 Viglacera đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận (hợp nhất) 10% so với năm 2016, đạt 844 tỷ đồng.
Doanh thu hợp nhất khoảng hơn 8000 tỷ đồng tương đương thực hiện năm 2016.
9h45 Tổng Giám đốc Viglacera: Hợp tác đầu tư dự án sứ vệ sinh và gạch ốp lát gần 62 triệu USD tại Cuba
Tổng Giám đốc Viglacera, ông Nguyễn Anh Tuấn cho Đại hội biết năm 2017 Tổng Công ty sẽ triển khai góp vốn với các đối tác và thủ tục thành lập công ty để triển khai dự án đầu tư dự án sản xuất vôi công nghiệp, các dự án tại Cuba. Hợp tác với các đối tác của Cuba lập liên doanh trong lĩnh vực gạch ốp lát, sứ vệ sinh với số vốn điều lệ dự kiến gần 40 triệu USD, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 61,8 triệu USD.
Giai đoạn đầu Viglacera sẽ góp vốn bằng giá trị dịch vụ kỹ thuật, phụ tùng các thiết bị thay thế và tiền mặt để cải tạo 2 nhà máy phục vụ nhu cầu thị trường Cuba và xuất khẩu, đầu tư 1 dây chuyền mới sản xuất sứ vệ sinh, 1 dây chuyền gạch ốp lát.
Trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, ông Tuấn cho biết sẽ hợp tác đầu tư vào Dự án khu du lịch sinh thái Vân Hải; Chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư dự án Tổ hợp Thăng Long Number One giai đoạn 2 và Khu nhà ở Yên Phong 9,1ha và khu nhà ở xã hội Yên Phong 9,8ha và khu nhà ở xã hội Tiên Dương –Đông Anh quy mô 39ha hợp tác đầu tư với CTCP Hoàng Thành, nhà ở thu nhập thấp Kim Chung-Đông Anh hợp tác đầu tư với Handico, nhà ở xã hội Đặng Xá mở rộng…
10h Trình ĐHCĐ nhiều kế hoạch quan trọng năm 2017
Ban lãnh đạo Viglacera trình Đại hội nhiều quyết sách quan trọng cho năm 2017. Trong đó có phương án phân phối lợi nhuận 2016.
Lợi nhuận sau thuế luỹ kế sau khi trích lập các quỹ còn lại là hơn 405 tỷ đồng, phương án phân phối là chia cổ tức 9,5%. Kế hoạch kinh doanh năm 2017, với tổng doanh thu 8000 tỷ, lợi nhuận 844 tỷ tăng 10%. Kế hoạch cổ tức năm 2017 dự kiến 9%.
Đầu tư vào nhiều nhà máy sản xuất kính nổi siêu trắng, nhà máy sứ, nhà máy vôi công nghiệp và đầu tư mạnh ra nước ngoài (Cuba).
Ngoài ra, Viglacera trình Đại hội thông qua mức thù lao của HĐQT và Ban kiểm soát năm 2016 và kế hoạch 2017. Theo đó, mức tiền lương bình quân năm 2016 của HĐQT bình quân là 56,5 triệu đồng/người/tháng, Ban kiểm soát là 30,7 triệu đồng/người/tháng. Tiền thưởng của người quản lý dự kiến được thưởng 1,5 tháng tiền lương thực hiện, cụ thể là HĐQT là 84,7 triệu đồng/người và Ban kiểm soát là 46,05 triệu đồng/người. Năm 2017, dự kiến mức tiền lương bình quân của HĐQT là 90 triệu đồng/người/tháng và Ban kiểm soát là 47 triệu đồng/người/tháng. Trường hợp nếu vượt lợi nhuận thực hiện 2017 dự kiến thưởng 1,5 tháng lương.
Bên cạnh đó, Viglacera cũng sẽ dự tính thoái vốn ở nhiều công ty con trong năm 2017 như CTCP Việt Trì Viglacera xuống còn 81,1%, CTCP Cơ khí và Xây dựng Viglacera giảm từ 26% xuống còn 0%, CTCP Visaho từ 36% còn 15%...
10h30: Cổ đông lớn đặc biệt quan tâm đến đợt phát hành 120 triệu cổ phiếu
Đại hội bước vào phiên hỏi đáp, cổ đông lớn quan tâm đến kế hoạch sử dụng vốn của đợt phát hành 120 triệu cổ phiếu sắp tới.
