ĐHĐCĐ ACB: Standard Chartered Bank có kế hoạch thoái vốn tại ACB không?
Theo đại diện Standard Chartered Bank, việc thoái vốn trước đó chỉ là thảo luận. Nếu có thoái vốn thì họ sẽ thực hiện theo đúng quy định của cơ quan quản lý cũng như điều lệ của ACB.
Sáng nay (10/4), tại TP.HCM, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2017.
9h: Đại hội chính thức bắt đầu.
Theo báo cáo của ông Đỗ Minh Toàn - Tổng giám đốc ngân hàng ACB, trong năm 2016, kết quả kinh doanh của ngân hàng đã ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng rủi ro đạt 1.667 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2015. Doanh thu lõi tăng 20% so với năm 2015. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt lần lượt 0,61% và 9,87%; tăng so với mức 0,5% và 8,2% của năm 2015.
Tính đến 31/12/2016, tổng tài sản của ngân hàng tăng 16% so với đầu năm, lên 234 nghìn tỷ đồng. Tổng tiền gửi khách hàng tăng 18%, lên 207 nghìn tỷ đồng. Dư nợ cho vay tăng 21%, lên 161,6 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu 0,88%, giảm so với mức 1,3% tại thời điểm cuối năm 2015, thấp nhất trong giai đoạn 2011-2016. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 13,19%. Tỷ lệ dự trữ thanh khoản đạt 23,1% so với mức tối thiểu 10%. Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 24,27% so với mức tối đa 60% của năm 2016 và mức 50% của năm 2017.
Trong quản lý rủi ro, về mục tiêu dài hạn, ACB đang hoàn thiện và từng bước triển khai áp dụng các tiêu chuẩn về vốn quy định tại Hiệp ước Basel II theo lộ trình hướng dẫn của NHNN.
Về kế hoạch hoạt động kinh doanh của năm 2017, trên cơ sở dự báo môi trường kinh doanh, ngân hàng ACB đặt ra mục tiêu tổng tài sản tăng 16%; tín dụng tăng trưởng đến mức NHNN phân bổ là 16%; vốn huy động từ tiền gửi khách hàng tăng 16%. Tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; Lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn ở mức 2.205 tỷ đồng.
Theo ban điều hành của ngân hàng, để đạt được kế hoạch trên, năm 2017, ngân hàng sẽ tập trung đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng KHCN, DN vừa và nhỏ; Cải tiến chất lượng dịch vụ khách hàng nhằm cải thiện thu nhập phí từ các hoạt động dịch vụ với mức tăng trưởng cao hơn năm 2016; tập trung xử lý nợ xấu, thu hồi nợ xấu; củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của các công ty con...
Chia cổ tức năm 2016 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%, tăng vốn lên 11.259 tỷ đồng
Về việc trích lập quỹ và phân phối lợi nhuận năm 2016, ngân hàng trình tại ĐHĐCĐ phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%. Ngoài ra, ACB dự kiến sẽ tiếp tục giữ lại 100 tỷ đồng lợi nhuận dự kiến dùng mua cổ phiếu thưởng nhân viên.
Về tờ trình phương án tăng vốn điều lệ từ cổ tức bằng cổ phiếu phổ thông. Theo lãnh đạo ngân hàng việc tăng vốn điều lệ là cần thiết với ACB vì các quy định mới của NHNN đều gắn các tỷ lệ giới hạn (chẳng hạn như giới hạn cấp tín dụng) với VCSH/VĐL. Việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp tăng các giới hạn liên quan tới cấp tín dụng cho khách hàng, thêm nguồn vốn trung và dài hạn để tài trợ cho các hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng. Đồng thời thêm nguồn vốn để đầu tư vào các giải pháp để củng cố và nâng cao hệ thống nền tảng như đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở vật chất và hệ thống quản trị rủi ro. Cụ thể, ngân hàng này đề ra kế hoạch sẽ đầu tư 1.085 tỷ đồng cho các dự án năm 2017 bao gồm 300 tỷ đồng để mua sắm bất động sản và 72 tỷ đồng để xây dựng trụ sở mới/ văn phòng làm việc.
