ĐHCĐ Vinamilk: Tổ chức trực tuyến để bảo đảm sức khoẻ cho cổ đông, doanh thu quý 2/2020 tăng 2 chữ số so với quý 1
Quý 2/2020 doanh thu nội địa tăng 12,32% so với quý 1 còn doanh thu xuất khẩu tăng 26% so với quý 1.
Sáng nay, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, VNM) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2020. Tại đại hội, ban tổ chức cho biết, để bảo đảm sức khoẻ của cổ đông trong bối cảnh dịch Covid-19 thì công ty tổ chức đại hội theo hình thức trực tuyến.
Tính đến thời điểm 8h40’, số cổ đông tham dự đại hội cổ đông trực tuyến đạt hơn 85% và Đại hội đủ điều kiện tiến hành.
Đặt kế hoạch doanh thu, lợi nhuận tăng bất chấp dịch Covid-19, trả cổ tức ít nhất 50% LNST và phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 5:1
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ, năm 2020, Vinamilk đặt kế hoạch doanh thu 59.600 tỷ, tăng 5,7%; lợi nhuận sau thuế tương ứng 10.690 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2019.
Kết thúc quý 1/2020, Công ty ghi nhận doanh thu 14.206 tỷ đồng, tăng 7%; ngược lại lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ về 2.777 tỷ. So với con số kế hoạch sắp trình cổ đông, Vinamilk sau 3 tháng đã thực hiện được 24% chỉ tiêu doanh thu và 26% chỉ tiêu lợi nhuận.
Năm 2020, Hội đồng Quản trị Vinamilk cũng trình ĐHĐCĐ thường niên phê duyệt chính sách cổ tức bằng tiền năm 2020 tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong đó đợt 1 và đợt 2 dự kiến lần lượt 20% và 10% còn lần chi trả cuối cùng sẽ do ĐHCĐ thường niên 2021 quyết định.
Công ty cũng lên kế hoạch phát hành tối đa 348 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ lệ 5:1. Ngày đăng ký cuối cùng nhằm ngày 30/9/2020, nếu thành công vốn điều lệ của Vinamilk sẽ tăng tối đa thêm gần 3.483 tỷ đồng.
Xin ý kiến cổ đông bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh mới
Đáng chú ý, Vinamilk dự trình cổ đông kế hoạch bổ sung ngành nghề kinh doanh mới như sản xuất đường; dịch vụ phục vụ đồ uống (café, giải khát); bán lẻ túi, hộp, thùng và các loại bao bì khác trong cửa hàng chuyên doanh; bán buôn thực phẩm như mứt, bánh, kẹo, socola, cacao, ngũ cốc, bột, tinh bột và các loại hạt...; bán buôn ngô và các loại ngũ cốc khác; bán buôn kim loại và quặng kim loại.
Đối với mảng dịch vụ phục vụ đồ uống, Vinamilk đang triển khai dự án mở hệ thống/chuỗi cửa hàng bán lẻ cà phê, đồ uống và một số thức ăn kèm theo với thương hiệu "Hi - Café". Trong năm 2019, Vinamilk đã mở 1 cửa hàng tại Trụ sở chính. Năm 2020 và các năm kế tiếp, Vinamilk dự kiến sẽ phát triển mở rộng chuỗi cửa hàng này tại nhiều địa điểm khác nhau và trực tiếp triển khai vận hành hoạt động kinh doanh.
Mới đây, Vinamilk cũng vừa ký thoả thuận ghi nhớ liên quan đến việc thành lập liên doanh trong lĩnh vực nước giải khát- kem với Tập đoàn Kido (KDC). Trong đó, tỷ lệ vốn góp của VNM là 51%, còn KDC là 49%. Liên doanh sẽ sản xuất kinh doanh nước giải khát, (bao gồm các loại nước có lợi cho sức khoẻ, trà, trà sữa… không bao gồm các loại có gas), sản xuất và kinh doanh các loại kem và thực phẩm đông lạnh với thương hiệu Vibev.
Ngoài ra, đối với lĩnh vực sản xuất đường, Vinamilk dự sẽ phát triển các sản phẩm đường thương mại có chức năng chuyên biệt như đường dành cho người bệnh tiểu đường, người theo chế độ ăn kiêng...