Ông Luyện Công Minh, cho biết nguồn vốn phát hành đợt này và esop là phục vụ đầu tư phát triển từ nay đến 2020, với mức dự kiến 4.270 tỷ là phù hợp với các dự án mới đang và sắp triển khai. Còn trong giai đoạn tới, nếu có phát sinh mới về nhu cầu đầu tư thì công ty sẽ tính toán tiếp.
Ngoài ra, cổ đông hỏi vì sao lại hợp tác với nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư dự án nhà máy kính siêu trắng? Ông Luyện Công Minh cho rằng, Viglacera là nhà sản xuất kính chiếm 45% thị phần, chủ yếu kính xây dựng. Còn kính siêu trắng công nghệ cao hơn, trên thế giới cũng không có nhiều hãng làm. Nhà đầu tư Trung Quốc có năng lực, mà Trung Quốc là nơi có lĩnh vực kính rất phát triển.
Đối với đầu tư vào KCN Phú Mỹ là đầu tư chiến lược, bởi có cảng Cái Mép nên thuận lợi xuất khẩu. Do đó chúng ta chọn nhà đầu tư chiến lược là IDICO và đối tác thứ 2 là tập đoàn Khải Thịnh. Họ là đối tác có năng lực.
Bên cạnh đó, cổ đông cũng băn khoăn về việc nguồn vốn đầu tư vào các dự án KCN của Viglacera, trong khi nhiều tập đoàn kinh doanh KCN lớn khác như Kinh Bắc, Becamex, Vsip...còn rất nhiều đất.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Viglacera cho biết, chuyện cạnh tranh là đương nhiên, thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết là Viglacera đứng thứ 5 nhưng tôi cho rằng kết quả thì chúng ta là số 1. Mục đích của KCN là thu hút vốn đầu tư và công nghệ cao và đem lại công ăn việc làm cho địa phương.
"Vsip thu hút được khoảng 8 tỷ đô, trong khi riêng Yên Phong của Viglacera đã thu hút 8 tỷ đô và các Nhà đầu tư đang đăng ký tiếp ở Yên Phong mở rộng, nâng mức đầu tư lên 10 tỷ đô. Chúng ta không thua kém các nhà đầu tư nước ngoài trong thu hút FDI, riêng Samsung đăng ký vào Yên Phong là 7 tỷ đô, ngoài ra còn các vệ tinh của Samsung đi theo để sản xuất các linh kiện. Thì chúng ta phải chuẩn bị quỹ đất để phục vụ các doanh nghiệp." Ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, hiện KCN đã lấp đầy 300ha, nhà đầu tư tiếp tục muốn mở rộng nhà máy ở Yên Phong nên Viglacera tiếp tục tăng vốn đầu tư vào KCN này.
Dự án KCN Đồng Văn 4: cũng đã khởi công và đã đền bù khoảng 90ha, đang triển khai thi công hạ tầng. Hiện có 7 nhà đầu tư Hàn Quốc chủ yếu là điện tử. Đông Văn 4 đang xin mở rộng tiếp 300ha để lên 600ha. Nên cũng cần nguồn vốn từ 30-40% vốn chủ sở hữu để đầu tư. Do đó, phải phát hành tăng vốn còn lại đi vay để triển khai.
Cổ đông Viglacera cũng rất quan tâm đến lĩnh vực sứ:
Theo đó, đại diện Ban lãnh đạo Viglacera cho rằng, lần đầu tiên có lợi nhuận tốt chiếm khoảng 10% trên doanh thu. Đây là kết quả thể hiện khả năng cạnh tranh tốt. Hiện là một thương hiệu Việt Nam nhưng tương đương với nước ngoài. Kính và sứ là lĩnh vực khó trên thị trường, ít nhà đầu tư làm được khi chúng ta có công nghệ thì phải tận dụng để đầu tư để chiếm lĩnh thị trường.
Ngoài ra, một số cổ đông lớn khác đánh giá cao đợt phát hành 120 triệu cổ phần sắp tới của Viglacera. Tuy nhiên, một cổ đông lớn cho rằng việc lựa chọn giá đấu bình quân là 12.300 đồng/cp là chưa phù hợp, với 2 lý do là không tối ưu được nguồn vốn và chưa đảm bảo quyền lợi của cổ đông cũ. Bởi trước đó họ đã phải mua với giá 13.800 đồng/cp ở đợt phát hành trước đó.
Theo đại diện Viglacera, việc đưa ra giá đấu bình quân như trên là bởi theo phương án tính toán của đơn vị tư vấn, là cân nhắc đến tính pha loãng và giá thị trường.
Tại Đại hội, các cổ đông Viglacera đã thông qua các nội dung và Tờ trình của Viglacera.
Trí Thức Trẻ