Việc tăng vốn giúp ACB nâng cao năng lực tài chính, giúp đứng vững trước những biến động của thị trường.
“Tóm lại việc tăng vốn là hết sức cần thiết cho hoạt động kinh doanh của ACB. VĐL tăng thêm dự kiến được sử dụng đầu tư vào tài sản cố định, xây dựng cơ bản, mua sắm công cụ dụng cụ phục vụ hoạt động của ngân hàng và các dự án, phần còn lại để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động và bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn mở rộng hoạt động kinh doanh", lãnh đạo ngân hàng cho biết tại Đại hội.
ACB dự kiến thực hiện kế hoạch tăng vốn năm 2017 từ chia cổ tức bằng cổ phiếu phổ thông cho cổ đông với tỷ lệ là 10%. Vốn điều lệ dự kiến sẽ được tăng thêm 985 tỷ đồng lên 11.259 tỷ đồng.
Theo phương án phân phối lợi nhuận dự kiến năm 2017, ACB cũng lên kế hoạch tiếp tục trả cổ tức bằng cổ phiếu cho năm tới, cùng tỷ lệ 10%.
Phát biểu tại Đại hội, ông Trần Hùng Huy cho biết với sự phát triển của nền kinh tế công nghệ số, mục tiêu chiến lược năm 2017, ACB sẽ đẩy mạnh các sản phẩm công nghệ số hiệu quả hơn cho khách hàng, gia tăng thị phần, xử lý dứt điểm các tồn đọng trong quá khứ...
Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB - ông Trần Hùng Huy.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM:
Theo báo cáo về kế hoạch kinh doanh năm 2017 nhiều người sẽ thắc mắc tại sao tín dụng và huy động năm nay lại đặt mục tiêu thấp hơn kết quả tăng trưởng đã đạt trong năm 2016 mà mục tiêu lợi nhuận năm 2017 lại cao hơn năm qua? Liệu ngân hàng có làm được không?
Tôi nghĩ rằng ACB đã tính toán chắc trước yếu tố an toàn trước rồi và tôi tin rằng ngân hàng sẽ đạt được trong năm 2017", ông Dũng phát biểu tại Đại hội.
Ngoài ra, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống là 18% tại sao, ACB lại chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%?
Đối với ACB, 16% trong 161 nghìn tỷ thì con số tuyệt đối này đã lớn hơn con số tuyệt đối tại một số NH nhỏ mà tăng trưởng tín dụng 18%. ACB cũng có thể xin NHNN điều chỉnh nới rộng chỉ tiêu tăng trưởng này nếu thấy cần thiết.
-----------------------------------------------------------------
10h30: Đại hội chuyển sang phần thảo luận.
Cổ đông: Cách đây 2 năm, Standard Chartered có kế hoạch thoái vốn các khoản đầu tư ở thị trường Châu Á. ACB là 1 trong những khoản đầu tư của NH. Đại diện có thể chia sẻ chiến lược đầu tư tại thị trường này trong thời gian tới?
Khoảng 10 năm Standard Chartered Bank đầu tư vào ACB hỗ trợ kinh nghiệm quản lý. Vậy NH sẽ có những chiến lược gì tiếp tục hỗ trợ cho ACB?
Thông tin trên hồ sơ, chúng tôi có thảo luận việc bán cổ phần tại thị trường châu Á và trong đó có cả ACB nhưng đó chỉ là thảo luận. Nếu chúng tôi có thoái vốn thì chúng tôi sẽ thực hiện theo đúng quy định của cơ quan quản lý cũng như điều lệ của ACB.
Về hỗ trợ kỹ thuật của NH cho ACB: Chúng tôi đã hỗ trợ rất nhiều. Đến giai đoạn này tôi là Phó chủ tịch trong HĐQT của ACB và bây giờ sự hỗ trợ này không còn cần thiết nữa.