Bầu bổ sung thêm 1 thành viên HĐQT
Tại Đại hội cổ đông, Vinamilk cũng xin ý kiến cổ đông bầu bổ sung 1 thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2017 – 2021 đối với Bà Nguyễn Thị Thắm. Theo sơ yếu lý lịch đại hội cổ đông cung cấp, bà Thắm sinh năm 1985 và từ năm 2017 đến nay là trưởng phòng, Phó Chánh văn phòng – Văn phòng Điều hành, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (Thư ký giúp việc cho Chủ tịch Hội đồng thành viên, phụ trách bộ phận thư ký Hội đồng thành viên SCIC…)
Vinamilk đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Tại Đại hội cổ đông, bà Mai Kiều Liên cho biết, Vinamilk hiện đang tăng mạnh việc hợp tác quốc tế trong ngành sữa. Công ty hiện đang có rất nhiều hợp đồng xuất khẩu sữa đi các nước với trị giá nhiều triệu Đô la Mỹ đi Trung Đông, Hàn Quốc hay Nga và liên minh kinh tế Á Âu đã đồng ý cho Vinamilk xuất khẩu sữa vào các thị trường này. Hiện, Vinamilk cũng đã có nhiều hoạt động chăn nuôi bò sữa ở nước ngoài.
Bà Mai Kiều Liên cũng cho biết, Vinamilk đã hoàn tất nâng tỷ lệ sở hữu tại GTNfoods lên trên 75% và nhờ đó đã sở hữu chi phối Mộc Châu Milk và đang phát triển vùng nuôi tại đây.
Q&A (Cổ đông đặt câu hỏi trực tuyến qua phần mềm)
Kế hoạch 2020 dựa trên kế hoạch xuất khẩu và nội địa, xin bà chia sẻ về thị trường xuất khẩu? Kết quả đầu tư vào GTNfoods thế nào?
Bà Mai Kiều Liên: Vinamilk bắt đầu xuất khẩu từ năm 1990 và có rất nhiều kinh nghiệm. Đối thủ của Vinamilk trong ngành sữa trên thế giới rất nhiều. Công ty hiện đã đạt tỷ lệ xuất khẩu lên đến 13% sản lượng. Tuy nhiên, Vinamilk vẫn luôn quan niệm phải chắc chân trên sân nhà đã rồi mới tính đến thị trường xuất khẩu.
Sau khi đầu tư vào GTNfoods thì công ty cũng đã phát triển hệ thống phân phối của Mộc Châu Milk và các hoạt động khác như kế hoạch nâng cấp nhà máy, tăng vốn... Kết quả đầu tư mở rộng Mộc Châu sẽ được thể hiện rõ nét vào cuối năm nay.
Mộc Châu Milk sau khi về với Vinamilk thì lợi nhuận tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Con người Mộc Châu Milk thế nào vẫn giữ nguyên như cũ, lợi nhuận tăng nhờ chúng tôi ứng dụng những công cụ quản lý hiện đại.
Xin cô chia sẻ về tương lai ngành sữa trong 5-10 năm tới? Ở các nước khác thì người tiêu dùng chuyển dịch khá nhiều sang phô mai và các sản phẩm khác?
Tiên tri ngành sữa thì tôi không biết nhưng tôi nhận định ngành sữa vẫn phát triển. Tỷ lệ sinh vẫn cao và nhu cầu sữa cho trẻ em vẫn nhiều. Ngoài ra, tỷ lệ dùng sữa của người dân Việt Nam so với các quốc gia khác vẫn đang rất thấp. Tôi cho rằng ngành sữa Việt vẫn còn rất nhiều cửa để phát triển.
Xin công ty chia sẻ về việc hợp tác với Kido? Hiện Vinamilk đang có biên lợi nhuận gộp rất cao, xin công ty chia sẻ về những yếu tố có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp?
Bà Mai Kiều Liên: Về hợp tác với Kido thì Vinamilk và Kido sẽ hợp tácthành lập liên doanh trong lĩnh vực nước giải khát- kem. VNM là 51%, còn KDC là 49%.
Đối với những yếu tố ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp, Vinamilk hiện là doanh nghiệp có biên lãi gộp cao bậc nhất thế giới. Nhiều người hỏi rằng có phải do giá sữa của Việt Nam cao hay không thì tôi khẳng định là không cao. Chúng tôi đã thu mua sữa của nông dân với giá cao hơn mặt bằng chung của thế giới lên đến 30%.
Cổ đông nước ngoài: Có bao nhiêu sản phẩm của công ty phải sở hữu tủ lạnh. Công ty có phải đầu tư nhiều cho những sản phẩm dạng này không? Ảnh hưởng ra sao đến biên lãi gộp của công ty?
Đối với chuỗi lạnh thì Vinamilk có các sản phẩm cần dùng công cụ giữ lạnh như Sữa chua, kem... Vinamilk hiện đang dùng toàn bộ các công cụ của công ty chứ không thuê ngoài của bên nào khác. Mức tăng trưởng các sản phẩm này rất cao những năm gần đây-lên đến 2 con số. Công ty dự kiến đầu tư thêm vào các sản phẩm này.
Nhiều cổ đông hỏi vì sao các chuỗi cà phê đang thua lỗ và phải đóng cửa mà Vinamilk lại nhảy vào thì chúng tôi xin nói rõ là Vinamilk không có ý định thuê những cửa hàng 15-20.000 USD để triển khai dự án mà chúng tôi tận dụng những lợi thế của mình để đi vào ngành giải khát. Chúng tôi hiện có chuỗi cửa hàng giấc mơ sữa Việt và nếu quý cổ đông nào chưa thử sản phẩm cà phê của chúng tôi cũng có thể đến cửa hàng giấc mơ sữa Việt với độ phủ hàng trăm ngàn cửa hàng trên cả nước để thưởng thức.
Trước đây cổ phiếu của công ty rất ổn định nhưng những năm gần đây lại không? Có phải do công ty đầu tư dàn trải?
Tôi cũng không biết vì sao cổ phiếu của công ty lại giảm. Công ty vẫn đang đầu tư rất tốt và tỷ lệ chia cổ tức vẫn rất cao. Tôi thấy thị trường chứng khoán giờ rất lạ là Dow jone cứ tăng là chứng khoán Việt tăng và ngược lại. Việc mua bán là nhu cầu đầu tư của mọi người nên tôi cũng chỉ có thể khuyến nghị cổ đông là nếu công ty vẫn đạt được kỳ vọng của cổ đông thì cổ đông đồng hành cùng công ty còn nếu không đạt được thì bán còn công ty vẫn đang rất tốt.
Khi nào thì giá mua sữa của Vinamilk bằng sữa quốc tế? Theo tôi được biết thì công ty đang mua cao hơn quốc tế 30%?
Giá mua sữa của nông dân được chúng tôi công bố rộng rãi. Nó liên quan đến liên minh công-nông và chúng tôi sẵn sàng mua để ủng hộ nông dân. Ở các nước họ yêu cầu rất nhiều về số lượng bò/hộ rất khác. Ở ta, có hộ chỉ nuôi mười, hai mươi con, có hộ lên đến hàng trăm con. Việc nông dân nuôi có thể chi phí cao hơn nông dân các nước nhưng chúng tôi cho rằng để thay đổi được điều này cần rất nhiều thời gian.
Chiến lược của công ty để tăng độ phủ dòng sữa organic ở thị trường nước ngoài như thế nào?
Xu hướng organic đang rất rộng mở nên chúng tôi cũng đang từng bước tiếp cận. Ở thị trường nào cũng vậy, có sẵn những sản phẩm hiện hữu. Khi mình đưa sản phẩm mình vào thì mình cũng đi từng bước để tiếp cận thị trường thôi.
Vinamilk nhận biết được xu hướng rộng lớn của dòng sữa organic nên mới đầu tư mạnh vào trang trại bò sữa organic ở Lào.
Kết quả kinh doanh quý 2/2020 so với quý 1/2020 như thế nào?
Quý 2/2020 doanh thu nội địa tăng 12,32% so với quý 1 còn doanh thu xuất khẩu tăng 26% so với quý 1.
Đến 10h15', Đại hội cổ đông tiến hành kiểm phiếu biểu quyết. Toàn bộ nội dung Hội đồng quản trị đệ trình đại hội cổ đông đã được cổ đông thông qua với tỷ lệ gần 100%.
Nhịp sống kinh tế