Ngày hôm nay, HĐQT ban điều hành của NH ACB đầy đủ năng lực không cần sự hỗ trợ của Standard Chartered Bank nữa, Tôi tin tưởng tương lai của ACB sẽ ngày càng vững mạnh.
Đỗ Minh Toàn TGĐ ACB bổ sung thêm:
Giai đoạn đầu ACB đã tiếp nhận sự hỗ trợ của NH. Đến nay đã chuyển sang giai đoạn hợp tác song phương và có hiệu quả tốt hơn.
Cổ đông: Cơ cấu danh mục huy động theo loại tiền của NH như thế nào?
Năm 2016, huy động về tiền đồng tăng trưởng mạnh hơn ngoại tệ do lãi suất huy động ngoại tệ bằng 0 nên tăng trưởng thấp hơn và ít tính chủ động hơn. Hơn 90% huy động tiền đồng và hơn 5% là huy động USD.
Cổ đông: Mục đích phát hành trái phiếu 2016 là gì? Năm 2017, ACB có kế hoạch huy động vốn từ trái phiếu không?
Đó là nhằm tăng năng lực an toàn vốn của Ngân hàng, dự kiến áp dụng Basel II. Tổng 2 đợt phát hành hơn 3.000 tỷ đồng, nhờ đó, huy động vốn năm qua của ACB đạt hiệu quả. Năm 2017, ACB không có kế hoạch huy động trái phiếu cấp vốn 2.
Cổ đông: ACB có bán bất động sản ở Mạc Đĩnh Chi không?
Năm 2016, NH có xem xét BĐS nhưng tình hình hiện tại hoạt động của NH khả quan và trong thời gian tới ban điều hành cân nhắc sẽ xây dựng trung tâm đào tạo của NH.
Cổ đông: ACB có dự kiến bán cổ phiếu quỹ không?
Theo lộ trình Basel II, ACB hiện chưa có kế hoạch bán cổ phiếu quỹ trong năm nay.
Cổ đông: Xin cho biết kết quả lợi nhuận quý I/2017 và kế hoạch trích lập dự phòng năm 2017?
Lợi nhuận quý I của tập đoàn là 595 tỷ đồng trước thuế, Trích lập theo kế hoạch ngân hàng tích cực trích lập theo pháp luật, đảm bảo khả năng sinh lời cho ngân hàng. ACB sẽ tiếp tục trích lập của nhóm G6 và nợ nhớm 3, 4, 5 theo quy định.
Cổ đông: Liên quan khoản nợ xấu nhóm 6 công ty liên quan đến Bầu Kiên, ACB sẽ giải quyết như thế nào?
Trong các khoản nợ của nhóm G6, đến hôm nay nợ xấu sau trích lập dự phòng là 1.500 tỷ đồng. Năm 2016, ACB thu nợ được 3.000 tỷ và trích lập 1.115 tỷ đồng. Theo lộ trình năm nay, ACB tích cực thu nợ chưa trích lập dự phòng, đối với nợ đã trích lập ngân hàng sẽ xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi.
Cổ đông: ACB có kế hoạch chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE?
Hiện tại, cơ quan quản lý có kế hoạch hợp nhất 2 sàn. Để đảm bảo lợi ích của cổ đông chúng tôi không có kế hoạch chuyển sàn trong thời điểm hiện tại.
Cổ đông: Bao giờ ACB áp dụng Basel II?
Với ACB, NH đã triển khai từ năm 2016 và tiếp tục lộ trình theo hướng dẫn của NHNN và tới 2020 sẽ áp dụng.
Cổ đông: Việc Eximbank và Sacombank có vấn đề nội tại, việc cạnh tranh của ACB sẽ ra sao?
Mỗi ngân hàng có vấn đề nội tại riêng, đối với ACB nhìn vào thị trường, khách hàng, ngân hàng cạnh tranh để có giải pháp phù hợp. ACB cho rằng đây là cơ hội nhưng không nhất thiết tăng trưởng bằng mọi giá.
Trí Thức Trẻ